Vụ Lê Duy Phong: Báo chí gặp nhiều khó khăn khi tác nghiệp

Sáng 20-4, TAND TP Yên Bái (Yên Bái) mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Lê Duy Phong (33 tuổi, nguyên trưởng Ban bạn đọc báo điện tử Giáo Dục Việt Nam) về tội cưỡng đoạt tài sản.

Theo cáo trạng, bị cáo Phong bị truy tố theo điểm a khoản 3 Điều 170 BLHS năm 2015 với mức án 7-15 năm tù.

Bị cáo Lê Duy Phong tại tòa sáng 20-4. Ảnh: TUYẾN PHAN

Đáng chú ý, tại phiên tòa hôm nay, hoạt động tác nghiệp của các phóng viên gặp nhiều khó khăn. Theo đó, mặc dù đã chủ động liên hệ làm việc từ chiều ngày hôm trước (19-4) nhằm đăng ký thủ tục theo dõi và đưa tin phiên tòa, nhưng rất nhiều phóng viên không được bố trí khu vực tác nghiệp.

Khi hỏi Phòng hành chính tư pháp, TAND TP Yên Bái, nhân viên tại đây cho biết báo chí được tòa sắp xếp theo dõi và đưa tin tại một phòng riêng nhưng do phòng chật và chỗ ngồi có hạn nên chỉ cho 13 phóng viên được vào.

Các phóng viên gặp nhiều khó khăn khi tác nghiệp

Đặt câu hỏi đã đăng ký từ rất sớm nhưng tại sao không có chỗ ngồi, nhân viên này cho hay đăng ký nhưng ai được cấp thẻ lại là một chuyện, chỉ những người đến trước thì mới được tòa bố trí (?).

Trước tình trạng trên, hầu hết phóng viên báo chí phải ngồi phía bên ngoài phòng xử. Tuy nhiên, hệ thống loa phát thanh rất nhỏ khiến việc nghe và theo dõi phiên xử rất "bập bõm".

Các phóng viên báo chí tới đưa tin phiên tòa từ rất sớm nhưng đều không được bố trí khu vực tác nghiệp

Tại tòa hôm nay, có ba luật sư tham gia bào chữa cho bị can Phong là luật sư Nguyễn Văn Kiệm, luật sư Chu Mạnh Cường và luật sư Nguyễn Sơn Hải (đều thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội).

Ông Vũ Xuân Sáng (Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Yên Bái) và ông Hoàng Trung Thực (chủ một doanh nghiệp vận tải) được triệu tập với tư cách là bị hại. Trong đó, ông Sáng có một luật sư bảo vệ.

Ngoài ra, năm người khác được triệu tập với tư cách là người làm chứng, bao gồm NTN (cô gái đi cùng Lê Duy Phong), ĐVC (bạn học của Phong, người “dắt mối” gặp gỡ ông Thực), ông Nguyễn Tiến Bình và Đào Ngọc Tước (tổng biên tập và phó tổng biên tập báo Giáo Dục Việt Nam)…

Thư kí phiên tòa làm thủ tục trước giờ xét xét

Theo cáo trạng, tháng 6-2017, bị cáo Phong chỉ đạo PV đến Yên Bái để xác minh nguồn gốc và tài sản trên đất của gia đình giám đốc công an và giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Yên Bái. Bị cáo đã nhắn tin vào số máy ông Sáng đề nghị gặp để xác minh một số vấn đề liên quan đến "dinh thự" của gia đình và được ông này đồng ý.

Tại cuộc gặp, Phong gợi ý ông Sáng đưa cho mình 200 triệu đồng thì sẽ "giải quyết ổn thỏa và không viết bài về nhà ông Sáng nữa".

“Thấy ông Sáng rất hoang mang nên Phong chủ động di chuyển từ vị trí đang ngồi đến sát chỗ ông Sáng ngồi và nói nhỏ: “Anh đưa cho em 200 triệu đồng”… Phong nói nhỏ với ông Sáng đưa 200 triệu đồng thì sẽ giải quyết ổn thỏa không viết bài về ông Sáng nữa” - cáo trạng nêu.

Phòng xử khá chật, nhiều người không có chỗ ngồi

Ông Sáng đồng ý và đưa trước cho Phong 100 triệu đồng tại phòng làm việc. Chiều 16-6, ông Sáng đưa tiếp cho Phong 100 triệu đồng nữa. Cùng ngày, Phong chỉ đạo PV dừng việc tìm hiểu việc liên quan đến "dinh thự" của ông Sáng.

CQĐT cũng cho rằng sau khi đưa tiền cho Phong, ông Sáng "bình tĩnh trở lại" nhận thức với cương vị là ủy viên Ủy ban Thường vụ Tỉnh ủy, giám đốc Sở KH&ĐT nên "không thể im lặng". Do đó, ông Sáng đã báo cáo với chủ tịch tỉnh và đến Công an TP Yên Bái tố giác việc bị Phong cưỡng đoạt 200 triệu đồng.

Ngày 22-6-2017, trong khi đang tiến hành xác minh đơn tố giác của ông Sáng, Công an TP Yên Bái đã phát hiện và bắt quả tang bị cáo đang có hành vi cưỡng đoạt tài sản số tiền 50 triệu đồng của ông Thực.

Bị cáo Phong có một tình tiết tăng nặng quy định tại điểm c và điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS 2015 là lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội và phạm tội từ hai lần trở lên.

 Bên cạnh đó, VKS cũng đề nghị tòa xem xét một số tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo, đó là trong giai đoạn truy tố, bị cáo đã khai nhận hành vi chiếm đoạt tài sản của ông Sáng và ông Thực; tác động đến gia đình thực hiện bồi thường 200 triệu đồng cho ông Sáng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm