Vụ kiện Bộ trưởng GD&ĐT: Tòa gửi giấy mời thứ trưởng

Chiều 17-10, theo dự kiến, TAND TP Hà Nội sẽ tuyên án vụ kiện hành chính của ông Hoàng Xuân Quế (giảng viên trường ĐH Kinh tế quốc dân) đối với bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, do còn một số điểm trong vụ kiện chưa được làm rõ, HĐXX đã quay lại phần xét hỏi.

Nhận thấy cần xác minh thêm một số tài liệu mà không thể tiến hành ngay tại tòa, HĐXX đã quyết định tạm ngừng phiên tòa. Đồng thời, TAND TP Hà Nội cũng đã có giấy mời Thứ trưởng Bùi Văn Ga (người đại diện theo ủy quyền của bộ trưởng Bộ GD&ĐT) có mặt tại trụ sở Tòa này vào ngày 20-7 tới đây, để tham gia tố tụng giải quyết vụ án.

Tại phần xét hỏi, LS bảo vệ quyền và lợi ích cho bộ trưởng Bộ GD&ĐT tiếp tục khẳng định việc ông Hoàng Xuân Quế bị thu hồi bằng tiến sĩ thuộc trường hợp gian lận trong khi làm hồ sơ.

Ngoài bản gốc cuốn luận án của ông Quế thì các tài liệu khác đều được Bộ lưu giữ đầy đủ. Cuốn luận án của ông Quế nộp theo đúng Quy chế đào tạo sau Đại học, là cuốn đóng sau cùng, nội dung giống với cuốn mà ông Quế bảo vệ trước hội đồng và cuốn tại Thư viện quốc gia.

HĐXX quyết định tạm ngừng phiên tòa kiện bộ trưởng Bộ GD&ĐT vì bị thu hồi bằng tiến sĩ

Trả lời về vấn đề thành lập hội đồng xác minh luận án tiến sĩ (HĐ) của ông Hoàng Xuân Quế, vị LS này cho hay do một số ý kiến cho rằng nội bộ trường ĐH Kinh tế quốc dân mất đoàn kết nên Bộ GD&ĐTđã mời một hội đồng từ cơ sở khác để xác minh, nhằm bảo đảm tính khách quan.

“HĐ thành lập là do văn bản yêu cầu của Bộ trưởng, nhưng việc mời các thành viên trong HĐ là do chủ  tịch hội đồng chức danh giáo sư ngành kinh tế. Ngành kinh tế rất rộng, việc ông chủ tịch mời 6/7 thành viên không nằm trong hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, nhưng đều là các chuyên gia tài chính, tiền tệ,… là sự cần thiết”- LS này nói.

Cũng theo LS, việc thành lập HĐ và ra kết luận đều diễn ra trong giai đoạn Bộ đang xác minh thông tin do báo chí nêu chứ chưa nằm trong giai đoạn giải quyết đơn tố cáo chính thức. Ý kiến của HĐ gửi tới bộ trưởng chỉ sử dụng để tham khảo chứ không phải là cơ sở để đưa ra quyết định thu hồi bằng tiến sĩ. Việc làm rõ có hay không việc sao chép là thuộc tổ xác minh do bộ trưởng quyết định thành lập.

Tuy nhiên, HĐXX cho rằng đây chỉ là ý kiến của LS bảo vệ quyền và lợi ích cho bộ trưởng Bộ GD&ĐT, nếu người đại diện của bộ trưởng có mặt và phát ngôn chính thức thì sẽ khách quan hơn.

Trước đó, tại phần tranh luận ngày 7-10, đại diện VKSND TP Hà Nội đã đề nghị tòa hủy quyết định của Bộ GD&ĐT về việc thu hồi bằng tiến sĩ của ông Quế.

Đại diện VKS cho rằng luận án của ông Quế bảo vệ thuộc cấp nhà nước, để xác minh có hay không việc sao chép thì cần phải lập HĐ cấp nhà nước. Hơn thế, lời trình bày của ông Quế cũng như tài liệu điều tra cho thấy ngoài cuốn luận án bản gốc cũng như bản copy tại Thư viện Quốc gia thì còn thiếu bản tóm tắt quyết định thành lập hội đồng chấm luận án, nghị quyết hội đồng chấm luận án…, không phù hợp với giấy biên lai giữa ông này và Thư viện Quốc gia. Ngoài ra, đại diện VKS cũng cho rằng có sự khác nhau giữa sáu cuốn luận án của Bộ và ông Quế thu thập được nên cần xác minh, đánh giá lại...

Trong một diễn biến khác, Bộ GD&ĐT vừa có văn bản gửi Chánh án TAND Tối cao; Chánh án TAND TP Hà Nội; Viện trưởng VKSND TP Hà Nội ý kiến phản biện về quan điểm của đại diện VKSND TP Hà Nội trong phiên tòa ngày 10-7.

Theo đó, HĐ được thành lập với mục đích xác minh việc có sao chép luận án hay không và nếu có sao chép thì khi bỏ phần sao chép ra, luận án còn giá trị, còn đạt yêu cầu hay không… Việc mời nhà khoa học nào tham gia là do chủ tịch hội đồng quyết định cho phù hợp với chuyên ngành của luận án cần xác minh. Kết luận của Hội đồng cũng chỉ có giá trị tham khảo trong quá trình giải quyết tố cáo.

Về ba cuốn luận án được Bộ GD&ĐT sử dụng làm căn cứ đối chiếu, so sánh là ba cuốn luận án của ông Hoàng Xuân Quế được lưu giữ chính thức theo đúng tiến trình đào tạo, cấp bằng tại Thư viện Quốc gia, Thư viện Trường ĐH Kinh tế quốc dân (cơ sở đào tạo) và Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM. Các cuốn luận án gốc nêu trên đã được Bộ GD&ĐT thu thập và lưu giữ đầy đủ trong hồ sơ vụ việc, khi thu nhận các quyển luận án để làm căn cứ đối chiếu nội dung sao chép đều có đầy đủ biên bản và xác nhận của các Thư viện.

Về chữ ký tại Lời cam đoan trên các quyển luận án, tại thời điểm 2003 khi ông Quế bảo vệ luận án, không có quy định nào bắt buộc nghiên cứu sinh phải ký vào Lời cam đoan. Việc không có chữ ký của nghiên cứu sinh vào phần Lời cam đoan của luận án không làm ảnh hưởng đến giá trị pháp lý của cuốn luận án,…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm