Vụ Hồ Duy Hải: Luật sư chỉ được tham dự một buổi là không sai

Như PLO đã thông tin, luật sư (LS) hỗ trợ pháp lý cho Hồ Duy Hải sáng 6-5 tại phiên giám đốc thẩm, chủ tọa đã thông báo rằng LS đã hoàn thành việc trình bày các chứng cứ mới, do vậy từ chiều trở đi LS không cần tham dự nữa.
LS cho biết ông đã làm đơn đề nghị được tham gia đầy đủ ba ngày diễn ra phiên giám đốc thẩm.
Tuy nhiên, chủ tọa cho biết Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thống nhất xét thấy không cần thiết phải có mặt LS. Việc LS được mời tham dự và trình bày các chứng cứ mới trong khoảng 30 phút đã được ghi nhận.
Theo lời LS, bắt đầu từ chiều nay, phiên giám đốc thẩm sẽ làm việc nội bộ, chủ yếu là xem xét, đánh giá chứng cứ dựa trên hồ sơ vụ án.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Sáu.

Bình luận vấn đề này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Sáu, Ủy viên Ủy ban Tư pháp Quốc hội, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM, phân tích:

Về thành phần tham gia phiên tòa giám đốc thẩm, BLTTHS 2015 quy định tại Điều 383 như sau:

1. Phiên tòa giám đốc thẩm phải có sự tham gia của kiểm sát viên VKS cùng cấp.

2. Trường hợp xét thấy cần thiết hoặc có căn cứ sửa một phần bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, tòa án phải triệu tập người bị kết án, người bào chữa và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị tham gia phiên tòa giám đốc thẩm; nếu họ vắng mặt thì phiên tòa giám đốc thẩm vẫn được tiến hành.

Do đó, theo quy định nêu trên thì phiên tòa giám đốc thẩm bắt buộc phải có đại diện VKS nhưng không bắt buộc phải triệu tập người đã bị kết án, người bào chữa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Việc triệu tập những người này chỉ có thể xảy ra khi hội đồng giám đốc thẩm xét thấy cần thiết hoặc có căn cứ để có thể sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
Do đó, Hội đồng Thẩm phán đã trao đổi và thống nhất việc LS không cần tham dự nữa là không trái quy định pháp luật.

Tính chất phiên giám đốc thẩm

Theo các điều 370, 382, 387, 388 BLTTHS 2015 thì tính chất của phiên tòa giám đốc thẩm không giống như phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm. Giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.

Quyết định của Hội đồng toàn thể Thẩm phán TAND Tối cao phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành. Nếu không được quá nửa số thành viên của Hội đồng toàn thể Thẩm phán tán thành thì phải hoãn phiên tòa. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa thì Hội đồng toàn thể Thẩm phán phải mở phiên tòa xét xử lại vụ án.

Hội đồng giám đốc thẩm phải xem xét toàn bộ vụ án mà không chỉ hạn chế trong nội dung của kháng nghị.

Thẩm quyền của hội đồng giám đốc thẩm gồm: Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị; hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của tòa án cấp sơ thẩm hoặc tòa án cấp phúc thẩm bị hủy, sửa không đúng pháp luật; hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại; hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án; sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật; đình chỉ xét xử giám đốc thẩm.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm