Vụ gỗ khô: ĐB Trương Trọng Nghĩa kiến nghị tòa rút kháng nghị

Chiều ngày 23-1, ĐBQH, ủy viên Ủy ban Tư pháp QH Trương Trọng Nghĩa (Đoàn Đại biểu QH TP.HCM) đã có văn bản khẩn cấp gửi tới Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội bà Lê Thị Nga, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí, Chánh án TAND Cấp cao tại Đà Nẵng Nguyễn Anh Tiến và Viện trưởng VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng Nguyễn Quang Dũng.
Trong kiến nghị dài 10 trang, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa nêu căn cứ vào Nghị định 157/2013 và Thông tư liên tịch 19/2007 và quan điểm của nhiều chuyên gia pháp lý thì hành vi vào rừng cưa cây gỗ trắc đã chết khô của năm bị cáo là vi phạm pháp luật nhưng chỉ bị xử phạt hành chính.
Việc TAND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm cho rằng năm bị cáo phạm tội trộm cắp tài sản là trái với quy định của pháp luật và có nguy cơ làm oan người vô tội.
Cụ thể, ĐB Trương Trọng Nghĩa dẫn chứng tại công văn số 519 ngày 16-8-2018 của Cục Kiểm lâm thì đối với hành vi khai thác trái phép dưới 5m³ đối với gỗ thuộc nhóm IIA (thuộc rừng tự nhiên) thì chỉ bị xử phạt hành chính theo Điều 12 Nghị định 157/2013 chứ chưa đến mức xử lý hình sự.
Cơ quan Kiểm lâm là một trong những lực lượng nòng cốt bảo vệ rừng, họ có thẩm quyền khởi tố vụ án. Thế nhưng người đứng đầu Cục Kiểm lâm (Quyền Cục trưởng Đỗ Quang Tùng) cho rằng hành vi của các bị cáo chỉ có thể bị xử phạt hành chính. Vậy tại sao cứ nhất thiết phải buộc họ tội trộm cắp tài sản?
Cũng theo Đại biểu Nghĩa, nhiều vụ án tương tự xảy ra ở các địa phương đều bị xử lý về hành vi “vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng”, chưa có vụ nào xét xử về tội trộm cắp tài sản.
Trong khoảng thời gian từ khi xảy ra vụ án cho đến nay rất nhiều chuyên gia pháp luật đã lên tiếng, đưa ra quan điểm pháp lý vụ việc. Trong đó có những chuyên gia đầu ngành như P.GS Trần Văn Độ (nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao) cũng cho rằng không có yếu tố hình sự trong vụ án này.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa trong một lần tiếp năm công dân tại trụ sở Đoàn ĐBQH TP.HCM. Ảnh: NGÂN NGA 

Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của TAND Tối cao gần như không phân tích, lập luận mà chỉ dẫn lại nội dung vụ án rồi sau đó kết luận bản án phúc thẩm tuyên không phạm tội là không có căn cứ.
Nếu chấp nhận quan điểm của quyết định kháng nghị giám đốc thẩm có thể dẫn đến những hậu quả:
Từ trước đến nay, các toà án đã xét xử hành vi cưa trộm gỗ (nhóm IIA) trong rừng tự nhiên tội “vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng” theo Điều 175 BLHS 1999 là sai? Vậy có kháng nghị để xét xử lại?
Những hành vi tương tự trong vụ án này trên cả nước đã bị xử phạt hành chính phải xem xét lại theo hướng phải xử lý về tội trộm cắp tài sản?
Việc phân định rừng tự nhiên và rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh trong Thông tư 19/2007 có ý nghĩa hay không?
Điều 175, Điều 189 BLHS 1999 nay là Điều 232, Điều 243 BLHS 2015 sẽ thành thừa vì chỉ cần giá trị tang vật từ hai triệu đồng là xử lý hình sự tội trộm cắp tài sản.
Từ những phân tích như trên, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa kiến nghị Chánh án TAND Tối cao xem xét và thu hồi quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ.
Kiến nghị Viện trưởng VKSND Tối cao có ý kiến với Chánh án TAND Tối cao về nguy cơ oan sai và kiểm sát việc xét xử giám đốc thẩm.
Kiến nghị Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp xem xét và có ý kiến đối với Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao. Đồng thời Uỷ ban Tư pháp giám sát quyết định kháng nghị giám đốc thẩm và việc xét xử giám đốc thẩm của Uỷ ban thẩm phán TAND Cấp cao tại Đà Nẵng để đề phòng và tránh oan sai cho công dân.
Theo nguồn tin riêng mà Phóng viên Pháp Luật TP.HCM nắm được thì hôm nay (24-1) TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã hoãn xử giám đốc thẩm vụ án, lý do là thiếu thành viên trong hội đồng xét xử. Dự kiến toà cấp cao này sẽ đưa vụ án ra xét xử vào ngày 29-1 tới đây.

Lãnh đạo TAND Tối cao từng giải trình

Như plo.vn từng nhiều lần phản ánh, anh Phan Tiến Dũng là kiểm lâm. Tháng 4-2016, anh Lê Quốc Khánh xin anh Dũng vào rừng Đắk Uy cưa cây gỗ trắc chết khô. Cả nể vì anh Khánh thường tìm thuê người làm cà phê giúp, anh Dũng đồng ý. Hôm sau, anh Khánh cùng ba người khác vào rừng cưa cây gỗ trắc chết khô thì bị phát hiện. Khúc gỗ các bị cáo lấy là 0,123 m3 (trị giá hơn 19 triệu đồng).

Tháng 9-2016, TAND huyện Đắk Hà phạt năm bị cáo 12-15 tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Sau đó, TAND tỉnh Kon Tum xử hủy bản án này. Tháng 9-2017, TAND huyện Đắk Hà xử sơ thẩm (lần hai) vẫn phạt các bị cáo 11-14 tháng tù. Tháng 6-2018, TAND tỉnh Kon Tum xử phúc thẩm (lần hai) đã tuyên cả năm bị cáo không phạm tội.

Ngày 26-7, TAND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm, yêu cầu TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xử giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án phúc thẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Nội dung kháng nghị này không nêu ra được những căn cứ pháp lý để xử các bị cáo về tội trộm cắp tài sản.

Đầu tháng 9, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga yêu cầu chánh án TAND Tối cao giải trình về vụ án. Phó chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Du đã giải trình nhưng viện dẫn không đúng quy định pháp luật đối với hành vi của năm công dân.

Đây cũng là vụ án mà Pháp Luật TP.HCM rất nhiều lần đấu tranh rằng hành vi của năm công dân cưa cây gỗ trắc chết khô với khối lượng 0,123 m3, trị giá hơn 19 triệu đồng trong rừng đặc dụng Đắk Uy là sai nhưng cái sai này chưa tới mức bị xử lý hình sự mà chỉ có thể xử phạt hành chính. 

Bởi theo Thông tư 19/2007 của Bộ NN&PTNT, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, VKSND Tối cao và TAND Tối cao thì chỉ có thể xử lý tội trộm cắp nếu là rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh. Còn ở đây là rừng đặc dụng (tức rừng tự nhiên) nên phải xử lý ở chương liên quan tới rừng. Do đó, hành vi của năm công dân không cấu thành tội trộm cắp tài sản. Căn cứ Nghị định 157/2013 thì chỉ có thể xử phạt hành chính đối với năm công dân...


Vụ cưa cây rừng: Phó chánh án Tòa Tối cao đã nhầm
Vụ cưa cây rừng: Phó chánh án Tòa Tối cao đã nhầm
(PL)- Theo hướng dẫn hiện hành, chỉ có rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh mà chủ rừng được giao sử dụng lâu dài và đã bỏ vốn đầu tư trồng mới, chăm sóc thì hành vi khai thác cây rừng trái phép mới bị xử tội trộm cắp tài sản.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm