Vụ đình chỉ né bồi thường: Yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu

Trong đơn khởi kiện, ông Nhật cho rằng quá trình điều tra, khi ông đang trong trại giam Chí Hòa, bà Huấn đã lợi dụng ông ở trong hoàn cảnh bị giam giữ, tự ý yêu cầu phòng công chứng soạn sẵn hợp đồng chuyển nhượng theo ý chí đơn phương, áp đặt của bà Huấn.

Đồng thời, bà Huấn tự ý đề nghị cơ quan CSĐT trích xuất ông đến gặp công chứng viên ký hợp đồng chuyển nhượng hai QSDĐ của ông tại xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè đã được soạn sẵn với giá rẻ mạt 100 triệu đồng để “khắc phục một phần hậu quả”.

Ông Nhật cho rằng ông phải ký trong tình trạng bị đe dọa, áp đặt theo ý chí đơn phương của bà Huấn, của công chứng viên và cán bộ điều tra, không dựa trên sự bình đẳng thương lượng, thỏa thuận của hai bên; không có sự tự do ý chí; ông miễn cưỡng ký hợp đồng. 

Theo ông Nhật, Điều 127 BLDS quy định: “Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.

Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình”.

Vì vậy, ông đề nghị TAND huyện Nhà Bè: Tuyên bố giao dịch dân sự chuyển nhượng QSDĐ giữa ông và bà Huấn vô hiệu. Đồng thời, ông yêu cầu hủy bỏ giấy đỏ đã cấp cho bà Huấn và buộc UBND huyện Nhà Bè cấp lại giấy đỏ mới cho ông.

Ông Nhật và thửa đất ông cho rằng bị ép bán. Ảnh: YC

Trước đó, ngày 8-10-2018, ông Nhật nộp đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự tuyên bố giao dịch dân sự chuyển nhượng QSDĐ giữa ông và bà Huấn vô hiệu.

Tuy nhiên, sau khi nhận đơn, TAND huyện Nhà Bè cho rằng theo Điều 361 BLTTDS thì "Việc dân sự là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân không có tranh chấp nhưng có yêu cầu tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý là căn cứ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của mình hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; yêu cầu tòa án công nhận cho mình quyền về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động".

Đối với vụ việc của ông Nhật, đây là tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ, không phải loại việc dân sự do chưa có cơ sở xác định có sự thỏa thuận đồng ý hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa ông Nhật, bà Huấn và Phòng Công chứng số 1, TP.HCM (nơi công chứng hợp đồng). 

Từ đó, TAND huyện Nhà Bè căn cứ Điều 189, điểm a khoản 3 Điều 191 và Điều 193 BLTTDS yêu cầu ông Nhật sửa đổi, bổ sung đơn, cụ thể là làm lại đơn khởi kiện đúng hình thức, nội dung theo quy định tại Điều 189 BLTTDS.

Sau đó, ông Nhật đã làm lại đơn khởi kiện như trên.

Từ chuyện làm ăn chung đến bị kết án

Theo hồ sơ, từ năm 2006 đến 2014, ông Nhật nhiều lần môi giới cho bà Huấn mua đất ở Nhà Bè. Trong tám năm này, bà Huấn đưa tổng cộng 459 triệu đồng cho ông Nhật để nhờ ông thực hiện các thủ tục nhà, đất. Sau đó có việc ông Nhật làm được cho bà Huấn, có việc ông chưa làm. Từ tháng 8-2014, hai bên có gặp nhau mấy lần làm giấy xác nhận và thỏa thuận miệng là ông Nhật có nợ tiền bà Huấn và hứa sẽ trả tiền. Do ông Nhật chưa trả nợ nên tháng 7-2015, bà Huấn tố cáo ông Nhật chiếm đoạt tài sản.

Công an, VKSND huyện Nhà Bè khởi tố, truy tố ông Nhật về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo điểm a khoản 3 Điều 140 BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Tháng 1-2017, TAND huyện Nhà Bè xử sơ thẩm, phạt ông Nhật bảy năm tù về tội này.

Bản án trên đã bị TAND TP.HCM xử phúc thẩm hủy toàn bộ vì chưa đủ căn cứ xác định ông Nhật phạm tội gì. Tháng 6-2018, CQĐT ra quyết định đình chỉ điều tra với lý do hành vi phạm tội của ông Nhật không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Hiện ông Nhật (bị tạm giam gần hai năm) đang khiếu nại kêu oan.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm