Vụ đánh bạc Điện Biên: Ghi âm ghi hình khác biên bản hỏi cung?

Sau bốn ngày làm việc liên tục, phiên tòa xét xử 13 bị cáo trong vụ án đánh bạc tại Tuần Giáo (Điện Biên) vẫn chưa thể kết thúc phần xét hỏi.

Đáng chú ý, ngày 4-10, HĐXX dành gần như cả ngày để mở niêm phong và trình chiếu các đĩa ghi âm, ghi hình hỏi cung bị cáo trong quá trình điều tra. Theo đó, đại diện VKSND huyện Tuần Giáo liên tiếp yêu cầu chủ tọa cho trình chiếu hai ổ đĩa chứa dữ liệu lời khai của bị cáo Nguyễn Thị Hòa, một trong số bảy người không nhận tội.

Kỹ thuật viên trình chiếu ghi âm, ghi hình hỏi cung tại phiên xử vụ án đánh bạc.

Nội dung từ các ổ đĩa cho thấy bị cáo Hòa khai nhận có tham gia đánh bạc. Bị cáo cũng khai nhiều tình tiết liên quan đến việc đánh bạc như thế nào, có những ai tham gia… Tuy nhiên, khi đại diện VKS hỏi suy nghĩ như thế nào về những đĩa ghi âm, ghi hình này, Hòa cho rằng nó “không khách quan”.

Đặc biệt, luật sư bào chữa cho bị cáo Ngô Đức Hiếu (cựu cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh Điện Biên) cho rằng giữa đĩa ghi âm, ghi hình và biên bản hỏi cung của bị cáo Hòa có sự khác biệt về nội dung, nhiều tình tiết có trong đĩa nhưng lại không được ghi chép vào biên bản hỏi cung.

Cụ thể, luật sư dẫn chứng khi ghi âm, ghi hình, bị cáo Hòa khai được ký niêm phong tiền đánh bạc tại Công an huyện Tuần Giáo chứ không phải ký tại hiện trường bắt quả tang. Vậy nhưng chi tiết này lại không có trong biên bản hỏi cung.

Vị luật sư đề nghị HĐXX cần làm rõ tại sao lại có sự “vênh nhau” như trên. Trả lời về vấn đề này, đại diện VKSND huyện Tuần Giáo cho biết sẽ giải thích tại phần tranh luận.

Cựu cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh Điện Biên cùng sáu bị cáo khác kêu oan.

Việc ký niêm phong tiền đánh bạc ở đâu chính là một trong những tình tiết còn tranh cãi suốt quá trình diễn ra phiên tòa. Hầu hết các bị cáo đều khai được ký niêm phong tiền tại Công an huyện Tuần Giáo. Tuy nhiên, ông Trương Xuân Hân, cựu Trưởng Công an thị trấn Tuần Giáo, người chỉ đạo việc bắt quả tang đánh bạc, lại khẳng định đã niêm phong tiền ngay tại hiện trường.

Cũng trong phần xét hỏi, luật sư của bị cáo Phạm Văn Rỵ, một trong bảy người không nhận tội, đặt câu hỏi với ông Phạm Công Cảnh (điều tra viên Công an tỉnh Điện Biên) về việc hồ sơ vụ án có tổng cộng hơn 1.800 bút lục thì có tới hơn 1.200 bút lục bị sửa chữa. Giải thích vấn đề này, ông Cảnh nói do có sự nhầm lẫn trong đánh số bút lục, việc nhầm lẫn diễn ra trong nhiều ngày và đã có báo cáo giải trình.

Tương tự, một luật sư khác cũng đề nghị HĐXX làm rõ tại sao có một biên bản ghi lời khai của bị cáo Nguyễn Thị Hòa bị tẩy xóa về thời gian. Được triệu tập tới tòa, vị cán bộ công an ghi lời khai lý giải rằng do nhìn nhầm thời gian trên đồng hồ nên đã tẩy đi để sửa lại cho đúng.

Sáng 7-10, phiên tòa sẽ tiếp tục làm việc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm