Vụ ‘cướp xuyên không’ và niềm tin về công lý

Hơn ba năm trước, một ngày đầu tháng 5-2017, cha của Huỳnh Hữu Nhơn (32 tuổi, ngụ Hậu Giang, bị truy tố về tội cướp tài sản) mang theo đơn kêu oan cho Nhơn ghé văn phòng báo Pháp Luật TP.HCM tại Cần Thơ.

Ông gửi bản án phúc thẩm vừa xử hồi giữa tháng 4-2017 cùng đơn kêu oan thay cho con. Ông nói: “Ra tòa, con tôi một mực kêu oan, nói không cướp tài sản. Tôi mong rằng các cơ quan tố tụng xem xét thật công tâm. Nếu con tôi có tội thì phải bị xử lý theo pháp luật, nhưng nếu con tôi vô tội thì phải minh oan cho nó”.

1.

Tiếp nhận đơn thư, PV liên hệ các cơ quan tố tụng liên quan và thông tin vụ việc lên báo. Nhà nghèo, Nhơn chạy ghe chở mía thuê, ăn không đủ, tiền đâu thuê luật sư. Một luật sư trẻ được nghe câu chuyện và tình nguyện bào chữa miễn phí. PV bám vụ việc đầu tiên nghỉ thai sản, một PV khác nối tiếp theo dõi diễn biến và thông tin nhưng vụ án cứ nhùng nhằng mãi.

Gần hai năm trước, khi chỉ còn ít ngày nữa là “tháng củ mật”, vào một chiều muộn, Nhơn gọi điện thoại cho tôi. Giọng Nhơn nghèn nghẹn: “Mai em ra tòa. Có án là em nhờ mấy anh chị ở lại quan tâm vợ con em, tiếp cha em kêu oan cho em. Em đi!”. Tôi giật bắn người: “Bậy! Chuyện đâu còn đó. Tòa mai mới xử, cứ sự thật mà khai. Vợ dại con thơ, đừng làm gì dại dột nghe không!”. Không biết Nhơn nghe không, đầu dây bên kia im bặt…

Phiên tòa sơ thẩm lần hai ấy, tòa tuyên phạt Nhơn bốn năm tù và ra quyết định bắt giam ngay tại tòa. Hai tay tra vào còng, mắt nhìn xa xăm, Nhơn im lặng không nói câu nào. Luật sư an ủi Nhơn. May là Nhơn không nghĩ dại. Ở trại, Nhơn lại kháng cáo kêu oan.

Tòa xử phúc thẩm lần hai tuyên hủy án, yêu cầu cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại.

Còn nhớ, bản tin PV viết gửi về: “Kiểm sát viên của VKSND tỉnh Hậu Giang giữ quyền công tố tại phiên tòa phúc thẩm đã đề nghị HĐXX tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm để điều tra lại cho thật sự khách quan, đúng người, đúng tội. Kiểm sát viên cho rằng hồ sơ vụ án có nhiều sai phạm mà cấp phúc thẩm không thể khắc phục được, cũng như còn nhiều mâu thuẫn từ các lời khai, chưa đủ căn cứ xác định bị cáo có phạm tội cướp tài sản hay không. Điều tra viên chưa làm tròn trách nhiệm của mình trong việc thụ lý điều tra vụ án…”. Tòa chấp nhận và vụ án quay lại từ đầu.

Bị cáo Huỳnh Hữu Nhơn hy vọng vào phán quyết công tâm sắp tới của tòa. Ảnh: HẢI DƯƠNG

2.

Đầu tuần trước, tòa xử sơ thẩm lần ba. Tính ra đã hơn bốn năm kể từ ngày xảy ra vụ án. Ra tòa, Nhơn vẫn kêu oan như trong quá trình điều tra cũng như các phiên tòa trước đây.

Kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên sơ thẩm lần ba giữ nguyên quan điểm truy tố và đề nghị tòa xử mức án 42-54 tháng tù.

Tranh luận lại, luật sư cho rằng bản luận tội của đại diện VKS chưa thuyết phục và những vấn đề chưa được làm rõ như thời gian xảy ra vụ án, đặc điểm nhận dạng, phương tiện gây án… Lời khai của các nhân chứng qua nhiều phiên tòa cũng có nhiều mâu thuẫn, chưa được làm rõ. Trước đó, tòa phúc thẩm đã nhận định biên bản nhận dạng, hiện trường vụ án có vi phạm tố tụng nên đã hủy án để điều tra lại nhưng cơ quan điều tra vẫn căn cứ vào những điều này để buộc tội là không phù hợp. Phương tiện gây án cũng chưa được làm rõ.

VKS cho rằng mặc dù các biên bản nhận dạng, hiện trường có vi phạm nhưng đây chỉ là tài liệu bổ trợ, không làm thay đổi bản chất vụ án; thời gian xảy ra vụ án chỉ có thể ước lượng “khoảng” chứ không thể xác định chính xác và chỉ có bị cáo, bị hại biết…

Cũng theo VKS, về đặc điểm nhận dạng, bị hại đã miêu tả đặc điểm người cướp giật giống như đặc điểm của bị cáo và phù hợp với lời khai của đồng phạm. Đối với phương tiện gây án, đại diện VKS thừa nhận tang vật thu giữ được chỉ có các bộ phận và giấy tờ xe, do sau khi xảy ra vụ án, người cho mượn xe đã tháo các bộ phận xe. Rốt cuộc, VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố với tội danh và mức án đề nghị với HĐXX.

Tòa tuyên bố nghị án đến ngày 31-8 sẽ tuyên án. Nhưng chiều 31-8, tòa không tuyên án mà quay lại phần tranh luận. Tuy nhiên, luật sư và một số nhân chứng lại vắng, VKS thì giữ nguyên quan điểm truy tố. Tòa hỏi thêm một số vấn đề rồi quyết định tạm ngưng phiên tòa, đến ngày 4-9 sẽ mở lại.

3.

Còn nhớ sáng 18-11-2017, trong kỳ họp thứ IV Quốc hội khóa XIV, trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã cho rằng BLTTHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) bắt đầu có hiệu lực từ tháng 1-2018. Theo ông Bình, khi chuẩn bị xét xử, tòa án được trả hồ sơ một lần và chủ tọa phiên tòa được trả một lần nữa trong quá trình xét xử. Hết hai lần trả hồ sơ, nếu những yêu cầu điều tra bổ sung không được đáp ứng thì tòa buộc phải tuyên là bị cáo không phạm tội, đây là quy định mới của luật.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng nói đối với tòa án, TAND Tối cao đã quán triệt cho các thẩm phán phải tuân thủ các quy định của pháp luật, không được trả hồ sơ quá nhiều lần, nếu không đủ yếu tố kết tội thì phải tuyên là không phạm tội.

Ở vụ “cướp xuyên không”, lần tòa phúc thẩm hủy án lần hai đã cho thấy các chứng cứ buộc tội yếu, chưa đủ căn cứ xác định bị cáo có phạm tội cướp tài sản hay không. Tuy nhiên, ở phiên tòa sơ thẩm lần ba, qua tranh luận của luật sư lại cho thấy có những vấn đề mà tòa phúc thẩm lần hai đã yêu cầu làm rõ nhưng đến nay vẫn chưa được đáp ứng triệt để.

Việc tòa án cấp sơ thẩm băn khoăn nên mới trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc tòa án cấp phúc thẩm hủy án để điều tra lại nhằm làm rõ thêm các vấn đề, khía cạnh của vụ án là điều cần thiết và phù hợp pháp luật. Tuy nhiên, khi cơ quan tố tụng đã thực hiện tất cả biện pháp cần thiết, đúng luật mà vẫn không thể chứng minh được tội phạm thì theo nguyên tắc suy đoán vô tội, tòa phải tuyên bị cáo không phạm tội. Điều này vừa đúng luật, vừa đúng với sự quán triệt của Chánh án TAND Tối cao nói trên.

* * *

Hai ngày nữa (4-9), TAND huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang sẽ tiếp tục phiên xử. Không biết lần này tòa sẽ có phán quyết thế nào, đã khép lại được vụ án kéo dài hơn bốn năm qua hay chưa.

Hy vọng rằng với tinh thần phụng công thủ pháp, tòa sẽ xem xét thấu đáo, toàn diện vụ án để có phán quyết thấu lý đạt tình, khiến bị cáo và dư luận tâm phục khẩu phục.

Vì sao gọi là vụ án “cướp xuyên không”?

Đây là vụ án mà Pháp Luật TP.HCM thường gọi là vụ “cướp xuyên không”, vì ngay từ đầu bị cáo Huỳnh Hữu Nhơn kêu oan và cho rằng thời điểm xảy ra vụ án mình đi chở mía thuê ở xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, Kiên Giang, cách hiện trường vụ án ở tỉnh Hậu Giang khoảng 100 km. Việc Nhơn chở mía tại Kiên Giang được nhiều nhân chứng, trong đó có chủ thu mua mía xác nhận.

Theo cáo trạng, chiều 17-4-2016, Trần Văn Rồi gặp Nhơn chạy xe máy đi ngang qua và rủ nhau cướp giật. Hai bị cáo chở nhau đi vào lộ nông thôn thuộc ấp Tân Phú, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang tìm người cướp tài sản. Cả hai giật túi xách bên trong có 1,35 triệu đồng của người bán vé số là Nguyễn Hoàng Ngân. Nhơn chia cho Rồi 300.000 đồng, còn lại giữ tiêu xài.

TAND huyện Phụng Hiệp đã hai lần xét xử sơ thẩm và tuyên phạt cùng mức án Nhơn bốn năm tù, Rồi ba năm sáu tháng tù. Tuy nhiên, cả hai bản án này đều bị TAND tỉnh Hậu Giang xử phúc thẩm tuyên hủy. Hiện Rồi đã chấp hành xong án và đi khỏi địa phương, còn Nhơn vẫn cho rằng mình bị oan. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm