Vụ ‘cướp vàng người tình’: Tòa tuyên án treo

Ngày 17-3, TAND quận Thanh Khê (Đà Nẵng) đã xử sơ thẩm lần hai, tuyên phạt cô giáo Lê Thị Ngọc Mai ba năm tù treo về tội cưỡng đoạt tài sản.

Bị cáo khai bị mớm cung, dụ cung

Như Pháp Luật TP.HCM từng thông tin, giữa Mai và ông Trần Ngọc Ngữ (ngụ phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) có quan hệ tình cảm yêu đương. Tối 8-10-2013, Mai đến xưởng sản xuất than nơi ông Ngữ làm việc. Tại đây, ông Ngữ đang nhậu với một người bạn. Sau khi người bạn ra về, Mai và ông Ngữ trò chuyện và xảy ra mâu thuẫn. Mai dùng tay đánh ông Ngữ nhiều cái. Thấy ông Ngữ đeo một sợi dây chuyền vàng, Mai giật sợi dây chuyền bỏ vào túi. Tiếp đó, Mai lấy hai con dao kề vào cổ ông Ngữ khống chế, yêu cầu ông này tháo nhẫn vàng đang đeo trên tay đưa cho Mai. Ông Ngữ đã đưa nhẫn cho Mai, sáng hôm sau thì đi trình báo công an...

Cáo trạng mới của VKSND quận Thanh Khê vẫn truy tố Mai về tội cướp tài sản theo điểm d khoản 2 Điều 133 BLHS (mức án 7-15 năm tù). Theo VKS, hành vi đánh, dùng dao khống chế ông Ngữ để chiếm đoạt một sợi dây chuyền vàng và một nhẫn vàng có đủ cơ sở để truy tố bị can với tội danh trên.

Tại phiên tòa sơ thẩm lần này, bị cáo Mai tiếp tục kêu oan, cho rằng đã bị ép cung, mớm cung, buộc phải ký khống chỉ. Mai còn khai bị điều tra viên dọa: “Nếu lời khai xuất hiện tình tiết mới, sai lệch so với hồ sơ thì sẽ bắt nhốt”. Do đó bị cáo yêu cầu triệu tập điều tra viên đến tòa để đối chất nhưng không được HĐXX chấp thuận.

Về nội dung vụ việc, Mai tiếp tục khẳng định không hề có ý định chiếm đoạt tài sản của ông Ngữ. Việc cô kề dao vào cổ ông Ngữ chỉ nhằm bắt ông này phải xin lỗi vì đã chửi cô là “đồ giáo viên thấp cấp”. Chiếc nhẫn và sợi dây chuyền vàng là do ông Ngữ tự nguyện tháo ra, để vào phong bì có logo công ty than nơi ông Ngữ làm việc cho Mai mang về. Sau khi nhận vàng, hai người còn ngồi nói chuyện 30 phút và ông Ngữ còn ra dắt xe cho cô đi về.

Bị cáo Lê Thị Ngọc Mai tại phiên tòa sơ thẩm lần hai. Ảnh: T.TÀI

Trong khi đó ông Ngữ khai đã nhiều lần bị Mai tống tiền, uy hiếp. Khi bị Mai kề dao ở cổ thì rất khiếp sợ, không chống cự lại được, không la lên được vì sợ bị cứa cổ. Ngoài ra, ông Ngữ còn sợ bị ảnh hưởng nhân phẩm, công việc, gia đình.

Theo luật sư của bị cáo, chiếc áo rách là tang vật của vụ án được CQĐT, VKS xác định có 21 vết chém do Mai thực hiện. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là cơ thể ông Ngữ không hề có vết thương hay trầy xước nào. Ngoài ra, việc thực nghiệm hiện trường cũng không có giá trị khi CQĐT bỏ quên tình tiết chiếc phong bì đựng vàng. Sau khi có văn bản thực nghiệm, Mai đã lập tức phản ứng vì CQĐT bỏ qua tình tiết này. Việc ông Ngữ vẫn còn thời gian để lấy phong bì đựng vàng rồi mới đưa cho Mai chứng tỏ không hề có chuyện bị uy hiếp hay đe dọa nào về tính mạng...

Chuyển tội danh sang cưỡng đoạt tài sản

Tại phần tranh tụng, đại diện VKS cho rằng hành vi phạm tội của bị cáo đã được thể hiện rõ trong việc dùng dao khống chế ông Ngữ để lấy vàng. Bản thân Mai không thừa nhận hành vi chiếm đoạt tài sản của ông Ngữ. Bị cáo khai hành vi đưa dao lên cổ ông Ngữ để buộc ông này xin lỗi. Còn việc đưa tài sản cho Mai là do ông Ngữ tự nguyện. Lời khai này mâu thuẫn với lời khai của ông Ngữ là ông bị ép buộc, bị uy hiếp, sợ mất danh dự và khi bị cáo đưa dao lên cổ nên bị uy hiếp phải đưa tài sản. Điều này chứng tỏ người bị hại bị ép buộc phải đưa tài sản chứ không phải tự nguyện. Hành vi trên gây nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác, đã đủ cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản. Do đó, VKS chuyển đổi tội danh từ cướp tài sản sang cưỡng đoạt tài sản. Còn Mai khai các lời khai này bị ép cung, mớm cung, VKS cho rằng không có cơ sở.

Theo HĐXX, có đủ cơ sở xác định bị cáo Mai và ông Ngữ có mối quan hệ không chính đáng. Do Mai đòi hỏi chu cấp tiền bạc ngày càng  nhiều nên giữa hai người thường xuyên phát sinh mâu thuẫn. Mai nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản của ông Ngữ cho “bõ công quan hệ” bấy lâu nay. Bị cáo cho rằng không có ý định chiếm đoạt tài sản của ông Ngữ và do ông này nói cầm về đi. Xét lời khai ban đầu, bị cáo thừa nhận trong khi xô xát với ông Ngữ đã làm đứt sợi dây chuyền và rơi xuống đất nên nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản là phù hợp với thực tế xảy ra. Hành vi này đã cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản. Kèm theo đó, tòa cho rằng bị cáo có nhân thân tốt, lần đầu phạm tội nên cho hưởng án treo.

Trao đổi sau phiên tòa, luật sư bào chữa cho Mai cho biết trong vụ án này Mai bị oan nên sẽ kháng cáo lên cấp phúc thẩm. Bởi lẽ có rất nhiều tình tiết chứng minh ông Ngữ đã tự nguyện đưa dây chuyền vàng, nhẫn vàng cho Mai để Mai nguôi giận dỗi khi hai người vừa có mâu thuẫn. Vài ngày sau khi sự việc xảy ra, ông Ngữ còn mang cam tới biếu mẹ của Mai và liên tục nhắn tin yêu thương Mai...

Diễn biến vụ án

- Tháng 12-2013, Cơ quan CSĐT Công an quận Thanh Khê khởi tố vụ án, khởi tố Mai về tội cướp tài sản.

- Tháng 8-2014, TAND quận Thanh Khê xử sơ thẩm lần đầu đã phạt Mai bảy năm tù về tội cướp tài sản, Mai kháng cáo kêu oan.

- Tháng 9-2014, TAND TP Đà Nẵng xử phúc thẩm, nhận định vụ án còn nhiều điểm chưa sáng tỏ, chưa đủ căn cứ để kết tội Mai nên hủy án sơ thẩm.

- Tháng 7-2015, VKSND quận Thanh Khê ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can vì cho rằng hành vi của Mai không đủ yếu tố cấu thành tội cướp tài sản.

- Tháng 12-2015, VKSND TP Đà Nẵng có quyết định hủy bỏ quyết định đình chỉ vụ án của VKSND quận Thanh Khê, yêu cầu truy tố đối với Mai.

- Tháng 1-2016, VKSND quận Thanh Khê ra cáo trạng mới truy tố Mai về tội danh cướp tài sản.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm