Vụ cưa gỗ khô: Tòa đến tận nhà giao kháng nghị cho 5 công dân

Kiểm lâm Phan Tiến Dũng cho biết sáng nay các anh đang đi làm việc thì nhận được điện thoại của thư ký TAND tỉnh Kon Tum nói sẽ đến tống đạt quyết định kháng nghị cho cả năm người trong vụ án cưa gỗ khô.
Dù năm công dân ở cách nhau khá xa nhưng nghe tin, người thì bỏ công việc nương rẫy, người thì xin lãnh đạo rừng Đắk Uy cho về để tập trung đến nhà anh Khánh chờ cán bộ tòa tới.
“Do lúc đầu cán bộ tòa không nói rõ đó là quyết định gì nên ai cũng sốt ruột, không biết có phải ở trung ương đã xử mình có tội trở lại không. Chỉ đến khi thư ký tòa giao quyết định kháng nghị ngày 26-7-2018 của TAND Tối cao thì năm anh em tụi tôi mới bớt căng thẳng hơn một tí” - anh Dũng nói.
Tại Điều 385 BLTTHS 2015 quy định thời hạn mở phiên tòa giám đốc thẩm là bốn tháng kể từ ngày nhận được quyết định kháng nghị kèm theo hồ sơ vụ án, tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm (cụ thể là TAND Cấp cao tại Đà Nẵng) phải mở phiên tòa.
Thế nhưng kể từ thời điểm Tòa Tối cao ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm tới nay đã là bốn tháng hai ngày, năm công dân mới được tống đạt quyết định này.

Vụ cưa gỗ khô: Tòa đến tận nhà giao kháng nghị cho 5 công dân ảnh 1
Sau bốn tháng hai ngày, năm công dân mới nhận được quyết định kháng nghị của TAND Tối cao.

“Bà con lối xóm họ cứ bảo chúng tôi rằng “ông Tòa Tối cao mà yêu cầu xử có tội thì thế nào tụi bay cũng bị bắt trở lại”. Rồi bà con còn động viên cho chúng tôi mượn tiền để ra Hà Nội, Đà Nẵng kêu oan tới cùng. Tụi tôi ra đó mấy lần rồi nhưng cán bộ cũng chỉ tiếp nhận đơn, nhiều nơi còn từ chối nhận. Giờ chúng tôi chẳng biết làm sao cả” - anh Tiến Dũng giọng nghèn nghẹn.

Trong khi đó, ngày 9-11, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đinh Phước Hòa (Trưởng phòng Giám đốc kiểm tra I, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng) cho biết TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã lên lịch xử giám đốc thẩm vụ cưa gỗ khô tại Kon Tum trong tháng 10.
Tuy nhiên sau đó đã phải hoãn, có khả năng sang tháng 12 do “vụ án phức tạp” và “còn có nhiều vấn đề”. Khi nào có lịch xử cụ thể thì tòa sẽ gửi giấy mời luật sư của năm công dân tham dự.

Theo quy định, trong vòng bốn tháng kể từ ngày nhận được quyết định kháng nghị, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng phải đưa vụ án ra xét xử giám đốc thẩm. 

Như chúng tôi nhiều lần phản ánh, Phan Tiến Dũng là kiểm lâm Ban quản lý rừng đặc dụng Đắk Uy. Tháng 4-2016, Lê Quốc Khánh xin Dũng vào rừng Đắk Uy cưa cây gỗ trắc chết khô. Cả nể vì Khánh thường tìm thuê người làm cà phê giúp, Dũng đồng ý. Hôm sau, Khánh cùng ba người khác vào rừng cưa cây gỗ trắc chết khô thì bị phát hiện. Khúc gỗ các bị cáo lấy là 0,123 m3 (trị giá hơn 19 triệu đồng).

Tháng 9-2016, TAND huyện Đắk Hà phạt năm bị cáo 12-15 tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Các bị cáo kháng cáo kêu oan. Tháng 3-2017, TAND tỉnh Kon Tum hủy án sơ thẩm. Tháng 9-2017, TAND huyện Đắk Hà xử sơ thẩm (lần hai) vẫn phạt các bị cáo 11-14 tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Tháng 6-2018, TAND tỉnh Kon Tum xử phúc thẩm (lần hai) đã tuyên năm bị cáo không phạm tội. 

Năm công dân bị oan yêu cầu được xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, ngày 26-7, TAND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm, yêu cầu TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xử giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án phúc thẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Đáng chú ý, nội dung quyết định này không nêu ra được những căn cứ pháp lý để xử các bị cáo về tội trộm cắp tài sản.

Trước đó, vào đầu tháng 9, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội - bà Lê Thị Nga đã yêu cầu chánh án TAND Tối cao phải giải trình về vụ án. Phó chánh án TAND Tối cao đã giải trình nhưng viện dẫn không đúng quy định pháp luật đối với hành vi của năm công dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm