Vụ chuyển giao công nghệ:VKS đề nghị buộc BS bồi thường

Như Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh, ngày 9-2-2015, Công ty CP GSH Việt Nam (chuyên về chăm sóc sắc đẹp) và ông Danh Thanh Liêm ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) có thời hạn ba năm, hợp đồng chuyển giao công nghệ, đào tạo nghề và thỏa thuận bảo mật thông tin. Ngoài ra, ông Liêm còn ký văn bản thỏa thuận làm việc đảm nhận vị trí bác sĩ tư vấn và chăm sóc chuyên sâu các vấn đề về da mặt… tại các chi nhánh của công ty ở TP.HCM.

Sau đó, ông Liêm được công ty đưa đi học các khóa đào tạo tại Singapore trong hai đợt, mỗi đợt bốn ngày. Ngày 9-9-2016, ông Liêm gửi đơn xin nghỉ việc bằng thư điện tử cho công ty. Công ty có phản hồi không chấp thuận đơn xin nghỉ việc nhưng đến ngày 3-10-2016 ông Liêm vẫn tự ý thôi việc. Vì vậy, công ty khởi kiện yêu cầu TAND quận Bình Tân buộc ông Liêm phải thanh toán số tiền chuyển giao công nghệ là 350 triệu đồng do đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật.

Xử sơ thẩm hồi tháng 7-2017, TAND quận Bình Tân đã tuyên buộc ông Liêm phải trả công ty 350 triệu đồng. Ông Liêm kháng cáo.

Tại phiên xử phúc thẩm, đại diện VKSND TP nhận định ông Liêm ký hợp đồng chuyển giao công nghệ là tự nguyện, không có sự ép buộc. Đây là loại hợp đồng đào tạo nghề theo Điều 62 Bộ luật Lao động. Cũng theo đại diện VKS, hợp đồng chuyển giao công nghệ quy định chuyển giao công nghệ là bí quyết kỹ thuật về quy trình điều trị thẩm mỹ da bằng thiết bị laser ánh sáng. Việc chuyển giao công nghệ được thực hiện bằng hình thức như cung cấp tài liệu, tổ chức khóa học hoặc các biện pháp khác do công ty quyết định. Quy định trên phù hợp với Điều 7 Luật Chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, hợp đồng còn quy định bên vi phạm cam kết thì phải bồi thường.

Ông Liêm cho rằng chuyến đi Singapore không phải đi chuyển giao công nghệ theo hợp đồng mà chỉ là đi tham quan du lịch nhưng không cung cấp được chứng cứ chứng minh. Từ đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX giữ nguyên bản án sơ thẩm.

HĐXX đang nghị án kéo dài, đến ngày 31-1 sẽ tuyên án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm