Vụ chống hạn trên giấy: Quay lại tội ban đầu

VKSND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành cáo trạng truy tố 11 bị can trong vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Nam Khánh Hòa (Công ty Nam Khánh Hòa).

Đây là vụ chống hạn… trên giấy để tham ô tài sản mà PLO đã nhiều lần phản ánh.

Các bị cáo tại phiên tòa hồi tháng 8-2019. Ảnh: TL

Theo đó, có chín bị can bị truy tố tội tham ô tài sản theo điểm a khoản 4 Điều 353 BLHS 2015 (hình phạt 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình).

Trong số này, có tám cựu cán bộ Công ty Nam Khánh Hòa gồm Đỗ Hồng Hải, cựu chủ tịch kiêm giám đốc; Đoàn Phi Dũng, cựu phó giám đốc; Diệp Thụy Khánh Trân, cựu kế toán trưởng; các cựu nhân viên Đặng Thanh Xuân, Đỗ Xuân Đoan, Phan Tuấn Nam, Lương Thành Nam, Phạm Thị Ngọc Phi.

Bị can còn lại là Nguyễn Văn Minh, giám đốc Công ty TNHH Thương mại xây dựng Thành Khánh Quyên.

Hai bị can bị truy tố tội tham ô tài sản theo điểm a khoản 3 Điều 353 BLHS năm 2015 có (hình phạt từ 15 đến 20 năm tù) gồm: Ngô Mạnh, cựu phó giám đốc Công ty Nam Khánh Hòa và Nguyễn Văn Tiến, cựu nhân viên công ty này.

Cáo trạng trên được ban hành sau khi TAND tỉnh Khánh Hòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án. Ngày 22-8, sau hơn 10 ngày xét xử, TAND tỉnh Khánh Hòa đã quyết định trả hồ sơ cho VKSND tỉnh để điều tra bổ sung đối với hành vi của bảy bị cáo có dấu hiệu đồng phạm, giúp sức cho Đỗ Hồng Hải phạm tội tham ô tài sản.

Tháng 8-2019, sau 10 ngày xét xử, TAND tỉnh Khánh Hòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Ảnh: TL

Theo hồ sơ, trước đây, toàn bộ 11 bị can trong vụ án này đều bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa khởi tố tội tham ô tài sản. Sau hơn một năm điều tra, tháng 3-2018, cơ quan điều tra ra bảy quyết định thay đổi tội danh đối với bảy bị can.

Trong đó, sáu bị can được đổi sang tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng gồm Ngô Mạnh, Đặng Thanh Xuân, Đỗ Xuân Đoan, Phan Tuấn Nam, Lương Thành Nam, Nguyễn Văn Tiến.

Riêng Phạm Thị Ngọc Phi được chuyển sang tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng. Đây là hai tội danh mới được quy định trong BLHS 2015 và nhẹ hơn tội tham ô tài sản.

Một công trình thủy lợi do Công ty Thủy lợi Nam Khánh Hòa quản lý

Trong quá trình chuẩn bị đưa vụ án ra xét xử, ngày 5-6, TAND tỉnh cũng đã có quyết định trả hồ sơ cho VKSND tỉnh để điều tra bổ sung.

Tại quyết định này, TAND tỉnh nêu: Xét thấy VKSND tỉnh truy tố bảy bị can các tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng nhưng chứng cứ trong hồ sơ vụ án cho thấy hành vi các bị can này đã phạm tội khác, có dấu hiệu đồng phạm với vai trò giúp sức cho Đỗ Hồng Hải phạm tội tham ô tài sản.

Tuy nhiên, ngày 26-6, VKSND tỉnh có công văn giữ nguyên cáo trạng, đề nghị TAND tỉnh đưa vụ án ra xét xử. VKSND tỉnh cho rằng hành vi của bảy bị can không thành tội tham ô tài sản với vai trò đồng phạm cùng bị can Hải mà phạm tội vi phạm quy định về đầu tư xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

Khi tiến hành điều tra bổ sung theo yêu cầu của TAND tỉnh, ngày 7-10, CQĐT tỉnh phải ban hành các quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bổ sung vụ án, thay đổi quyết định khởi tố bị can. Như vậy, sau hơn hai năm rưỡi khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, vụ án đã quay trở lại với tội danh cũ.

 Giám đốc tham ô hơn 6 tỉ đồng

Cáo trạng xác định: Trong hai năm 2014-2015, lợi dụng chủ trương bổ sung kinh phí khắc phục hậu quả hạn hán, phục vụ tưới tiêu thủy lợi chống hạn của UBND tỉnh Khánh Hòa, giám đốc Công ty Nam Khánh Hòa Đỗ Hồng Hải đã tham ô, chiếm đoạt tổng cộng 6,1 tỉ đồng ngân sách nhà nước.

Cụ thể, Đỗ Hồng Hải chỉ đạo cấp dưới câu kết với doanh nghiệp lập khống hồ sơ 24 công trình nạo vét chống hạn, gây thiệt hại đối với ngân sách nhà nước gần 5 tỉ đồng. Cùng thời điểm trên, Hải chỉ đạo cấp dưới lập khống khối lượng dầu bơm chống hạn với tổng kinh phí hơn 1,1 tỉ đồng, trong đó thanh quyết toán khống gần 900 triệu đồng.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm