Vụ “bị bắt vì lá đơn nặc danh”: VKS nói không có căn cứ bồi thường

Mới đây, VKSND tỉnh Tuyên Quang đã gửi Công văn số 434 cho luật sư Nguyễn Văn Hưng (Đoàn Luật sư tỉnh Vĩnh Phúc, người được năm người dân tỉnh Tuyên Quang ủy quyền khiếu nại đòi bồi thường oan). Theo nội dung công văn này, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tuyên Quang đã đình chỉ điều tra về tội cố ý gây thương tích đối với năm người dân trên theo Điều 105 và Điều 164 BLTTHS. Vì vậy, VKSND tỉnh Tuyên Quang cho rằng không có căn cứ để xác định năm người dân trên được bồi thường thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự. Cạnh đó, VKS tỉnh cũng cho rằng nội dung tố cáo cơ quan này cố tình trốn tránh, thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết yêu cầu bồi thường của công dân… là không có căn cứ.

Đoàn giám sát: Năm người dân không phạm tội!

Như Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh, tháng 7-2012, ông Đặng Văn Cường (ngụ xã Bằng Cốc, Hàm Yên, Tuyên Quang) chết tại nhà không rõ nguyên nhân. Hai tháng sau, từ một lá đơn tố giác nặc danh, Công an huyện Hàm Yên đã bắt, khởi tố năm người dân địa phương là Bàn Văn Thái, Bàn Văn Tiếp, Đặng Văn Quang, Đặng Văn Tuyên, Đặng Việt Sơn về tội giết người rồi chuyển vụ án lên công an tỉnh.

Sau 14 phiên xử không kết tội được năm người dân trên vì chứng cứ quá yếu và mâu thuẫn, hai năm rưỡi sau (tháng 3-2015), Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tuyên Quang đã chuyển sang khởi tố họ về tội cố ý gây thương tích (theo đơn yêu cầu khởi tố của vợ nạn nhân) và ba ngày sau thì hoàn tất kết luận điều tra. Tiếp đó, CQĐT ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can đối với năm người dân này với lý do… vợ của nạn nhân rút đơn yêu cầu khởi tố.

Vụ án này đã được đưa vào chương trình giám sát liên ngành năm 2015 của Ủy ban MTTQ Việt Nam, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Hội Luật gia Việt Nam. Từ ngày 12 đến 14-8-2015, đoàn giám sát đã làm việc với các cơ quan tố tụng tại Tuyên Quang và Hàm Yên. Ngày 21-9-2015, đoàn giám sát đã có báo cáo về vụ án, khẳng định không có cơ sở để kết luận năm ông Thái, Tiếp, Quang, Tuyên, Sơn phạm tội giết người và cố ý gây thương tích.

Năm ông Thái, Tiếp, Quang, Tuyên, Sơn liên tục khiếu nại yêu cầu được minh oan và bồi thường thiệt hại. Tháng 10-2015, họ đã gửi đơn yêu cầu bồi thường đến VKSND tỉnh Tuyên Quang nhưng không được phản hồi. Tháng 3-2016, luật sư Nguyễn Văn Hưng (được năm người dân này ủy quyền) đã gửi đơn tố cáo VKSND tỉnh Tuyên Quang vi phạm pháp luật, cố tình trốn tránh, thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết yêu cầu bồi thường của công dân, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Đơn này được Ban Nội chính Tỉnh ủy Tuyên Quang gửi đến VKSND tỉnh Tuyên Quang ngày 14-3. Sau đó, ngày 6-4 vừa qua, VKSND tỉnh Tuyên Quang đã gửi công văn trả lời luật sư Hưng như đã nói.

Các ông Thái, Quang, Sơn, Tiếp, Tuyên (từ trái qua) trong buổi làm việc với đoàn giám sát liên ngành tháng 7-2015. Ảnh: C.LUẬN

Thủ thuật né bồi thường oan độc nhất vô nhị”

Theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, với lý do đình chỉ điều tra của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tuyên Quang thì trường hợp của năm ông Thái, Tiếp, Quang, Tuyên, Sơn không được xác định là oan và không được xin lỗi, bồi thường thiệt hại.

Về mặt pháp lý, luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận xét: Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tuyên Quang đình chỉ điều tra đối với năm người dân theo quy định tại khoản 2 Điều 105 BLTTHS và điểm a khoản 2 Điều 164 BLTTHS là không đúng.

Cụ thể, khoản 2 Điều 105 BLTTHS (khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại) quy định trong trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ. Điểm a khoản 2 Điều 164 BLTTHS (đình chỉ điều tra) quy định CQĐT ra quyết định đình chỉ điều tra trong trường hợp có một trong những căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 105 và Điều 107 của bộ luật này hoặc tại Điều 19, Điều 25 và khoản 2 Điều 69 của BLHS.

Vấn đề là vụ án này hoàn toàn không thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại. Ban đầu năm người dân bị khởi tố về tội giết người, không thuộc diện vụ án chỉ được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại theo khoản 1 Điều 105 BLTTHS.

Sau khi kết tội không được, CQĐT chuyển sang khởi tố năm người dân về tội cố ý gây thương tích. Tuy nhiên, trường hợp cố ý gây thương tích mà hậu quả dẫn đến chết người được quy định tại khoản 3 Điều 104 BLHS, cũng không thuộc diện vụ án chỉ được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại theo khoản 1 Điều 105 BLTTHS.

Đặc biệt, nạn nhân của vụ án đã chết nên không thể tự mình yêu cầu khởi tố hay rút yêu cầu khởi tố vụ án cố ý gây thương tích được. Nạn nhân cũng không phải là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất để vợ của nạn nhân có quyền yêu cầu khởi tố hay rút yêu cầu khởi tố trong trường hợp này. Bởi lẽ khoản 2 Điều 105 BLTTHS đã quy định rất rõ như sau: “Những vụ án về các tội phạm được quy định tại khoản 1 các điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của BLHS chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất”.

“Như vậy, sau khi không thể chứng minh được hành vi giết người của năm người dân, CQĐT lấy lý do vợ của nạn nhân có đơn yêu cầu để thay đổi tội danh thành cố ý gây thương tích, sau đó lấy lý do vợ của nạn nhân rút đơn yêu cầu khởi tố để đình chỉ vụ án là trái quy định tại Điều 105 BLTTHS. Đây là thủ thuật độc nhất vô nhị nhằm né tránh trách nhiệm bồi thường oan. Đúng ra CQĐT phải đình chỉ điều tra năm người dân với lý do “hành vi không cấu thành tội phạm” (khoản 2 Điều 107 BLTTHS) hoặc “đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm” (điểm b khoản 2 Điều 164 BLTTHS) mới chính xác và công bằng” - luật sư Tuấn Anh khẳng định.

Cần giải quyết đến cùng sự việc sau giám sát

Ngày 8-3, tại hội nghị sơ kết chương trình phối hợp về giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở năm 2015, ông Lê Thành Long (hiện là bộ trưởng Bộ Tư pháp) đã đề cập đến vụ án này và đề nghị trong công tác giám sát khiếu nại tố cáo, cần có thêm một kênh đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết đến cùng sự việc sau giám sát. Theo ông Long, không đeo bám các kiến nghị đến cùng thì hoạt động giám sát sẽ không có tác dụng.

Cho rằng hiệu lực giám sát hiện nay còn hạn chế, ông Nguyễn Thiện Nhân (Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) đề nghị trong từng vụ việc đã giám sát năm 2015 phải đôn đốc xem các cơ quan chức năng liên quan đã thực hiện đến đâu. “Nếu thấy các cơ quan trì trệ, không giải quyết thì phải giám sát tiếp, không thể để họ im lặng như thế được. Nếu các cơ quan liên quan không thực hiện, không có chuyển biến thì các đoàn giám sát tiếp tục nhắc nhở” - ông Nhân nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm