Vụ án Vũ ‘nhôm’: Nhiều bị cáo nhắc tên cố bí thư Đà Nẵng

Ngày 2-1, phiên tòa xét xử Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) cùng 20 bị cáo trong vụ án liên quan đến việc thâu tóm công sản và đất vàng trên địa bàn TP Đà Nẵng tiếp tục làm việc. Rất nhiều bị cáo, trong đó có hai cựu chủ tịch UBND TP Đà Nẵng có lời khai về cố Bí thư Nguyễn Bá Thanh.

Cấp trên chỉ đạo nên buộc phải làm

Hầu hết các cựu lãnh đạo sở, ban, ngành của TP đều thừa nhận việc ký các văn bản trong quá trình chuyển nhượng nhà, đất công sản là sai, thế nhưng việc này đều thực hiện theo sự chỉ đạo của UBND TP Đà Nẵng.

Bị cáo Phan Xuân Ít, cựu phó chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng, khẳng định sai phạm của mình là thực hiện theo chủ trương. Thực tế, người có thẩm quyền ra chủ trương, quyết định việc giao và chuyển nhượng các dự án công sản là chủ tịch UBND TP.

Bị cáo khẳng định không có mối quan hệ gì với Vũ “nhôm”, chỉ biết Vũ là chủ công ty bình phong của Bộ Công an và có quan hệ với lãnh đạo UBND TP, trước đây là bí thư đã mất, sau này là chủ tịch Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến.

Tương tự, Nguyễn Văn Cán, cựu chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng, cũng biết Vũ có mối quan hệ với các lãnh đạo TP, trong đó chủ yếu là ông Nguyễn Bá Thanh (cố Bí thư Đà Nẵng - PV). Quá trình làm việc, bị cáo nói chịu sự chỉ đạo gián tiếp của ông Nguyễn Bá Thanh, trực tiếp của ông Trần Văn Minh (cựu chủ tịch UBND TP Đà Nẵng). Có vấn đề chỉ đạo bằng văn bản nhưng cũng có vấn đề chỉ nói bằng miệng.

Bị cáo Cán thừa nhận việc chỉ đạo bán trực tiếp dự án bất động sản cho công ty của Vũ không qua đấu giá là sai. “Lý do vì sao biết sai vẫn làm, vì tôi phải chấp hành ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo TP. Cụ thể, chỉ đạo của ông Nguyễn Bá Thanh thông qua ông Phan Xuân Ít và thông qua trao đổi của tôi với ông Trần Văn Minh. Tôi thực hiện không vì động cơ, mục đích gì, không được hưởng lợi ích vật chất gì” - bị cáo khẳng định.

Trong khi đó, Huỳnh Tấn Lộc, cựu tổng giám đốc Công ty Công nghệ phẩm Đà Nẵng, khai trước tòa rằng công ty này đã làm đơn xin mua bốn dự án nhà, đất công sản nhưng TP Đà Nẵng chỉ giải quyết cho hai dự án là số 37 Pasteur và số 57 Lê Duẩn.

Theo lời khai của Lộc, sau khi công ty được UBND TP giải quyết cho mua hai lô đất trên, bí thư Đà Nẵng thời điểm đó là ông Nguyễn Bá Thanh và chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh có gọi điện thoại cho bị cáo và nói nếu cái nào không dùng thì bán cho Vũ “nhôm”.

Tiếp đó, Vũ gọi điện thoại cho Lộc và đặt vấn đề mua cả hai lô đất. Tuy nhiên, bị cáo nói rằng do trụ sở công ty đóng trên 57 Lê Duẩn nên chỉ có thể nhượng lại ở 37 Pasteur mà thôi.

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: TTXVN

Cựu chủ tịch Đà Nẵng nói mình không sai

Bị cáo buộc có vai trò chính trong vụ án nhưng trình bày trước tòa, ông Trần Văn Minh (cựu chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) lại nhiều lần khẳng định mình không sai phạm trong việc giải quyết các nhà, đất công sản trên địa bàn.

Bị cáo cho rằng các công văn mà cơ quan tố tụng cáo buộc mình ký sai quy định pháp luật xoay quanh hai nội dung: Thứ nhất là việc giảm 10% tiền sử dụng nếu nộp một lần. Thứ hai là cho phép chuyển đổi tên người sử dụng đất khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính.

Hai nội dung này căn cứ vào Nghị định 38/2000 cho phép giảm 20% nếu nộp tiền sử dụng đất một lần. Thực tế Thường vụ Thành ủy và UBND TP Đà Nẵng quyết định chỉ giảm 10%, như vậy là đã có lợi cho ngân sách rồi.

Bị cáo Minh nói việc cơ quan tố tụng cho rằng các quyết định này không đúng quy định pháp luật vì nghĩ rằng việc này vừa xảy ra. Tuy nhiên, nó đã xảy ra cách đây hơn 10 năm, đã được các cơ quan trung ương kiểm tra, Bộ Chính trị xem đây là sáng tạo của Đà Nẵng và đem lại hiệu quả cao nên mới quyết định không xem xét kỷ luật đối với tập thể Ban cán sự đảng, UBND TP Đà Nẵng.

Ông Minh nhấn mạnh chủ trương chuyển nhượng các dự án công sản trên kế thừa từ những đời chủ tịch UBND TP trước đó là ông Nguyễn Bá Thanh và Hoàng Tuấn Anh.

Cựu chủ tịch TP Đà Nẵng khẳng định việc chuyển nhượng toàn bộ 22 nhà, đất công sản và bảy dự án bất động sản là vì lợi ích của TP, để có được nguồn thu ngân sách đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Bị cáo không hề tạo điều kiện cho các công ty của Vũ hay người thân của Vũ được chuyển nhượng. Bị cáo cũng rất ngỡ ngàng khi nghe Huỳnh Tấn Lộc (cựu tổng giám đốc Công ty Công nghệ phẩm Đà Nẵng) có lời khai rằng bị cáo gọi điện thoại cho Lộc để đề nghị bán đất cho Vũ.

Tương tự, ông Văn Hữu Chiến (cựu chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) nói việc giảm 10% tiền sử dụng đất cũng như chuyển tên người sở hữu đất được thực hiện trong một thời gian dài, khi TP áp dụng cho tất cả chứ không riêng gì Vũ thì thấy có hiệu quả.

Sau này Thanh tra Chính phủ chỉ ra như vậy là không đúng với quy định pháp luật và đến khi bị cáo làm chủ tịch UBND TP thì đã cho hủy tất cả.

Cựu chủ tịch Đà Nẵng nhiều lần khẳng định ký các văn bản trong việc chuyển nhượng nhà, đất công sản là theo quy trình, mình chỉ là một khâu trong đó, không hề có lợi ích cá nhân nào.

Điển hình như nhà, đất số 16 Bạch Đằng, Bộ Công an có văn bản đề nghị chuyển nhượng cho Công ty Bắc Nam 79 để xây dựng, phát triển tiềm lực ngành. Lãnh đạo TP hiểu rằng đây là trách nhiệm cần phải ủng hộ cho lực lượng công an nhân dân hoàn thành nhiệm vụ, do vậy đã tạo điều kiện cho công ty của Vũ được thuê đất 50 năm.

Đáng chú ý, HĐXX hỏi ông Chiến có biết việc chuyển nhượng các dự án nhà, đất công sản trong vụ án này gây thất thoát bao nhiêu tiền, cựu chủ tịch TP Đà Nẵng cho rằng còn nhiều vấn đề phải tranh luận. Ví dụ, những dự án thu tiền một lần thì TP sẽ có tiền ngay để xây dựng cơ sở hạ tầng, để trong vòng 10 năm Đà Nẵng trở thành một TP đáng sống. Hơn thế, cách tính của Hội đồng thẩm định giá Trung ương khi tính chênh lệch so với trước đây là chưa khách quan lắm.

Chủ tọa cho hay kể cả khi tính theo thời điểm các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội thì kết luận của hội đồng thẩm định giá cũng cao hơn rất nhiều giá các bị cáo chuyển nhượng.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.