Vụ án đập nhà trên đất đã mua

Ngày 7-1, TAND TP Cần Thơ xử phúc thẩm, tuyên y án Hoàng Xuân Hải (48 tuổi) hai năm sáu tháng tù về tội cố ý làm hư hỏng tài sản. Trước đó, Hải kháng cáo kêu oan. Đây là vụ án có tình huống mà nhiều người hay gặp trong thực tế là sau khi mua đất, bị cáo mới biết có căn nhà của chủ cũ nên cho người đập phá nhà để đòi lại đất.

Thuê người đập phá tài sản

Theo hồ sơ, năm 2004, bà T. mua và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hơn 1.000 m2 tại phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. 10 năm sau, bà T. bán toàn bộ mảnh đất trên cho ông L. và ông L. được đứng tên trên sổ hồng. Sau đó, bà T. khởi kiện ông L. ra tòa, yêu cầu hủy hợp đồng mua bán đất và được TAND quận Ninh Kiều thụ lý, chưa giải quyết xong.

năm 2016, ông L. tiếp tục chuyển nhượng phần đất trên cho ông P. và được Văn phòng Đăng ký đất đai quận Bình Thủy xác nhận. Hai năm sau, ông P. chuyển nhượng lại phần đất trên cho bị cáo Hải với giá trên hợp đồng là 100 triệu đồng. Tuy nhiên, trong sổ hồng (cập nhật tên bị cáo) và hợp đồng chuyển nhượng đều không thể hiện có nhà ở trên đất.

Tháng 8-2018, bị cáo Hải từ TP.HCM xuống thăm đất thì thấy có một căn nhà cấp bốn trên đất mình đã mua. Qua tìm hiểu, Hải biết người đã chặt cây, xây nhà là bà T. Sau đó, Hải đến UBND phường Long Hòa đề nghị giải quyết nhưng không có kết quả.

Ngày 3-10-2018, bị cáo Hải nhờ đối tượng tên Trường (theo lời khai của Hải là không rõ nhân thân) thuê khoảng 15 người đi ô tô 16 chỗ từ TP.HCM đến đập phá tài sản để bà T. dời nhà, trả lại đất. Tổng thiệt hại tài sản hơn 9,5 triệu đồng.

Quá trình điều tra, Hải thừa nhận hành vi nhưng ra tòa nói bị oan. Tháng 11-2019, TAND quận Bình Thủy xử sơ thẩm, phạt Hải hai năm sáu tháng tù về tội cố ý làm hư hỏng tài sản.

Bị cáo Hoàng Xuân Hải tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: NHẪN NAM

VKS đề nghị hủy án

Tại tòa phúc thẩm, Hải giữ nguyên kháng cáo kêu oan vì cho rằng mình không chỉ đạo đập phá tài sản mà điều tra viên mớm cung.

Ban đầu, đại diện VKS cho rằng đủ căn cứ để kết tội bị cáo Hải nên đề nghị tòa giữ y bản án sơ thẩm. Tranh luận lại, hai luật sư (LS) bào chữa cho Hải cho rằng vụ án vi phạm nghiêm trọng tố tụng, không có căn cứ để buộc tội bị cáo.

Thứ nhất, không có quyết định phân công thẩm phán và hội thẩm nhân dân xét xử bị cáo. Trong hồ sơ có hai bản cáo trạng, cáo trạng đầu truy tố bị cáo theo khoản 1 Điều 178 BLHS. Cáo trạng sau truy tố Hải theo điểm a khoản 2 Điều 178 BLHS. Cáo trạng sau không thay thế cáo trạng đầu và cũng không có quyết định nào hủy bỏ cáo trạng đầu.

Trước đó, quyết định khởi tố bị can và quyết định phê chuẩn khởi tố và kết luận điều tra đều đề nghị truy tố bị cáo theo khoản 1. Như vậy, khi thay đổi cáo trạng, chuyển sang truy tố bị cáo theo khoản 2 thì phải thay đổi quyết định khởi tố và phê chuẩn quyết định khởi tố sang khoản 2.

Thứ hai, tòa sơ thẩm nhận định Hải phạm tội có tổ chức nhưng đồng phạm với bị cáo là ai, ở đâu, đang làm gì, bị truy nã chưa thì không được làm rõ. Trong khi xét về pháp lý, nếu chỉ xử mình bị cáo là bỏ lọt tội phạm.

Thứ ba, cần xác định căn nhà trên đất có phải là của bà T. không. Bởi theo hồ sơ, căn nhà bà T. xây không phép năm 2017, xây trên đất không thuộc quyền sử dụng của bà T... Từ đó hai LS đề nghị tòa hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Sau khi nghe hai LS trình bày quan điểm, VKS thay đổi ý kiến, cho rằng cấp sơ thẩm có vi phạm về tố tụng nên đề nghị HĐXX hủy án để điều tra, xét xử lại.

Sơ thẩm có vi phạm nhưng không nghiêm trọng

HĐXX nhận định quá trình tố tụng ở cấp sơ thẩm có những vi phạm nhưng những sai sót mà LS nêu ra không phải là nghiêm trọng, vì không gây thiệt hại cho những người tham gia tố tụng. Hồ sơ không có quyết định phân công hội thẩm nhân dân vì việc thay đổi HĐXX được tiến hành tại phiên tòa. Việc ban hành cáo trạng lần thứ nhất đã được thay thế bằng cáo trạng lần thứ hai và bản án sơ thẩm căn cứ vào cáo trạng lần thứ hai xét xử. Việc VKS truy tố khoản 2 Điều 178 không ảnh hưởng tới việc khởi tố theo khoản 1.

Theo HĐXX, đủ cơ sở để kết tội bị cáo. Trong giai đoạn điều tra, bị cáo nhận tội khi có mặt LS, kiểm sát viên, đại diện đoàn thể ở địa phương chứng kiến và được ghi âm, ghi hình. Bị cáo đã tự nguyện nộp tiền khắc phục hậu quả... Theo đó, ông P. chuyển nhượng đất cho bị cáo vào tháng 4-2018, đến tháng 6-2018 bị cáo mới được cấp sổ hồng. Theo hợp đồng xây dựng nhà thì căn nhà của bà T. có trước khi bị cáo mua đất. Việc mua bán chỉ làm trên giấy tờ mà không bàn giao trên thực địa nên bị cáo không phát hiện căn nhà. Cho dù việc bà T. xây nhà trên đất đã bán là vi phạm nhưng chỉ có cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được phán quyết về việc cưỡng chế tháo dỡ hoặc di dời tài sản của công dân. Từ đó, tòa tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm