Vụ 3,2 triệu sách giả và tệ nạn ăn cắp chất xám

Bộ Công an vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam nhiều bị can trong đường dây làm giả hơn 3,2 triệu cuốn sách. Đây là hồi chuông cảnh báo trước thực trạng sản xuất và tiêu thụ sách giả diễn ra nhiều năm nay ở Việt Nam. Những bị can này rồi sẽ bị xử lý thích đáng nhưng các cơ quan chức năng cần làm nhiều hơn nữa để răn đe, triệt nạn sách giả.

 Bảy bị can bị bắt tạm giam trong vụ sản xuất, buôn bán
3,2 triệu sách giáo khoa giả. Ảnh: CACC

Tôi từng là nạn nhân

Là người viết nhiều sách và cũng là nạn nhân của nạn sách giả, tôi hiểu rằng khi có nạn sách giả thì sẽ có tác động đến nhiều đối tượng với các lợi ích khác nhau. Thứ nhất, là người đọc, họ có được kiến thức từ sách giả có chất lượng đôi khi giống như sách thật nhưng giá thường thấp hơn nên họ sẵn sàng mua. Thứ hai, kẻ làm sách giả thường thu lợi rất nhiều theo kiểu “ngồi mát ăn bát vàng”. Thứ ba, tác giả cuốn sách (và nhà xuất bản (NXB)) bị tổn thương, thiệt hại về vật chất lẫn tinh thần.

Để người đọc thấu hiểu sự tổn thương của tác giả mà không tiếp tay cho kẻ làm giả sách (tức không mua sách giả vì giá rẻ), xin chia sẻ về giá trị mà tác giả thu về từ sách. Thực tế, giá trị thu về từ sách là rất ít ở Việt Nam so với thế giới, do giá sách rất thấp và nhuận bút không nhiều.

Chẳng hạn, cuốn sách Luật hợp đồng Việt Nam - Bản án và bình luận bản án của tôi mỗi tập hơn 1.000 trang nhưng giá chỉ 236.000 đồng/tập. Thế nhưng, với sách tương tự như vậy ở Pháp tính ra tiền Việt khoảng 900.000 đồng. Cạnh đó, trong số tiền niêm yết trên giá bìa, tác giả chỉ được hưởng một phần rất nhỏ vì theo các quy định về xuất bản, mức nhuận bút chỉ khoảng 12%-18%/giá bìa và các NXB thường chỉ trả ở mức thấp nhất.

Để cho thấy nạn sách giả quá phổ biến ở Việt Nam, tôi xin kể về một trường hợp cụ thể. Chúng tôi viết một cuốn sách Bình luận khoa học - Nhữngđiểm mới của BLDS năm 2015. Khi tập huấn về BLDS tại một tòa án tỉnh với thành phần tham gia khoảng 600 người. Chánh án tòa này cho biết đã chỉ đạo mua sách cho người tham gia. Tuy nhiên, khi nhìn thấy sách, tôi mới phát hiện sách mà tòa án mua là sách giả.

Thực tế, người viết sách chỉ dám in 1.000 cuốn ở lần thứ nhất với tiền nhuận bút cho từng thành viên chỉ khoảng 3-4 triệu đồng/người nhưng kẻ làm giả một vụ như trên đã bán bằng 1/2 số sách chính thức được xuất bản. Và điều đáng nói, họ bán cho cả cơ quan bảo vệ pháp luật, đó là sự thật đau lòng.

Mức phạt chưa đủ sức răn đe

Ở khía cạnh xã hội, sách giả có hệ quả rất xấu. Ăn cắp gì cũng là ăn cắp nhưng ăn cắp chất xám là tệ nhất, nó làm cho thị trường sách méo mó, ảnh hưởng đến thu nhập (vốn ít ỏi) chính đáng của người viết sách, làm cho văn hóa đọc bị lùn đi...

Những kẻ làm sách giả khi bị phát hiện sẽ bị xử lý theo pháp luật hình sự, hành chính và dân sự. Về cơ bản, các biện pháp xử lý như vậy là tốt nhưng đây là phạm tội mang tính chất kinh tế, các chế tài còn chưa thuyết phục. Cụ thể, mức phạt cho loại tội này chưa cao. Chẳng hạn, ngoài hình phạt tù, BLHS quy định mức phạt tối đa là 3 tỉ đồng đối với cá nhân, 9 tỉ đồng đối với pháp nhân. Hay Luật Sở hữu trí tuệ quy định mức bồi thường tổn thất về tinh thần cho tác giả tối đa là 50 triệu đồng. Mức phạt hay bồi thường như vậy là quá thấp nên không có tính răn đe và không bù đắp được cho tác giả.

Ở Pháp, với tội làm giả, cá nhân có thể bị phạt từ 300.000-500.000 euro (tương đương 8-13,5 tỉ đồng) và nếu là pháp nhân thì mức phạt có thể cao gấp năm lần.

Trong vụ việc làm giả 3,2 triệu sách nói trên, ước tính lợi nhuận khoảng 50 tỉ đồng. Như đã nói, ngoài hình phạt tù, nếu tính ra mức phạt tiền và bồi thường hiện nay là không tương xứng, cần thiết phải sửa đổi quy định để tăng mức phạt lên cao hơn nữa.

Nhiều tác giả - nạn nhân còn ngại tố giác

Điều đáng nói là hiện nay tác giả ít tố cáo sách giả vì lợi ích thu được từ việc tố cáo chủ yếu đến từ bồi thường, trong khi đó chứng minh thiệt hại rất khó và phải mất chi phí, thời gian. Khoản tiền phạt trong hình sự có khi đến 9 tỉ đồng nhưng đó là tiền thu về cho Nhà nước, không cho tác giả. Do đó, nên có phương án chuyển một phần tiền phạt đó cho tác giả để thúc đẩy chính người bị xâm phạm tố giác.

Tham gia giảng dạy ở Việt Nam và Pháp, tôi thấy rõ sự khác biệt giữa hai nước, đó là lượng sách ở thư viện Việt Nam quá ít so với thư viện Pháp. Thực trạng như vậy không tốt cho các thế hệ tương lai của đất nước vì kiến thức con người có được từ sách là rất lớn.

Vì vậy, nên có những biện pháp khuyến khích viết sách và chống sách giả, đồng thời nên khuyến khích người đọc mua sách để đọc chứ đừng chờ tác giả tặng sách. Điều này góp phần kiến tạo, nâng cao vai trò của lao động chất xám, giúp người viết sách, nhất là các nhà khoa học, sống được bằng khoản thu nhập vốn không nhiều nhỏi này...

Hy vọng rằng cơ quan chức năng cần tăng cường phát hiện và xử lý nhiều vụ sách lậu, sách giả khác, góp phần làm lành mạnh hóa thị trường sách vốn còn chưa mạnh của nước nhà. 

Khởi tố, tạm giam bảy bị can vụ in 3,2 triệu sách giả

Mới đây, Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam bảy bị can trong vụ in 3,2 triệu sách giáo khoa giả về tội sản xuất, buôn bán hàng giả.

Trong số này có Cao Thị Minh Thuận (giám đốc Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Phú Hưng Phát, chủ nhà sách Minh Thuận, 358 Nguyễn Trãi, Hà Nội), Hoàng Mạnh Chiến (giám đốc Công ty CP In và Văn hóa truyền thông Hà Nội), Nguyễn Mạnh Hà (phó giám đốc Công ty CP In và Văn hóa truyền thông Hà Nội)…

Trước đó, từ ngày 18 đến 22-6, C03 phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và NXB Giáo dục bắt quả tang các đối tượng tham gia in ấn, gia công, tiêu thụ sách giả tại hàng loạt cơ sở in. Công an cũng khám xét khẩn cấp hơn 50 địa điểm của đường dây sản xuất và tiêu thụ các loại sách giáo khoa giả trên địa bàn các tỉnh, TP gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Thanh Hóa. 

TUYẾN PHAN 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm