Vợ chồng như thế chẳng thà buông tay…

Các thẩm phán có kinh nghiệm thường chia sẻ rằng đừng tin vào lý do nêu trong đơn ly hôn của một cặp đôi dắt nhau ra tòa, bởi thực tế nguyên nhân họ phải chia tay là muôn hình vạn trạng. Nhưng dù thế nào, mọi nguyên nhân đều quy về một mối mà Luật Hôn nhân và Gia đình đã ghi rõ trong Điều 56: “…hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được”.

Vợ con còn vứt xó, nói gì việc… đến tòa

Chị Trần Thị Thu L. và anh Trần Ngọc Đ. đến với nhau vào ngày 8-5-2006 sau một thời gian tìm hiểu, yêu thương. Tuy nhiên, chị L. đã phải nộp đơn ra tòa xin ly hôn khi cả hai đã có với nhau hai mặt con, con gái lớn sinh năm 2007 và con gái nhỏ sinh năm 2010.

Chị trình bày sau khi cưới nhau vợ chồng chị sống không hạnh phúc. Anh Đ. vẫn giữ nguyên thói quen chơi bời như thời còn trai trẻ, không quan tâm gì đến vợ con. Mâu thuẫn ngày càng tăng khi chị phát hiện anh nghiện ma túy…

Không chịu đựng nổi sự vô tâm, hư hỏng của chồng, vợ chồng mâu thuẫn ngày một trầm trọng, từ tháng 6-2012 chị dẫn hai con về sinh sống với cha mẹ, vợ chồng ly thân… Xin ly hôn, chị đề nghị được quyền nuôi cả hai con và tự nguyện không yêu cầu anh Đ. cấp dưỡng.

Dù không rõ anh chồng hư hỏng đến độ nào nhưng suốt quá trình tòa thụ lý ly hôn, anh Đ. đều không có mặt. Ngày 23-11-2018, TAND huyện Mỹ Lộc, Nam Định đã xét xử vắng mặt, chấp nhận yêu cầu của chị L., đồng ý cho hai người được ly hôn.

Chàng mê cờ bạc bỏ bè con thơ

Tương tự, đứng đơn xin ly hôn, chị Chu Thị H. (sinh năm 1981) trình bày chị và anh Bùi Văn G. (sinh năm 1977) đăng ký kết hôn năm 2000. Thời gian đầu chung sống, hai vợ chồng rất hạnh phúc. Tuy nhiên, đến năm 2013 thì cả hai phát sinh mâu thuẫn. Chồng chị không còn chí thú làm ăn nữa mà sinh tật cờ bạc, đề đóm. Anh mê đánh bạc đến mức nợ nần chồng chất.

Chị khai bản thân lo làm việc đầu tắt mặt tối suốt ngày, còn chồng cả ngày chỉ lo chơi bời cờ bạc, về nhà còn đòi vợ đưa tiền để ăn chơi. Chị đã nhiều lần muốn buông tay, đã nộp đơn rồi lại rút đơn cho anh thêm cơ hội vì vẫn muốn gia đình được đoàn tụ, con cái còn có cha nuôi dạy. Tuy nhiên, do đã khuyên nhủ nhiều lần nhưng chồng vẫn chứng nào tật nấy, không thay đổi nên chị cắn răng quyết định.

Đỉnh điểm là năm 2017, anh G. đi đánh bài thua, mắc nợ bị chủ nợ tới tận nhà đòi tiền. Chủ nợ đã khủng bố, ép buộc chị H. phải trả khoản nợ thua bạc cho chồng đến mức chị phải nhờ chính quyền can thiệp mới có thể được ở nhà. Tình cảm vợ chồng cũng theo đó mà không còn nữa…

Chị H. cho rằng tình cảm vợ chồng đã hết, cuộc sống chung không có hạnh phúc, vợ chồng không có sự quan tâm, chăm sóc lẫn nhau nên chị có nguyện vọng được ly hôn. Chị cũng xin được nuôi hai con (một trai, một gái sinh năm 2001, 2004) và yêu cầu anh G. có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con nhỏ 1 triệu đồng/tháng đến khi con đủ 18 tuổi.

Thụ lý vụ án, TAND huyện Ea Kar, Đắk Lắk đã nhiều lần triệu tập nhưng anh G. không đến tòa để giải quyết vụ án. Ngày 29-11-2018, sau một lần hoãn, tòa đã quyết định đưa vụ án ra xét xử và chấp nhận yêu cầu ly hôn của chị H.

Người phụ nữ không thuộc về gia đình

Cuộc ly hôn của anh Trần Quang C. và chị Nguyễn Thị T. thì khác hai cuộc ly hôn trên. Anh C. là người đứng ra xin ly hôn khi vợ chồng chỉ sống với nhau tròm trèm ba năm. Cả hai đăng ký kết hôn vào ngày 16-7-2015, sau đó chị sinh một bé trai kháu khỉnh. Những tưởng hạnh phúc như thế sẽ mãi gõ cửa nhà nhưng…

Anh C. trình bày trong đơn, sau khi cưới vợ chồng chung sống không hạnh phúc vì chị T. không quan tâm đến gia đình, hay bỏ nhà đi, để con nhỏ cho anh chăm sóc. Anh đã nhiều lần đi tìm nhưng chị T. không thay đổi. Nghĩ tình cảm vợ chồng không còn, anh yêu cầu tòa giải quyết cho anh chị được ly hôn và anh được quyền nuôi con, không yêu cầu chị T. cấp dưỡng.

Tòa án triệu tập nhiều lần nhưng chị T. cố tình lẩn tránh, không đến nên tòa đã xét xử vắng mặt theo yêu cầu của anh C. Ngày 23-11-2018, TAND huyện Mỹ Lộc, Nam Định đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu của anh C. vì xét thấy cuộc hôn nhân này không thể kéo dài thêm được nữa…

Những lý do ly hôn nêu trên là quá chính đáng, tòa phán quyết để giải phóng cho người trong cuộc là điều ai cũng đồng tình. Song phía sau cuộc ly hôn còn có những điều ngậm ngùi, đau xót. Đó là những đứa trẻ sẽ thiếu đi sự chăm sóc về tình cảm của cha hoặc mẹ, dù chúng được bù đắp cỡ nào thì ít nhiều vẫn bị ảnh hưởng đến quá trình phát triển tâm sinh lý. Vì vậy, các cặp đôi cần tìm hiểu nhau kỹ càng trước khi quyết định “góp gạo thổi cơm chung” để tránh sau này phải đường ai nấy đi mà tội nghiệp cho bọn trẻ.

Báo motthegioi.vn dẫn số liệu gần đây của Viện Nghiên cứu gia đình và giới, cả nước trung bình có trên 60.000 vụ ly hôn/năm, tỉ lệ 30%, tức là cứ 10 cặp vợ chồng kết hôn thì có ba cặp ly hôn, xu hướng này tiếp tục tăng ở cả thành phố và nông thôn.

Đáng lưu ý là 70% số vụ ly hôn thuộc về các gia đình trẻ mà vợ/chồng trong độ tuổi 18-30, trong đó 60% ly hôn sau khi kết hôn 1-5 năm, nhiều trường hợp mới cưới nhau được vài tháng… 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm