VKSND Tối cao yêu cầu thi hành án hành chính tồn đọng

VKSND Tối cao vừa ban hành Kế hoạch số 07 về “Xây dựng báo cáo, phục vụ đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội”. Nội dung quan trọng trong báo cáo này là yêu cầu VKSND các tỉnh, thành chuẩn bị báo cáo về tình hình và kết quả kiểm sát việc thi hành bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính; cử lãnh đạo Viện tham dự các đoàn giám sát và các buổi làm việc của đoàn giám sát tại các địa phương; cung cấp hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của đoàn giám sát.

Để phục vụ việc xây dựng báo cáo gửi đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và báo cáo về VKSND Tối cao theo quy định, Vụ Kiểm sát thi hành án (THA) dân sự đã có công văn hướng dẫn nghiệp vụ thi hành hành chính.

Ảnh minh họa.

Kèm theo công văn này là danh sách các bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính chưa được thi hành tính đến ngày 30-11-2017 theo số liệu thống kê của Bộ Tư pháp. Theo Báo cáo số 363 ngày 19-12-2017 của Bộ Tư pháp với Thủ tướng Chính phủ thì số liệu cụ thể như sau:

Tổng số bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính có hiệu lực pháp luật và người phải THA là các cơ quan nhà nước là 361. Số bản án, quyết định bị vi phạm nghĩa vụ tự nguyện THA và TAND cấp có thẩm quyền phải ban hành quyết định buộc THA là 70 vụ việc.

Kết quả: Đã thi hành xong 295 vụ, việc; chưa thi hành xong 66 vụ, việc (có 28 việc bản án, quyết định có hiệu lực trong năm 2017). Cá biệt có việc bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực từ năm 2011-2012 đến nay chưa được thi hành.

Công văn của Vụ Kiểm sát THA dân sự (VKSND tối cao) đề nghị viện trưởng VKSND tỉnh, thành chỉ đạo đơn vị nghiệp vụ kiểm sát THA phối hợp với THA dân sự cùng cấp rà soát, kiểm tra, đánh giá tình hình THA hành chính trên địa bàn. Cần nắm rõ nội dung vụ việc và các khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức THA hành chính.

Ngoài ra, cần áp dụng các quyền hạn pháp luật quy định để tác động tới các cơ quan có trách nhiệm trong việc tổ chức thi hành bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính. Trong số này cần tác động nhất là các UBND và chủ tịch UBND là người phải THA hành chính, góp phần đảm bảo các bản án, quyết định của tòa được thi hành nghiêm chỉnh, đúng pháp luật. 

Chấm dứt việc không chịu thi hành án

Liên quan đến thi hành Luật Tố tụng hành chính, THA hành chính:  Nghị quyết số 51 ngày 24-11-2017 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã giao Chính phủ chỉ đạo UBND, chủ tịch UBND có liên quan thực hiện đúng quy định tại Điều 60 của Luật Tố tụng hành chính, chấm dứt việc không chấp hành các bản án, quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật của tòa án, báo cáo kết quả việc THA hành chính tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm