VKSND Tối cao yêu cầu báo cáo vụ bị ép làm nạn nhân

Trong công văn, VKSND Tối cao nêu rõ: “Đây là vụ án do các cơ quan tố tụng TP.HCM thụ lý, giải quyết rất phức tạp và bị ảnh hưởng bởi các bản án hành chính sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm. Hiện VKSND Tối cao (Vụ 3) đang yêu cầu VKSND TP.HCM cung cấp đầy đủ tài liệu để đánh giá chứng cứ đối với vụ án, đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan để xem xét các bản án hành chính của TAND các cấp...”.
Trước đó, vào tháng 3-2017, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng vụ án có dấu hiệu oan sai nên đã có văn bản gửi cho viện trưởng VKSND Tối cao, Ủy ban Tư pháp Quốc hội.

Ông Lê Đức Thiện cho rằng mình bị tạm giam oan sáu năm. Ảnh: KT

Như Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh, năm 2006 ông Thiện bị khởi tố, bắt tạm giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo cáo trạng, ông Thiện đã nhờ người đứng tên giúp hơn 790 m2 đất của người khác rồi chuyển nhượng bất hợp pháp cho ông Trịnh Kiên Cường để chiếm đoạt 1,3 tỉ đồng.
Tháng 5-2009, TAND TP.HCM xử sơ thẩm lần đầu, phạt ông Thiện 15 năm tù và buộc bồi thường cho ông Cường. Tuy nhiên, ông Cường lại cho rằng mình không phải là người bị hại bởi ông đã mua được đất. Vì vậy, bản án sơ thẩm này đã bị Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM (nay là TAND Cấp cao tại TP.HCM) hủy bản án để điều tra lại.
Vào năm 2010, VKS xác định lại người bị hại trong vụ án là ông Nguyễn Văn Tấn và ông Lê Văn Nga (chủ đất cũ). Tuy nhiên, tại phiên sơ thẩm lần hai, ông Tấn và ông Nga cũng khẳng định mình không phải là người bị hại vì đã nhận đủ tiền. TAND TP.HCM đành phải trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Trong khi đó, để cấu thành tội lừa đảo thì phải có thiệt hại xảy ra, mà vụ án này lại không có ai bị thiệt hại.
Cùng thời điểm này, ông Cường khởi kiện quyết định hành chính về việc UBND huyện Bình Tân thu hồi, hủy bỏ giấy đỏ đã cấp cho ông. Tòa cấp sơ thẩm bác đơn khởi kiện của ông nhưng tòa cấp phúc thẩm lại chấp nhận kháng cáo, tuyên hủy quyết định hành chính. Tháng 3-2012, TAND Tối cao ra quyết định giám đốc thẩm bác kháng nghị giám đốc thẩm và giữ nguyên bản án hành chính phúc thẩm này.
Do vậy, sau sáu năm bị tạm giam, cuối năm 2012 CQĐT ra quyết định đình chỉ điều tra, miễn trách nhiệm hình sự cho ông Thiện với lý do là có bản án hành chính giám đốc thẩm nên “chuyển biến tình hình” theo khoản 1 Điều 25 BLHS.
Ông Lê Đức Thiện cho rằng việc đình chỉ như vậy là né bồi thường oan cho ông nên gửi đơn khiếu nại khắp nơi…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm