VKSND Cấp cao tại TP.HCM kháng nghị vụ án kéo dài 17 năm

Năm 1994, vợ chồng ông Trần Văn Hà và ông Trần Văn Tý có nhận chuyển nhượng từ một hộ dân với diện tích khoảng 12 ha đất sản xuất nông nghiệp (đo thực tế hơn 119.000 m2) tại huyện Vĩnh Hưng, Long An.

Thửa ruộng gia đình ông Phan Văn Á đang quản lý. Ảnh: CTV

Đến năm 1996, ông Hà và ông Tý làm giấy giao kèo sang đất để chuyển nhượng lại 10 ha cho ông Trần Văn Nhiệm với giá 200 chỉ vàng, đôi bên chưa làm thủ tục tại cơ quan có thẩm quyền. Ông Nhiệm đã giao cho ông Hà 118 chỉ vàng nhưng không có khả năng trả tiếp số vàng còn lại.

Vì thế, ông Hà đồng ý cho ông Nhiệm thế chấp đất, vay tiền ngân hàng để trả tiếp số tiền còn lại cho ông Hà. Vay được tiền ngân hàng, ông Nhiệm không trả nên ông Hà nhờ chính quyền địa phương giải quyết.

Sau đó, ông Hà đồng ý trả thay ông Nhiệm vốn và lãi cho ngân hàng 27,5 triệu đồng, đổi lại ông Nhiệm đồng ý trả lại 10 ha đất cho ông Hà.

Năm 1997, ông Nhiệm đã chuyển nhượng lại cho ông Phan Văn Á và bà Lê Thị Lùng 10 ha đất.

Đến năm 2003, vợ chồng ông Hà và ông Tý được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng toàn bộ phần đất hơn 119.000 m2. Vợ chồng ông Hà và ông Tý khởi kiện bà Lùng, ông Á ra tòa.

Sau nhiều lần bị hủy án, xử sơ thẩm lần ba vào tháng 6-2019, TAND huyện Vĩnh Hưng đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, hủy hợp đồng giao kèo sang đất năm 1996 giữa ông Hà, ông Tý với ông Nhiệm, buộc gia đình ông Á và người thân phải trả lại đất cho nguyên đơn và gần 350 triệu đồng tiền hoa lợi trong thời gian sản xuất trên đất… Ba người trong gia đình ông Á kháng cáo.

Xử phúc thẩm lần ba vào tháng 11-2019, TAND tỉnh Long An đã chấp nhận một phần kháng cáo, sửa án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về việc yêu cầu gia đình ông Á, bà Lùng phải bồi thường tiền hoa lợi trên đất. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm, TAND tỉnh giữ nguyên…

Không đồng ý với bản án trên, một số thành viên trong gia đình ông Á đã làm đơn đề nghị giám đốc thẩm. Những người này cho rằng cấp sơ thẩm và phúc thẩm căn cứ vào chứng cứ là giấy cam kết của ông Nhiệm với ông Hà có xác nhận của UBND xã Vĩnh Trị vào năm 1996 để nhận định giao dịch chuyển nhượng giữa ông Hà, ông Tý với ông Nhiệm là vô hiệu. Từ đó kéo theo giao dịch chuyển nhượng giữa ông Nhiệm với ông Á, bà Lùng vô hiệu là chưa đúng quy định của pháp luật.

VKSND Cấp cao tại TP.HCM đã kháng nghị đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm để xét xử lại, tạm đình chỉ thi hành bản án của TAND tỉnh Long An cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm.

Theo kháng nghị, bản án sơ, phúc thẩm đánh giá lỗi của ông Nhiệm và ông Á, bà Lùng 50/50 là chưa đúng. Ông Á là người nhận chuyển nhượng đất, đã giao đủ tiền và nhận đất canh tác từ năm 1996 đến nay gần 30 năm nhưng ông Á nhận lại số tiền chỉ tương đương 50% giá trị đất là ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích của ông Á…

Trong vụ án này, trước đó vào năm 2010, TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm từng hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm (lần một) để xét xử lại từ đầu. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm