VKS tập trung chống oan, sai và lọt tội

Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí vừa có báo cáo gửi Quốc hội về kết quả công tác của ngành năm 2020 để phục vụ cho kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Báo cáo khẳng định ngành kiểm sát tiếp tục xác định nhiệm vụ chống oan, sai và chống bỏ lọt tội phạm và người phạm tội là nhiệm vụ xuyên suốt, quan trọng hàng đầu, của các đơn vị nghiệp vụ trong lĩnh vực hình sự.

Gần 1.000 kiến nghị khắc phục vi phạm

Theo đó, năm 2020, toàn ngành kiểm sát đã thực hiện nhiều giải pháp nâng chất lượng truy tố, chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm. Cụ thể, VKSND Tối cao đã ban hành quy trình kiểm sát viên (KSV) trực tiếp tiến hành hỏi cung, lấy lời khai có ghi âm, ghi hình có âm thanh ở giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố. KSV các cấp đã trực tiếp hỏi cung hơn 68.300 bị can, chú trọng hỏi cung bị can trong những vụ án nghiêm trọng, phức tạp, có khiếu nại oan, sai, chứng cứ có nhiều mâu thuẫn...

“Yêu cầu thận trọng, khách quan, bảo đảm tất cả quyết định truy tố đều đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; hạn chế đến mức thấp nhất việc tòa án trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung vì thiếu chứng cứ hoặc thay đổi, bổ sung tội danh truy tố hoặc xét xử với tội danh khác tội danh truy tố…” - báo cáo nêu.

Đáng chú ý, thông qua thực hiện chức năng của mình, trong năm, ngành kiểm sát đã ban hành 981 kiến nghị yêu cầu cơ quan điều tra khắc phục vi phạm và tỉ lệ tiếp thu đạt 99,9%. Đồng thời, ngành đã làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm và ban hành 677 kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng biện pháp phòng ngừa.

VKS đã có một kiến nghị bộ trưởng Bộ GD&ĐT về phòng ngừa vi phạm, tội phạm trong công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Ngành kiểm sát cũng có một kiến nghị chủ tịch UBND TP Đà Nẵng về áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trong quản lý đất đai và quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

Trong báo cáo gửi Quốc hội, VKSND Tối cao cho rằng ngành kiểm sát đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đáng chú ý, nhiều quy định mới của các đạo luật về tư pháp đã có hiệu lực thi hành nhưng nhận thức giữa các cơ quan tiến hành tố tụng còn chưa thống nhất.

Báo cáo nêu: “Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước với những quy định trách nhiệm rất chặt chẽ đang là thách thức lớn đối với các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là trách nhiệm của VKSND”.

Kiểm sát viên tranh luận trong một phiên tòa hình sự tại TAND TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Việc nhiều nhưng giảm 517 biên chế

Cạnh đó, thực hiện BLTTHS hiện hành, nhiệm vụ của VKS tăng lên nhiều, xuyên suốt từ khi tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Đặc biệt, việc thực hiện quy định KSV phải tham gia một số hoạt động điều tra và trực tiếp điều tra đang gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với đơn vị có địa bàn rộng, công việc nhiều nhưng biên chế hạn hẹp.

Theo số liệu, năm 2020 ngành kiểm sát giảm 517 biên chế, chiếm 3,3% tổng biên chế toàn ngành.

Ngoài ra, kinh phí phân bổ như hiện nay chưa bảo đảm để thực hiện nhiệm vụ của ngành theo quy định mới của luật, nhất là nhiệm vụ chống oan, sai. “Chế độ, chính sách đối với công chức của ngành còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với nhiệm vụ đặc thù phải thực hiện. Cụ thể, chức năng, nhiệm vụ và môi trường hoạt động như nhau nhưng chế độ, chính sách của KSV các cấp là khác với điều tra viên ở ngành công an, quân đội, thực tế chênh lệch khá lớn” - báo cáo phản ánh.

Báo cáo của VKSND Tối cao khẳng định ngành kiểm sát đã có nhiều cố gắng để thực hiện đúng yêu cầu trong các nghị quyết của Quốc hội và từng bước khắc phục đáng kể những trường hợp oan, sai.

Tuy nhiên, báo cáo cũng thừa nhận so với yêu cầu thì vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót. Cụ thể, ngành còn để xảy ra một số trường hợp phê chuẩn gia hạn tạm giữ thiếu chính xác, phải trả tự do. Một số bị can phải đình chỉ do hành vi không cấu thành tội phạm và bị cáo bị tòa án cấp sơ thẩm tuyên không phạm tội. Tỉ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của cơ quan điều tra VKSND Tối cao chưa đạt chỉ tiêu. Tỉ lệ giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm trên tổng số vụ việc có hồ sơ để nghiên cứu đạt tỉ lệ hơn 74% nhưng chỉ đạt tỉ lệ gần 45% trên tổng số đơn đã thụ lý.

Báo cáo cho rằng những hạn chế, tồn tại trên do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do hạn chế về năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm, chấp hành kỷ luật nghiệp vụ của một bộ phận lãnh đạo, KSV.

“Các vụ việc tăng thêm nhiều trong tất cả lĩnh vực, nhiều nhiệm vụ tăng thêm theo quy định của pháp luật nhưng số lượng đội ngũ kiểm tra viên, KSV chưa đáp ứng yêu cầu, các đơn vị đều phải cắt giảm biên chế” - báo cáo
nhấn mạnh.

Năm 2020: 25 vụ tham nhũng trong hoạt động tư pháp

Báo cáo của viện trưởng VKSND Tối cao cho biết trong năm 2020, ngành kiểm sát đã thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết hơn 630 tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố về tham nhũng (tăng xấp xỉ 43%). Cơ quan tố tụng đã giải quyết 505 tố giác, tin báo, trong đó quyết định khởi tố 208 vụ án.

Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã thụ lý, khởi tố mới 25 vụ/26 bị can tham nhũng trong hoạt động tư pháp.

Ngành cũng đã tiến hành đánh giá thực trạng, dự báo tình hình tội phạm tham nhũng xảy ra trong các cơ quan có chức năng chống tham nhũng, cơ quan bảo vệ pháp luật và đề ra giải pháp thiết thực, hiệu quả để phòng, chống tội phạm tham nhũng trong thời gian tới. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm