VKS kháng nghị thành công hai vụ bỏ lọt tội phạm

Ngày 3-1, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác kiểm sát năm 2017, đại diện VKSND Cấp cao tại TP.HCM cho biết năm 2016 đơn vị này đã kháng nghị giám đốc thẩm hai vụ tòa sơ, phúc thẩm tuyên bị cáo không phạm tội để điều tra, xét xử lại theo hướng có tội. Sau đó, Viện đều bảo vệ thành công kháng nghị.

Không oan mà bỏ lọt tội phạm

Vụ thứ nhất, TAND huyện Long Phú và TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên bố ông Trần Hữu Đức không phạm tội cố ý gây thương tích. Sau đó, VKSND huyện Long Phú đã đồng ý bồi thường oan cho ông Đức hơn 200 triệu đồng. Trong lúc chờ Bộ Tài chính duyệt chuyển tiền bồi thường, VKSND huyện đã tạm ứng cho ông Đức 17 triệu đồng để ông này lo chuyện học nghề.

VKSND Cấp cao tại TP.HCM đã kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm. Theo văn bản kháng nghị, hai bản án sơ, phúc thẩm chỉ dựa vào một số mâu thuẫn, thiếu sót chưa được làm rõ trong quá trình điều tra, chưa được thẩm vấn, làm rõ tại hai phiên tòa, từ đó kết luận ông Đức không phạm tội là thiếu căn cứ, bỏ lọt tội phạm. Quá trình điều tra, xét xử có những vi phạm tố tụng nghiêm trọng… Kết quả là TAND Cấp cao tại TP.HCM đã chấp nhận kháng nghị. Hiện vụ án đang trong giai đoạn điều tra lại.

Vụ thứ hai, TAND TP Vũng Tàu và TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tuyên bố ông Lê Văn Minh không phạm tội cố ý gây thương tích vì cho rằng không đủ chứng cứ buộc tội. Sau khi VKSND Cấp cao tại TP.HCM kháng nghị giám đốc thẩm đề nghị hủy cả hai bản án vì cho rằng bỏ lọt tội phạm, TAND Cấp cao tại TP.HCM cũng chấp nhận kháng nghị...

Ông Nguyễn Văn Thành, người được VKSND Cấp cao tại TP.HCM kháng nghị theo hướng  không có tội. Ảnh: P.LOAN

Kháng nghị không phạm tội một vụ kinh doanh trái phép

Năm 2016, VKSND Cấp cao tại TP.HCM còn kháng nghị giám đốc thẩm một vụ án theo hướng không phạm tội. Đó là vụ kinh doanh trái phép của ông Nguyễn Văn Thành ở huyện Bình Chánh (TP.HCM), hiện chờ xử giám đốc thẩm.

Tháng 3-2013, tổ công tác của Công an huyện Bình Chánh kiểm tra hộ kinh doanh ở xã Tân Kiên do ông Thành làm đại diện, phát hiện nhiều tổ máy phát điện cũ. Ông Thành khai mua máy của người khác không có hóa đơn, chứng từ để bán kiếm lời...

Tháng 9-2014, TAND huyện Bình Chánh phạt ông Thành một năm tù treo về tội kinh doanh trái phép (với hành vi mua bán 17 tổ máy phát điện), đồng thời trả lại ông 12 tổ máy phát điện. Sau đó, VKSND huyện kháng nghị, đề nghị tòa phúc thẩm tịch thu 12 tổ máy phát điện này. Tháng 11-2015, TAND TP.HCM đã bác kháng nghị, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Tháng 9-2016, VKSND Cấp cao tại TP.HCM kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm. Theo văn bản kháng nghị, ban đầu Công an huyện Bình Chánh khởi tố, đề nghị truy tố ông Thành về hành vi kinh doanh trái phép 12 tổ máy phát điện nhưng tòa trả hồ sơ vì không đủ căn cứ buộc tội. Sau đó, CQĐT phát hiện ông Thành còn có hành vi mua bán 17 tổ máy phát điện khác. VKS huyện truy tố, TAND huyện xét xử ông Thành về tội kinh doanh trái phép đối với 17 tổ máy phát điện này là vi phạm tố tụng nghiêm trọng vì chưa khởi tố vụ án.

Trong 17 tổ máy phát điện nói trên, có tổ máy ông Thành bán từ tháng 11-2008, tính đến ngày phát hiện đã quá năm năm nhưng VKS, TAND huyện Bình Chánh vẫn truy tố, xét xử là vi phạm thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (năm năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng).

Ngoài ra, tuy hộ kinh doanh của ông Thành không đăng ký ngành nghề mua bán máy phát điện trong giấy phép kinh doanh nhưng Nghị định 102/2010 (hướng dẫn Luật Doanh nghiệp 2005) quy định doanh nghiệp không cần xin phép nếu không thuộc ngành nghề cấm kinh doanh hoặc không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật Đầu tư 2014 cũng quy định doanh nghiệp được phép kinh doanh ngành nghề luật không cấm. Đặc biệt, BLHS 2015 đã bỏ tội kinh doanh trái phép. Hơn nữa, tháng 4-2014, hộ kinh doanh của ông Thành đã được bổ sung ngành nghề kinh doanh mua bán máy phát điện. Do đó, hành vi mua bán 17 tổ máy phát điện của ông Thành không còn bị coi là vi phạm pháp luật hình sự...

Kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm được chấp nhận 100%

Theo Phó Viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP.HCM Nguyễn Thanh Sơn, năm 2016 VKSND Cấp cao tại TP.HCM đã thụ lý phúc thẩm 1.031 vụ án hình sự/1.878 bị cáo, giải quyết được 781 vụ/1.360 bị cáo. Kháng nghị phúc thẩm của Viện được chấp nhận 15/16 vụ. Kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của Viện được chấp nhận 35/35 vụ, đạt 100%.

Năm 2016, Viện cũng thụ lý mới theo trình tự phúc thẩm 1.698 vụ việc dân sự, thương mại, hôn nhân gia đình, hành chính, lao động. Viện cho rằng chất lượng giải quyết án ở cấp sơ thẩm, phúc thẩm ở nhiều nơi còn hạn chế, sai sót dẫn đến tình trạng án bị hủy nhiều...

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm