VKS đề nghị trả hồ sơ vụ kì án buôn gỗ lậu

Trong ngày 8-8, theo uỷ quyền của VKSND Tối Cao, đại diện Viện KSND TP Đà Nẵng) đã bác bỏ tất cả các luận điểm tranh luận của các luật sư và các bị cáo có liên quan đến kì án phiên xử vụ buôn lậu gỗ của Công ty Ngọc Hưng có liên quan đến ba cán bộ Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị và TP Đà Nẵng (như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin).

Đại diện VKSND TP Đà Nẵng cho rằng, trong cáo trạng VKSND tối cao chưa bao giờ nói số gỗ trên không phải là gỗ từ Lào về. Tuy nhiên, số gỗ này không phải mua từ Nhà máy chế biến gỗ nội thất Lào.

Về vấn đề giám định tư pháp của Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật đối với số gỗ nói trên là một trong những tài liệu thu thập được từ C44. Việc thu thập này là hợp pháp và được xem là căn cứ để khởi tố vụ án.

Về cái chết của người có liên quan là ông Trần Đình Quang trong quá trình lấy lời khai mà người nhà nạn nhân cho rằng bị dùng nhục hình, đại diện VKSND TP Đà Nẵng cho hay, theo kết luận điều tra của Bộ Công an thì không có việc dùng nhục hình đối với ông Quang.

Năm bị cáo tiếp tục kêu oan và đề nghị tuyên án trong lần xét xử này. Ảnh: LÊ PHI.

“Chúng tôi cũng chỉ biết căn cứ vào tài liệu kết luận 88 của Bộ Công an chứ không có tài liệu nào khác về cái chết của ông Quang”, đại diện VKSND TP Đà Nẵng nói.

Vị đại diện theo uỷ quyền của VKSND tối cao cũng cho rằng, trị giá lô gỗ được luật sư, bị cáo Trương Huy Liệu cho là 300 tỷ đồng là không có có căn cứ. Bởi tại hồ sơ khai báo nhập khẩu của Công ty Ngọc Hưng là 32 tỷ đồng (được làm tròn số) để nộp thuế. “Cho nên ai đó lập luận bán tháo lô gỗ này và trị giá lô gỗ trên 300 tỷ đồng thì cần phải xem xét lại”, vị đại diện VKS cho hay.

Tại phiên tranh luận chiều 8-8, đại diện VKSND TP Đà Nẵng chỉ thừa nhận là về mặt hình thức cáo trạng này chưa áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo theo Bộ luật Hình sự mới 2015 nên sẽ bổ sung.

Tuy nhiên, về nội dung đề cập tới khung hình phạt thì VKSND tối cao đã áp dụng nguyên tắc này khi mức hình phạt tối đa cho tội danh của ông Trương Huy Liệu phải là 20 năm nhưng chỉ đề nghị 12-14 năm; bà Dung cũng chỉ bị đề nghị 7-8 năm.

Về việc bán vật chứng, VKSND TP Đà Nẵng cho rằng, không nhất thiết trong quá trình xét xử thì tất cả các vụ án đều phải đòi hỏi có vật chứng. Chỉ trong trường hợp những vụ án mà vật chứng là duy nhất, đặc trưng thì mới bắt buộc.

Đại diện VKSND TP Đà Nẵng cũng cho hay, Viện không thể thực hiện được yêu cầu của gia đình ông Quang là trả lại ba bức di thư của ông này sau khi tự vẫn. “Ba bức di thư này không có tại hồ sơ và không có ở đây. Về vấn đề này tôi không biết giải quyết sao”, vị này nói.

Đại diện VKSND TP Đà Nẵng cũng cho hay, có đầy đủ cơ sở, tài liệu để kết luận ông Liệu (phó giám đốc) và bà Dung (Giám đốc Công ty Ngọc Hưng) tạo hồ sơ không đúng sự thật về nhập và xuất số gỗ nói trên với tội danh buôn lậu.

Đại diện VKSND TP Đà Nẵng cũng cho rằng, có đủ cơ sở để truy tố Đỗ Lý Nhi, Lê Xuân Thành (Chi cục Hải quan cảng Cửa Việt, thuộc Cục Hải quan Quảng Trị) và Đỗ Danh Thắng (nguyên chi cục trưởng Chi cục Hải quan cảng Đà Nẵng, thuộc Cục Hải quan TP Đà Nẵng) về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

“Các công chức này đã không làm đúng, làm đủ các quy định của hải quan, không phát hiện được hành vi buôn lậu”, vị này nói.

Đặc biệt, vị đại diện VKSND TP Đà Nẵng đã đề nghị HĐXX xem xét để quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Vì hiện tại hồ sơ còn thiếu nhiều, chưa đầy đủ.

Tuy nhiên, các bị cáo và các luật sư bào chữa đều không chấp nhận các lập luận trên của VKS. Bị cáo Liệu cho hay, việc trước đây bị cáo khai nhận là vì sợ. Khi ở trong trại giam nghe các bạn tù nói nếu không khai sợ không sống sót. Tuy nhiên, sau khi VKSND Tối cao vào và có luật sư thì bị cáo mới dám thay đổi lời khai, kêu oan.

Tại phiên toà, các bị cáo tiếp tục kêu oan và đề nghị tuyên vô tội, không trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Ngày mai, phiên toà tiếp tục diễn ra.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm