VKS đề nghị tòa dùng mọi biện pháp để nhân chứng phải có mặt

Trong phần thủ tục, luật sư Nguyễn Xuân Anh đề nghị ông Hà Văn Thắm ngoài tư cách bị cáo còn có thêm tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Luật sư Nguyễn Minh Tâm (luật sư của Nguyễn Xuân Sơn) đề nghị triệu tập đại diện NHNN để xác định tư cách đại diện phần vốn góp của PVN tại OceanBank của ông Nguyễn Xuân Sơn. Luật sư Tâm cũng đề nghị triệu tập ông Ninh Văn Quỳnh (cựu kế toán trưởng PVN) để làm rõ số tiền ông Quỳnh nhận từ ông Sơn; đề nghị triệu tập đại diện Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ KH&ĐT).
Một luật sư khác của ông Sơn là luật sư Trần Vũ Hải đề nghị triệu tập vợ của bị cáo này là bà Võ Thị Thanh Xuân. Luật sư Hải cũng đề nghị triệu đại diện Bộ Tài chính để xác định trong số hơn 1.500 tỉ đồng OceanBank chi lãi ngoài hợp đồng, PVN có bị thiệt hại không. Ông Hải đề nghị triệu tập đại diện Kiểm toán Nhà nước xác định tài sản là các công nợ của PVN...
Luật sư Đỗ Ngọc Quang cho rằng không cần phải triệu tập ông Ninh Văn Quỳnh vì hành vi của ông Quỳnh đã được xét xử trong một vụ án khác. Cụ thể, vụ án liên quan đến 20 tỉ đồng (ông Quỳnh nhận từ ông Nguyễn Xuân Sơn) đã được đưa ra xét xử, ông Quỳnh bị tuyên phạt 16 năm tù về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa cho rằng có đủ điều kiện để xét xử vắng mặt các bị cáo Phạm Công Danh, Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Viết Hiền. Riêng bị cáo Hứa Thị Phấn, tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo này cũng đã xin xét xử vắng mặt. Sau phiên sơ thẩm, bị cáo đã thể hiện chính kiến bằng việc kháng cáo.
Đại diện VKS cho hay đã nghiên cứu kỹ trường hợp của bà Phấn, đến thời điểm này tình trạng sức khỏe của bị cáo không thể đến phiên tòa, luật sư cũng có đơn xin xét xử vắng mặt. “VKSNDTC thấy có đủ điều kiện xét xử vắng mặt với bị cáo này” - đại diện VKS nêu rõ.

VKS đề nghị tòa dùng mọi biện pháp để nhân chứng phải có mặt ảnh 1
Quang cảnh phiên tòa

Cũng theo đại diện VKS, HĐXX triệu tập rất nhiều, nhân chứng cũng vắng mặt khá nhiều mà không có lý do. VKSND Tối cao đề nghị quá trình xét xử, nếu các nhân chứng tiếp tục vắng mặt thì có thể áp dụng mọi biện pháp, kể cả áp giải, để các nhân chứng này có mặt tại phiên tòa.
HĐXX cho biết phiên tòa dự kiến kéo dài từ 10-12 ngày (trừ ngày nghỉ lễ giỗ Tổ, ngày nghỉ lễ 30-4, 1-5, ngày thứ Bảy, Chủ nhật). “Phiên tòa ngắn hay dài do các luật sư quyết định. Vụ án này, HĐXX có tham vọng theo hướng xét hỏi những nội dung thật cần thiết, dành thật nhiều thời gian cho các luật sư tham gia tranh tụng tại phiên tòa. HĐXX rất muốn lắng nghe quan điểm của các luật sư trong phần đối đáp với đại diện VKS. HĐXX không hạn chế thời gian tranh luận, nếu như chưa tranh luận đến cùng” - ông Phúc nói.
Chủ tọa Ngô Hồng Phúc cũng cho hay trong quá trình xét xử, HĐXX nói riêng và TAND Cấp cao tại Hà Nội đã họp với cơ quan chức năng, với những trường hợp cần thiết phải triệu tập đến phiên tòa, HĐXX sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết để những người này có mặt tại phiên tòa. HĐXX thấy trong quá trình xét hỏi, tranh luận cần thiết có mặt những người này thì HĐXX sẽ tiếp tục triệu tập làm rõ.
HĐXX sau đó cũng đồng ý tất cả các trường hợp đã có đơn cũng như kiến nghị của luật sư xin xét xử vắng mặt.
Xuất hiện điều chưa từng có tiền lệ tại phiên xử Hà Văn Thắm
Xuất hiện điều chưa từng có tiền lệ tại phiên xử Hà Văn Thắm
(PLO)- Chủ tọa phiên tòa cho biết theo quy định mới, với mức hình phạt 20 năm bắt buộc phải có luật sư bào chữa. Vì vậy, ngoài việc các bị cáo mời luật sư, tòa án vẫn chỉ định các luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo. Việc chấp nhận hay không là quyền của các bị cáo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm