Việt kiều Úc phải xin lỗi vì tố cáo sai

TAND TP.HCM vừa xử phúc thẩm vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm giữa ông J. (quốc tịch Úc) và bị đơn là ông N. (Việt kiều Úc). Ông J. yêu cầu tòa buộc ông N. phải xin lỗi, cải chính công khai đối với nội dung vu khống, tố cáo sai sự thật trên báo và bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm và uy tín 100 triệu đồng.

Nguyên đơn muốn xin lỗi tại tòa

Ông J. trình bày năm 2006 ông N. có đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng nói nguyên đơn có các hành vi trốn thuế, rửa tiền, kinh doanh trái phép. Tại tòa phúc thẩm, ông J. rút một phần yêu cầu khởi kiện, chỉ yêu cầu ông N. xin lỗi công khai ngay tại tòa. Các nội dung buộc phải cải chính, công khai xin lỗi trên báo và bồi thường thiệt hại 100 triệu đồng thì ông J. không yêu cầu nữa.

Trả lời HĐXX, ông N. thừa nhận có gửi đơn tố cáo ông J. đến các cơ quan thuế với các hành vi như trên. Tháng 9-2006, Cục Thuế TP.HCM cũng đã gửi công văn đến các cơ quan có trách nhiệm để xử lý thuế đối với ông J. Sau đó, Cục Thuế TP.HCM cũng đã gửi công văn đến phòng An ninh - kinh tế (Công an TP.HCM) với nội dung cơ quan này không đủ khả năng để đánh giá nghi vấn về hoạt động rửa tiền của ông J. tại Việt Nam. Do đó, đơn vị này đã chuyển thông tin để công an nghiên cứu và có giải pháp phối hợp cần thiết.

Cũng theo ông N., tháng 12-2006, ông N. nhận được bản chính công văn của Tổng cục Thuế thông báo giải quyết đơn tố cáo. Tổng cục Thuế nêu: “Đối với với hành vi trốn thuế của ông J., cơ quan thuế đã kiểm tra, xác minh và kết luận có dấu hiệu tội phạm theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam”. Như vậy, cơ quan thuế đã kết luận có hành vi vi phạm nên việc ông tố cáo ông J. là có cơ sở.

Mặt khác, ngày 15-3-2019, Cục Thuế TP.HCM cũng có công văn ghi nhận thông tin của Phòng An ninh - Kinh tế, Công an TP.HCM. Theo đó, sự việc đã xảy ra từ năm 2006, trụ sở của phòng đã di dời nhiều lần, cán bộ xử lý đã nghỉ hưu, vụ việc không còn hồ sơ lưu chứ không phải kết luận những tố cáo sai sự thật. Do đó, ông N. không chấp nhận yêu cầu xin lỗi tại tòa của ông J.

Ông J. - nguyên đơn tại tòa. Ảnh: MV

Viện nói không, tòa buộc xin lỗi

Tại tòa, đại diện VKS cho rằng đây là tranh chấp bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm nên không áp dụng thời hiệu. Tại tòa, do nguyên đơn rút yêu cầu cải chính, xin lỗi công khai và bồi thường nên đề nghị HĐXX đình chỉ xét xử các phần này. Với yêu cầu xin lỗi tại tòa, nguyên đơn không chứng minh được bị đơn có lỗi nên không có cơ sở để chấp nhận, đề nghị HĐXX giữ nguyên bản án sơ thẩm.

HĐXX nhận định tài liệu, chứng cứ mà ông J. gửi cho tòa đều là bản sao của Cục Thuế. Tuy nhiên, những văn bản này đã được Tổng cục Thuế xác nhận nên tòa chấp nhận các tài liệu này được coi là chứng cứ của vụ án.

Với việc ông N. tố cáo ông J., Tổng cục Thuế đã có văn bản xác định không có vi phạm trốn thuế như bị đơn đã tố cáo. Công văn của Tổng cục Thuế cho rằng hành vi của ông J. chỉ có dấu hiệu của tội phạm chứ chưa có kết luận từ cơ quan có thẩm quyền. Việc ông N. căn cứ vào nội dung trả lời trên để tố cáo ông J. có những hành vi như trong đơn khởi kiện là không có cơ sở, không đúng.

Theo HĐXX, căn cứ vào khoản 5 Điều 34 BLDS thì cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài việc yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại. Vì vậy, việc ông J. yêu cầu ông N. phải xin lỗi là có cơ sở. Từ đó, HĐXX không chấp nhận đề nghị của VKS, tuyên buộc ông N. phải xin lỗi ông J. tại cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền vì đã tố cáo không đúng sự thật.

Sơ thẩm: Nguyên đơn thua kiện

Ngày 8-8-2019, TAND quận Thủ Đức xử sơ thẩm vụ án này và tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông J. buộc ông N. phải bồi thường 100 triệu đồng và xin lỗi, cải chính công khai trên báo.

VKS cấp sơ thẩm cho rằng ông J. không xuất trình được chứng cứ chứng minh yêu cầu khởi kiện vì các tài liệu đều là bản phôtô nên không được xem là chứng cứ. Đồng thời, ông J. cũng không chứng minh được hành vi của ông N. đã gây thiệt hại cho mình nên đề nghị HĐXX bác yêu cầu của ông J.

Tòa sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu của ông J. với nhận định khi buộc cá nhân bồi thường thì phải có các yếu tố có hành vi vi phạm pháp luật xảy ra, có thiệt hại xảy ra cũng như xem xét các yếu tố lỗi. Trong khi tài liệu mà nguyên đơn cung cấp cho tòa là bản phôtô và không còn chứng cứ nào khác để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm