Viện Tối cao từ chối tiếp công dân trong trường hợp nào?

Ngày 26-7-2021, VKSND Tối cao ban hành Quyết định số 242 về nội quy tiếp công dân của VKSND Tối cao.

Theo đó, công dân được trình bày ngắn gọn, trung thực sự việc, nói rõ yêu cầu; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung khiếu nại, tố cáo của mình.

Một công chức đang giải quyết thủ tục cho người dân. Ảnh: NN

Người đến khiếu nại, tố cáo không được xuyên tạc, vu khống, kích động, gây rối trật tự, cản trở, xúc phạm uy tín, danh dự của cơ quan Nhà nước, người tiếp công dân, người thi hành công vụ; không được can thiệp, dự, nghe việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người khác.

Đặc biệt, người đến khiếu nại, tố cáo không được tự ý sử dụng phương tiện ghi âm, ghi hình khi chưa được sự cho phép của người chủ trì tiếp công dân. Khi hết giờ làm việc, công dân không được lưu lại khu vực tiếp công dân của VKSND Tối cao.

Về phía người tiếp công dân phải có thái độ đúng mực, tôn trọng công dân, lắng nghe, tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo; có trách nhiệm giữ bí mật họ tên, danh tính, tuổi, địa chỉ,...nếu người đến tố cáo yêu cầu.

Đồng thời, người tiếp công dân có quyền yêu cầu người vi phạm nội quy nơi tiếp công dân chấm dứt hành vi vi phạm. Trong trường hợp cần thiết, tạm thời dừng việc tiếp công dân hoặc lập biên bản về việc vi phạm và đề nghị cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật. 

Cạnh đó, VKSND Tối cao nêu rõ từ chối tiếp công dân trong sáu trường hợp.

Một là công dân trong tình trạng không làm chủ được hành vi của mình do dùng chất kích thích, người đã được cơ quan có thẩm quyền xác định mắc bệnh tâm thần hoặc một số bệnh khác dẫn tới mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật dân sự.

Hai là người có hành vi đe dọa, xúc phạm cơ quan, tổ chức, người tiếp công dân, người thi hành công vụ.

Ba là người khiếu nại, tố cáo về vụ việc đã được giải quyết đúng chính sách, pháp luật; được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thông báo bằng văn bản và đã được tiếp, giải thích, hướng dẫn nhưng vẫn cố tình khiếu nại, tố cáo kéo dài.

Bốn là khiếu nại, kiến nghị, phản ánh thuộc một trong các trường hợp bản án, quyết định tố tụng, hành vi tố tụng bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại (trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 327 Bộ luật Tố tụng dân sự và khoản 2 Điều 256 Luật Tố tụng hành chính); Người đại diện hoặc ủy quyền không hợp pháp; Thời hiệu khiếu nại, thời hạn khiếu nại tiếp đã hết nhưng không có lý do chính đáng.

Năm là lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng để lôi kéo, xúi giục, kích động người khác nhằm gây rối, xuyên tạc nói xấu đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Sáu là những trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Các hành vi bị nghiêm cấm khi tiếp công dân

1. Gây phiền hà, sách nhiễu hoặc cản trở người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

2. Thiếu trách nhiệm trong việc tiếp công dân; làm mất hoặc làm sai lệch thông tin, tài liệu do người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cung cấp.

3. Phân biệt đối xử trong khi tiếp công dân.

4. Nghiêm cấm công dân mang vũ khí, hung khí, chất gây cháy, nổ, chất độc hại, khẩu hiệu hoặc băng rôn và những vật cồng kềnh vào Trụ sở tiếp công dân.

5. Lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh để gây rối trật tự công cộng.

6. Xuyên tạc, vu khống, gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân.

7. Đe dọa, xúc phạm cơ quan, tổ chức, đơn vị, người tiếp công dân, người thi hành công vụ.

8. Kích động, cưỡng ép, dụ dỗ, lôi kéo, mua chuộc người khác tập trung đông người tại nơi tiếp công dân.

9. Vi phạm các quy định khác trong nội quy, quy chế tiếp công dân.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm