Viện kiểm sát Quân khu 1 nói về vụ 3 mẹ con 30 năm kêu oan

Báo pháp Luật TP.HCM từng phản ánh vụ cụ Nguyễn Thị May (83 tuổi, trú phường Tân Giang, TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng) hơn 30 năm ròng rã đi kêu oan vì ba mẹ con cụ bị khởi tố, bắt tạm giam về tội giết người. Viện kiểm sát quân sự (VKSQS) Quân khu 1, nơi thụ lý vụ án, có văn bản xác nhận việc ba mẹ con cụ May bị oan nhưng đồng thời cũng cho rằng không có căn cứ để bồi thường. 
Để tìm hiểu rõ vụ việc, ngày 12-1, PV trao đổi với đại diện VKSQS Quân khu 1.
Lý do VKS không bồi thường
Theo Trung tá Bàn Tuấn Bắc, kiểm sát viên trung cấp, VKSQS Quân khu 1, vụ án liên quan đến mẹ con cụ May xảy ra cách đây đã hơn 30 năm. Thời điểm xác định không phạm tội, cơ quan tố tụng đã có đầy đủ các quyết định, thủ tục để phục hồi quyền lợi cho ba mẹ con cụ May. Cụ thể là quyết định đình chỉ ba bị can vào tháng 3-1991. “Hiện tại, do vụ án mới chỉ tạm đình chỉ, hồ sơ tại VKSQS Quân khu 1 vẫn còn lưu trữ đầy đủ các quyết định trên” - Trung tá Bắc nói.
Cũng theo ông Bắc, sau khi nhận được đơn khiếu nại của cụ May, VKSQS Quân khu 1 đã xác minh, thấy rằng suốt 30 năm nay, ba công dân được địa phương, cơ quan nơi công tác cho hưởng mọi quyền lợi và chế độ, không bị ảnh hưởng gì. Vì vậy, cơ quan không có căn cứ để giải quyết bồi thường thiệt hại.
Ông Bắc dẫn lại văn bản của VKSQS Quân khu 1 trả lời gia đình cụ May, trong đó nhận định thời gian công tác của cụ tại Phòng Xây dựng nhà đất thị xã Cao Bằng là 15 năm năm tháng, kể từ tháng 7-1977 đến tháng 11-1992 (không bị trừ thời gian tạm giữ và tạm giam) và hiện cụ vẫn được hưởng chế độ mất sức lao động 61%.
Cạnh đó, lý lịch tư pháp của ba mẹ con cụ May không có tiền án, tiền sự gì liên quan đến vụ án trên. Cả ba người cũng không bị hạn chế bất cứ quyền công dân nào, vẫn được hưởng mọi quyền lợi và nghĩa vụ như người khác. Ngoài ra, từ khi ra quyết định đình chỉ bị can cho đến tháng 4-2020, VKSQS Quân khu 1 không nhận được đơn thư nào của gia đình cụ May hoặc các đơn thư khác có liên quan đến vụ án.
Từ những căn cứ này, đại diện VKSQS Quân khu 1 kết luận không có căn cứ để giải quyết đơn yêu cầu của cụ May vì đã hết thời hiệu yêu cầu bồi thường.

Cụ Nguyễn Thị May đã 83 tuổi, kêu oan suốt 30 năm qua. Ảnh: TUYẾN PHAN

Cũng không xin lỗi

Vấn đề quan trọng trong vụ án là cụ May và hai con có nhận được quyết định đình chỉ bị can hay không, vì VKSQS Quân khu 1 cho rằng đã giao tận tay ba mẹ con cụ. Trong khi phía gia đình cụ May khẳng định chưa nhận được nên mới ròng rã đi kêu oan suốt hơn 30 năm nay.
VKSQS Quân khu 1 cho rằng dù quyết định đình chỉ bị can không có phần nơi nhận nhưng tại điều 2 có ghi: “Giao cho Trần Ngọc Hùng, Nguyễn Thị May, Trần Thị Nga mỗi người một bản để đảm bảo mọi quyền lợi và nghĩa vụ của công dân”. 
Theo VKSQS Quân khu 1, quyết định đình chỉ này còn được gửi đến VKSND tỉnh Cao Bằng, Phòng Xây dựng nhà đất thị xã Cao Bằng (nơi cụ May công tác) và UBND phường nơi ba mẹ con cụ sinh sống. 
Tuy nhiên, thực tế đến nay, các đơn vị này đều không còn lưu trữ hoặc không tìm thấy hồ sơ, tài liệu liên quan đến vụ án. Vì thế, PV đặt vấn đề liệu có xảy ra tình huống các quyết định đình chỉ bị can không được gửi tới ba mẹ con cụ May và các cơ quan trên?
Trung tá Bắc đáp: Các cơ quan chỉ là nơi nhận, có trách nhiệm phối hợp nên không thể yêu cầu họ lưu trữ hồ sơ mãi mãi được, “10 năm sau họ hủy cũng là chuyện bình thường”. Cùng với đó, quyết định đã ghi rõ phải giao cho từng bị can. Thực tế, văn bản gốc vẫn tồn tại và lưu trữ suốt 30 năm nay tại VKSQS Quân khu 1. Việc cụ May cho rằng không nhận được các quyết định đình chỉ bị can là ý kiến của gia đình, còn cơ quan chức năng có đủ tài liệu để khẳng định đã thực hiện đầy đủ các thủ tục cần thiết.
Ngoài yêu cầu bồi thường thiệt hại, PV đặt câu hỏi về việc VKSQS Quân khu 1 có tổ chức xin lỗi phục hồi danh dự cho ba mẹ con cụ May vì thực tế là họ bị oan. Vấn đề này Trung tá Bắc cũng cho rằng không có căn cứ để giải quyết.
Ông Bắc nói: “Danh dự phải là những người có công việc bị ảnh hưởng, chứ còn một công dân bình thường họ đang đi làm và vẫn tiếp tục quay lại đi làm nên không coi là bị ảnh hưởng về danh dự. Hoặc ảnh hưởng mất chức vụ hoặc không được hưởng các chế độ nhà nước nữa thì lúc đó mới xin lỗi. Còn ở đây, suốt 30 năm họ vẫn được hưởng các chế độ…”.
Chúng tôi sẽ tiếp tục phân tích vụ việc qua ý kiến của chuyên gia pháp lý trong số báo tới.

 Thành kẻ giết người vì cho nạn nhân ngủ nhờ

Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, tối 7-2-1988, do quen biết với gia đình cụ May nên Thượng úy Lê Danh Tân (công tác tại Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Cao Bằng) trên đường trả phép đã ghé nhà cụ ngủ nhờ để sáng hôm sau vào đơn vị. Khoảng 4 giờ sáng, cụ May nghe tiếng động lạ từ khu vực chuồng heo và phát hiện anh Tân đang nằm dưới hố phân heo nên đưa đi bệnh viện. 

Tháng 3-1988, VKSQS tỉnh Cao Bằng, nay là VKSQS Quân khu 1, khởi tố ông Trần Ngọc Hùng (con trai cụ May), hai tháng sau khởi tố cụ May và con gái cụ là bà Trần Thị Nga, cùng về tội giết người. Tháng 3-1990, cơ quan này ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vì hết thời hạn. Sau đó, các cơ quan tố tụng thống nhất: Các chứng cứ cơ quan điều tra thu thập được không đủ để chứng minh hành vi phạm tội của ba mẹ con cụ May.

Ngày 4-3-1991, VKSQS Quân khu 1 đình chỉ bị can đối với ba người, cụ May được trả tự do sau khi bị tạm giam năm tháng, ông Hùng 22 tháng và bà Nga hai tháng. Kể từ đó, do không nhận được giấy tờ của cơ quan có thẩm quyền thể hiện mình không phạm tội, cụ May đã gửi đơn khắp nơi kêu oan và yêu cầu bồi thường. Mãi đến tháng 5-2020, VKSQS Quân khu 1 trả lời đơn theo hướng không có căn cứ để giải quyết. Cụ May khiếu nại nhưng cơ quan này vẫn bảo lưu quan điểm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm