Viện kiểm sát kiến nghị nhiều vấn đề quan trọng

Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí vừa có báo cáo gửi Quốc hội về công tác của ngành năm 2020.

Báo cáo cho hay năm 2020, thông qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp và hoạt động điều tra tội phạm, ngành kiểm sát đã phát hiện nhiều vi phạm pháp luật, một số trường hợp đặc biệt nghiêm trọng.

Kiến nghị Quốc hội, Thủ tướng nhiều vấn đề

Theo đó, ngành kiểm sát đã ban hành hơn 14.700 kháng nghị, kiến nghị yêu cầu cơ quan tư pháp, cơ quan hữu quan khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật và phòng ngừa tội phạm (tăng 2,3%).

VKSND Tối cao đã tổng hợp, ban hành sáu kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng, bộ trưởng Bộ Công an, Bộ Y tế…, kiến nghị các cơ quan này chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật, tội phạm. “Các kiến nghị, kháng nghị của VKS đều bảo đảm căn cứ xác đáng nên đa số đã được tiếp thu, thực hiện nghiêm” - báo cáo nêu rõ.

Cụ thể, số kiến nghị được các cơ quan tư pháp, cơ quan hữu quan chấp nhận, tiếp thu thực hiện đạt tỉ lệ xấp xỉ 97% (tăng 1,8%), vượt 6,9% so với chỉ tiêu nghị quyết của Quốc hội giao.

Kiểm sát viên tranh luận trong một phiên tòa hình sự tại Bình Phước. Ảnh: HOÀNG GIANG

Gần 100% kiến nghị, kháng nghị được chấp nhận

Báo cáo của viện trưởng VKSND Tối cao nêu rõ năm 2020, cơ quan điều tra (CQĐT) còn để xảy ra những vi phạm pháp luật trong hoạt động khởi tố, điều tra vụ án hình sự. Các vi phạm điển hình được liệt kê như không thụ lý hoặc thụ lý giải quyết không đúng thẩm quyền; chậm gửi quyết định giải quyết cho VKS; vi phạm thời hạn giải quyết; tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm không đúng pháp luật, vi phạm thời hạn điều tra...

Ngoài ra, một số trường hợp vi phạm pháp luật trong việc thu thập, bảo quản và xử lý vật chứng; vi phạm về trình tự, thủ tục tạm giữ, tạm giam; một số trường hợp vi phạm trong quản lý dẫn đến người bị tạm giữ, tạm giam trốn, tự sát, phạm tội mới…

VKS đã ban hành hơn 4.540 kiến nghị, kháng nghị yêu cầu CQĐT, cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật và đã được chấp nhận, tiếp thu 4.530 kiến nghị, kháng nghị (đạt tỉ lệ 99,7%).

Đối với hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, toàn ngành kiểm sát đã ban hành hơn 2.220 thông báo chỉ rõ những hạn chế, thiếu sót và những vi phạm trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp.

Nhiều bản án, quyết định có vi phạm, sai sót

Liên quan đến hoạt động xét xử, báo cáo của VKSND Tối cao cho rằng một số tòa án còn để xảy ra những vi phạm về thời hạn chuẩn bị xét xử, hoãn phiên tòa, gửi bản án, quyết định, thông báo thụ lý vụ, việc dân sự và chuyển hồ sơ; vi phạm trong việc thụ lý đơn khởi kiện, yêu cầu; nhiều bản án, quyết định có vi phạm, sai sót...

Ngành kiểm sát đã ban hành hơn 5.750 kiến nghị, kháng nghị yêu cầu tòa án khắc phục (tăng 11%). Tòa án đã chấp nhận hơn 4.780 kiến nghị, kháng nghị, đạt tỉ lệ hơn 83%. 

Nhiều vi phạm trong thi hành án hình sự

Cũng theo báo cáo của viện trưởng VKSND Tối cao, cơ quan thi hành án hình sự (THAHS) còn để xảy ra “nhiều vi phạm pháp luật trong quá trình THAHS”. Các vi phạm chủ yếu được chỉ ra gồm: vi phạm thời hạn chuyển giao bản án, quyết định về THA; vi phạm thời hạn ra quyết định THA. “Cá biệt, có trường hợp tòa án ra quyết định THA phạt tù khi phần bản án chưa có hiệu lực pháp luật” - báo cáo nêu rõ.

Cạnh đó, nhiều bản án, quyết định về THA có sai sót về nội dung, không ghi đầy đủ thông tin theo quy định hoặc sai thông tin của người bị kết án; áp dụng căn cứ pháp lý đã hết hiệu lực pháp luật để ban hành các quyết định về THA; quyết định hoãn, tạm đình chỉ THA phạt tù cho người bị kết án không đúng đối tượng, thời hạn…

Đáng lưu ý, một số địa phương do sai sót trong khâu THA nên tòa án không ra quyết định THA, không yêu cầu áp giải đi THA, đến khi phát hiện thì người bị kết án được hưởng thời hiệu THA.

Tại một số địa phương, công tác quản lý còn sơ hở, thiếu sót để phạm nhân chết, trốn hoặc phạm tội mới, còn để xảy ra việc phạm nhân đánh nhau, cất giấu, tàng trữ, sử dụng vật cấm…

VKS đã ban hành hơn 2.700 kiến nghị, kháng nghị yêu cầu khắc phục, xử lý, phòng ngừa và được các cơ quan tố tụng chấp nhận đạt tỉ lệ 99,5%.

Đối với công tác thi hành án dân sự (THADS), báo cáo cho rằng nhiều đơn vị để xảy ra vi phạm trong việc xử lý tài sản, vật chứng, thu, quản lý và xử lý tiền, tài sản THA, hoãn, cưỡng chế THA, ủy thác và nhận ủy thác THA...

VKS đã ban hành hơn 1.400 kiến nghị, kháng nghị yêu cầu khắc phục vi phạm; cơ quan THADS đã chấp nhận thực hiện đạt tỉ lệ 95,9%.

Nhiều cán bộ tố tụng bị khởi tố

- Liên quan đến hoạt động của CQĐT, CQĐT VKSND Tối cao đã quyết định khởi tố 13 vụ/6 bị can là cán bộ ngành công an. Trong đó, có 2 vụ/2 bị can bị khởi tố về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; 3 vụ/2 bị can về tội nhận hối lộ; 3 vụ/1 bị can về tội thiếu trách nhiệm để người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù trốn và một vụ về tội dùng nhục hình; 2 vụ/1 bị can về tội làm sai lệch hồ sơ vụ án; một vụ về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và một vụ án về tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức.

- CQĐT VKSND Tối cao đã phát hiện, khởi tố 1 vụ/1 bị can là kiểm sát viên về tội nhận hối lộ để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

- Đối với hoạt động xét xử, CQĐT VKSND Tối cao đã khởi tố năm bị can về các tội: Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và nhận hối lộ.

- Trong công tác THADS, CQĐT VKSND Tối cao đã khởi tố 3 vụ/4 bị can về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và tham ô tài sản. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm