Viện cấp cao tại Đà Nẵng đón huân chương Lao động hạng Nhất

Năm 2019, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng (Viện cấp cao 2) đã thụ lý tổng số 1.217 vụ án các loại, tăng 43 vụ so với năm 2018. Trong đó, án phúc thẩm thụ lý tăng 146 vụ, án giám đốc thẩm, tái thẩm giảm 103 vụ.

Tổng số án đã giải quyết là 1.087 vụ, đạt tỉ lệ 89,31%, tăng 5,41%. 

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, ông Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND Tối cao, đã trao tặng huân chương Lao động hạng Nhất cho lãnh đạo VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng. Ảnh: T.AN

Trong năm qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của tập thể lãnh đạo Viện cấp cao 2 tiếp tục được tăng cường, đoàn kết và đổi mới theo hướng phân công, phân nhiệm rõ ràng, đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện.

Việc thụ lý, nghiên cứu lập hồ sơ kiểm sát các loại án luôn được chú trọng, đảm bảo đúng thời hạn luật định và nâng cao về chất lượng, phục vụ tốt cho công tác xét xử. Tỉ lệ nghiên cứu, lập hồ sơ kiểm sát và giải quyết các loại án, hồ sơ đơn đạt 94,77%. 

Viện cấp cao 2 đã phối hợp chặt chẽ với Tòa Cấp cao nâng tỉ lệ giải quyết các loại án đạt 91,37%. Các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban chỉ đạo Trung ương, án dư luận quan tâm, lãnh đạo Viện cấp cao 2 đều trực tiếp chỉ đạo.

KSV tham gia phiên tòa đều là những người có kinh nghiệm, bản lĩnh, có sự nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng. Do đó, quan điểm giải quyết luôn bảo đảm có căn cứ, tranh tụng công khai đến cùng và có sức thuyết phục. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, số lượng, chất lượng kháng nghị trong một số lĩnh vực còn chưa đạt so với kế hoạch và chỉ tiêu đề ra.

Chia sẻ về những khó khăn, lãnh đạo Viện cấp cao 2 cho biết số lượng các báo cáo đề nghị viện trưởng VKSND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm đối với các bản án, quyết định của Tòa Cấp cao là rất lớn. Trong đó, nhiều vụ án Viện cấp cao 2 kháng nghị nhưng Tòa Cấp cao không chấp nhận vì cho rằng không có căn cứ.

Tuy nhiên, việc các đơn vị nghiệp vụ VKSND Tối cao chậm trả lời kết quả đã ảnh hưởng phần nào đến việc đánh giá chất lượng kháng nghị của Viện cấp cao 2 theo hệ thống chỉ tiêu nghiệp vụ của ngành.

Ngoài ra, hiện tại việc đưa ra tỉ lệ rút kháng nghị của VKSND Cấp cao đối với các kháng nghị phúc thẩm của VKSND cấp tỉnh trong lĩnh vực hình sự, trong hệ thống chỉ tiêu nghiệp vụ cơ bản là không hợp lý.

Bởi sau khi kháng nghị trong quá trình thụ lý, giải quyết án theo thủ tục phúc thẩm nếu như phát sinh tình tiết mới như bị cáo bồi thường, khắc phục hậu quả hoặc người bị hại đề nghị giảm hình phạt đối với bị cáo, rút yêu cầu khởi tố… Trong khi kháng nghị lại đề nghị theo hướng tăng hình phạt đối với bị cáo thì hiển nhiên kháng nghị sẽ không có căn cứ và tòa không chấp nhận. Do đó, VKSND Cấp cao phải rút kháng nghị đối với bị cáo.

Như vậy, không thể quy trách nhiệm của VKSND Cấp cao trong trường hợp rút kháng nghị đúng. Ngoài ra, việc tính tỉ lệ chấp nhận kháng nghị trong lĩnh vực hình sự bằng số bị cáo như hiện nay là không phù hợp mà phải thay đổi bằng số kháng nghị chấp nhận trên số kháng nghị được đưa ra xét xử...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm