Vì sao tòa trả hồ sơ vụ sai phạm ở Agribank Cần Thơ?

Trong quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, tòa nêu tám vấn đề phải làm rõ, trong đó có hai nội dung đáng chú ý là trách nhiệm của Công ty TNHH thẩm định giá Hoàng Quân và tội danh của Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân (giám đốc Công ty TNHH MTV Nông thủy sản Tây Nam).

Xem xét trách nhiệm công ty thẩm định giá

 Tòa cho rằng hồ sơ thể hiện Công ty Hoàng Quân có hợp đồng với người đi vay thực hiện việc thẩm định giá trị tài sản thế chấp để đảm bảo khoản vay. Quan điểm Agribank Việt Nam là căn cứ vào kết quả của chứng thư thẩm định do Công ty Hoàng Quân cung cấp cho ngân hàng thể hiện người đi vay có đủ điều kiện đảm bảo khoản vay, việc nâng khống giá trị so với thực tế không do phía ngân hàng thực hiện.

Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân khi bị bắt

Tại các biên bản ghi lời khai, giám đốc và các định giá viên của Công ty Hoàng Quân giải thích lý do biết việc nâng khống giá trị tài sản thẩm định là không đúng giá trị thực tế nhưng vì muốn tăng thu nhập cho công ty nên vẫn thực hiện. Do phải cần thiết phải trả hồ sơ điều tra bổ sung về mục đích, động cơ thực hiện hành vi, giá trị lợi ích cá nhân mà Công ty Hoàng Quân nhận được từ các lần thẩm định giá trị tài sản cho người đi vay. Từ đó có cơ sở đánh giá có hay không tính đồng phạm của hành vi gian dối mà phía người đi vay đã thực hiện để làm căn cứ xem xét trách nhiệm pháp luật của cá nhân và Công ty Hoàng Quân, buộc giao trả lợi ích đã nhận từ hành vi vi phạm.

Có yếu tố cấu thành tội lừa đảo

Về tội danh của Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân, tòa cho rằng khi nhận cáo trạng Nhân cho rằng bản thân là người đi vay, không làm việc và công ty không liên quan đến lĩnh vực tín dụng ngân hàng do đó không thể bị truy tố theo Điều 179 BLHS. Tại văn bản của Agribank Việt nam nêu hợp đồng thẩm định giá do khách hàng ký với Công ty Hoàng Quân, không phải do Agribank Cần Thơ ký.

Qua nghiên cứu đánh giá các chứng cứ trong vụ án, so sánh với cấu thành cơ bản tại Điều 179 BLHS 1999 và Điều 206 BLHS 2015 và các luận điểm của Agribank Việt Nam thì hành vi nâng khống giá trị tài sản thế chấp, làm giả các hợp đồng mua bán cá tra, làm giả các tài liệu khác trong hồ sơ đề nghị vay vốn không phải do Agribank Cần Thơ thực hiện mà do người đi vay thực hiện. Luận điểm này phù hợp với ý thức chủ quan của bị cáo Nhân xác định bản thân là người đi vay.

Do vậy hành vi của Nhân theo kết luận điều tra và cáo trạng quy kết là chỉ đạo nâng khống giá trị tài sản hình thành trong tương lai (sử dụng 15 hóa đơn GTGT của Công ty QBI xây dựng công trình nhà ở tại KDC 91B, hai hóa đơn GTGT của Công ty Tân Tiến nâng khống giá trị hệ thống kho lạnh, thiết bị cấp đông). Liên hệ với Công ty Hoàng Quân ra chứng thư nâng khống giá trị tài sản đảm bảo, chỉ đạo lập giả các hợp đồng kinh tế mua bán cá tra, lập giả các tài liệu kế hoạch sản xuất kinh doanh, sử dụng tiền vay không đúng mục đích khi ký kết hợp đồng tín dụng (trong đó có sử dụng cho mục đích cá nhân) dẫn đến mất khả năng thanh toán.

Hành vi này có yếu tố cấu thành của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thuộc tình tiết định khung tăng nặng tại điểm a khoản 4 Điều 139 BLHS có mức hình phạt từ 12 đến 20 năm hoặc tù chung thân, khung hình phạt này cao hơn khung hình phạt của tội danh mà Nhân đang bị truy tố.

Đối với lý lẽ cho rằng mọi hành vi vi phạm của Nhân thực hiện thì lãnh đạo và nhân viên Agribank Cần Thơ đều biết, thậm chí còn hướng dẫn cho nhân viên của Nhân thực hiện để hoàn tất hồ sơ gửi về Agribank Việt Nam phê duyệt là không lừa đảo Agribank Cần Thơ thì bị cáo Nhân không phạm tội lừa đảo trong vụ án này là chưa thuyết phục.

Theo tòa, nguyên đơn dân sự trong vụ án này là Agribank Việt Nam chứ không phải Agribank Cần Thơ do số tiền vay lớn thuộc thẩm quyền phê duyệt của Agribank Việt Nam ngoài ra còn có các khoản vay khác. Agribank Việt nam là ngân hàng 100% vốn Nhà nước nên hành vi chiếm đoạt hướng tới gây thiệt hại cho sở hữu toàn dân chứ không phải sở hữu của tập thể, cá nhân trong hệ thống Agribank. Do đó lãnh đạo, cán bộ hay nhân viên của hệ thống Agribank có biết được hành vi gian dối của bị can Nhân thì cũng không được xem là có sự đồng tình của chủ sở hữu khi thực hiện hoạt động tín dụng với Nhân.

Tùy mức độ hiểu biết, tham gia thực hiện hành vi của các lãnh đạo, cán bộ, nhân viên thuộc Agribank và những người khác tham gia theo chỉ đạo của Nhân mà xử lý hình sự tương ứng, trừ trường hợp có chứng cứ chứng minh tính đồng phạm của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản vì động cơ vụ lợi.

Từ phân tích trên, tòa yêu cầu điều tra bổ sung làm rõ các yếu tố điều kiện về chủ thể trong cấu thành tội phạm đối với tội danh truy tố thông qua xác định về mặt chủ quan của tội phạm về mục đích, động cơ thực hiện hành vi bị truy tố cụ thể đối với từng nhóm bị cáo và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan làm cơ sở xác định chính xác tội danh của bị cáo Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân khi đưa vụ án ra xét xử.

Công ty TNHH MTV Nông thủy sản Tây Nam với nhà xưởng ở Hậu Giang

Trước đó, đầu tháng 11-2017, VKSND TP Cần Thơ có cáo trạng đề nghị truy tố 6 bị can, gồm: Lê Thanh Hải (nguyên Giám đốc Agribank Cần Thơ); Trần Huy Liệu (nguyên Phó Giám đốc Agribank Cần Thơ); Bùi Tuấn Anh (nguyên Trưởng phòng tín dụng Agribank Cần Thơ); Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân (Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông thủy sản Tây Nam); Phạm Tường Thi (Giám đốc Công ty TNHH Tân Tiến); Nguyễn Văn Đạt (nhân viên Công ty TNHH Tân Tiến) cùng về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Theo  cáo trạng, từ năm 2006 đến 2013, Đạt Nhân thành lập nhiều công ty, doanh nghiệp đăng ký hoạt động nhiều ngành nghề; riêng Công ty TNHH MTV Nông thủy sản Tây Nam, Nhân làm giám đốc. Nhân chỉ định nhân viên đứng tên các công ty rồi chỉ đạo thống nhất mọi hoạt động để vay vốn ngân hàng, sau đó sử dụng tiền vào các mục đích khác nhau. Trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội, Nhân, Hải, Huy Liệu bàn bạc, thống nhất, lợi dụng các qui định pháp luật để thực hiện cấp tín dụng trái quy định, không đảm bảo các quy định về an toàn tín dụng nhằm phục vụ lợi ích cá nhân…

Cáo trạng xác định đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, thủ đoạn tinh vi, chuyên nghiệp, xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế được pháp luật quy định và bảo vệ. Theo cáo trạng,  các bị can câu kết gây thiệt hại cho ngân hàng số tiền trên 393 tỉ đồng, nhiều hơn khoảng 102 tỉ đồng so với mức thiệt hại là 292 tỉ đồng như kết luận điều tra của Công an TP Cần Thơ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm