Vì sao chưa thể kết án vụ cháu sát hại bà ngoại?

Mới đây, VKS tỉnh Bình Phước lại trả hồ sơ cho cơ quan điều tra (CQĐT) vụ án Điểu Phong (SN 1990, ngụ tỉnh Bình Phước) bị cho là người sát hại bà ngoại. 

Sau khi điều tra lại CQĐT vẫn kết luận Phong chính là hung thủ vụ án và chuyển hồ sơ qua VKS đề nghị truy tố Điểu Phong tội giết người với hai tình tiết tăng nặng là giết ông bà cha mẹ và có tính chất côn đồ.

Tuy nhiên, VKS cho rằng vụ án còn nhiều điểm chưa được làm rõ. Từ đó VKS yêu cầu CQĐT điều tra làm rõ để tránh oan sai. Như vậy tính đến nay vụ án đã trải qua tám năm các cơ quan tố tụng vẫn chưa thể kết được vụ án mà quay lại điểm xuất phát.

Điểu Phong tại phiên phúc thẩm lần hai.

Tham gia vụ án từ sau khi tòa phúc thẩm hủy án lần thứ hai từ năm 2017, luật sư cho rằng quá trình điều tra lại CQĐT không làm mới được hồ sơ, chứng cứ để buộc tội bị cáo là không có.

Theo hồ sơ truy tố ban đầu, chiều 9-10-2011, sau khi có rượu, Điểu Phong tiếp tục rủ Điểu Vũng, Điểu Hạnh đến nhà bà ngoại là Thị Kép (SN 1940) tại Sóc Bưng, xã Thanh Phú, thị xã Bình Long để nhậu tiếp. Tại đây, lúc này bàn nhậu còn có Điểu Sớm, Điểu Thơm, Điểu Ngưu. 

Đến khoảng 17g30 cùng ngày, cả nhóm nghỉ nhậu đi về, chỉ còn Điểu Sớm, Điểu Phong ở lại. Một lúc sau, bà Kép đi mót mủ cao su về thì thấy Phong ói ra nhà nên chửi Phong. Bị bà ngoại chửi, Phong sang nhà Điểu Chúc ngủ cùng Điểu Thơm.

Đến khoảng 4g sáng hôm sau, Phong xuống nhà bếp Điểu Chúc lấy nước uống thì thấy con dao nên nảy sinh ý định giết bà Kép. Phong liền cầm dao đi sang nhà bà Kép thì thấy bà ngoại từ trong nhà đi ra. Phong liền tiến tới từ phía sau giữ lấy bà Kép, sau đó dùng dao đâm bà ngoại nhiều nhát tử vong...

Đầu năm 2013, xử sơ thẩm lần đầu TAND tỉnh Bình Phước tuyên phạt Điểu Phong tù chung thân về tội giết người. Sau đó, bị cáo và đại diện gia đình bị hại kháng cáo kêu oan. Tháng 6-2013, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM xử phúc thẩm và hủy toàn bộ bản án sơ thẩm. Theo HĐXX, vụ án này phạm tội không quả tang, xảy ra trong nội bộ gia đình, bị cáo và nhân chứng... đều là người dân tộc.

Chứng cứ duy nhất là lời khai Sớm nhìn thấy vụ việc xảy ra và lời nhận tội của Phong trong quá trình điều tra. Ngoài ra không có chứng cứ trực tiếp, chứng cứ vật chứng nào để quy kết vững chắc. Ban đầu Phong không nhận tội sau đó lại xin gặp trưởng trại để khai nhận tội, đến khi xét xử lại kêu oan.

Gia đình bị cáo cũng đồng loạt kêu oan cho bị cáo. Giai đoạn điều tra có thu giữ con dao cho nhận dạng nhưng lại không tiến hành trưng cầu giám định cơ chế hình thành vết thương xem có phù hợp với thương tích trên người nạn nhân không...

Sau đó, VKS tỉnh lại tiếp tục truy tố Phong giết người và TAND tỉnh xử sơ thẩm lần hai y mức án như trước. Bị cáo Phong tiếp tục kêu oan. Cuối năm 2017, TAND Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm lần hai lại tiếp tục hủy án vì vụ án vẫn còn nhiều điểm không thể làm rõ.

Vì Điểu Phong kêu oan, cho rằng mình bị nhục hình nên mới khai nhận chứ không có giết bà Kép. Đại diện gia đình bị hại cũng là mẹ bị cáo cho rằng hai bà cháu không có mâu thuẫn, lời khai trước sau bất nhất không có cơ sở chứng minh Phong giết bà.

Nhận định sơ thẩm có nhiều mâu thuẫn chưa được làm rõ như lời khai nhận tội ban đầu của bị cáo thể hiện bị cáo chỉ đâm nạn nhân ba nhát nhưng biên bản khám nghiệm tử thi thể hiện nạn nhân có đến tám vết thương; về con dao gây án có lúc bị cáo khai lấy ở nhà Điểu Chúc nhưng có lúc khai lấy tại nhà bà Kép. Lời khai của các nhân chứng và bị cáo tại tòa mâu thuẫn với bản án sơ thẩm. Vụ án vi phạm thủ tục tố tụng nghiêm trọng: Bị cáo là người dân tộc thiểu số nhưng không có người phiên dịch khi lấy lời khai, luật sư của bị cáo không được theo suốt giai đoạn đầu tố tụng, lấy lời khai bị cáo vào ban đêm... Từ đó, HĐXX tiếp tục hủy án sơ thẩm...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm