Út ‘trọc’ nói mua bằng giả vì dân trí thấp

Ngày 30-7, tại Tòa án Quân sự Quân khu Thủ đô, Tòa án Quân sự Quân khu 7 xử sơ thẩm vụ Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”, cựu phó tổng giám đốc (TGĐ) Tổng Công ty Thái Sơn) cùng các đồng phạm về ba tội: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ; sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Cầm cố xe biển đỏ, biển xanh 80A

Ngoài Út “trọc”, bốn bị can khác ra tòa gồm: Trần Văn Lâm (cựu TGĐ điều hành Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn, Bộ Quốc phòng), Trần Xuân Sơn (cựu giám đốc chi nhánh tại Bình Dương Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn, Bộ Quốc phòng), Bùi Văn Tiệp (cựu sư đoàn trưởng Sư đoàn 367, Quân chủng Phòng không-Không quân) và Phùng Danh Thắm (cựu chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng).

Cáo trạng do VKS công bố thể hiện, biết Tổng Công ty Thái Sơn có chủ trương mở rộng thị trường kinh doanh, Đinh Ngọc Hệ đã trao đổi với trưởng phòng kế hoạch đầu tư đề nghị ban TGĐ cho thành lập pháp nhân mới do Tổng Công ty Thái Sơn và một số cá nhân góp vốn theo hình thức công ty mẹ-con.

Tháng 9-2009, pháp nhân mới ra đời là Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn, đến tháng 9-2011 đổi tên thành Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn, Bộ Quốc Phòng (gọi tắt là Công ty Thái Sơn - PV) do Đinh Ngọc Hệ là chủ tịch HĐQT. Từ tháng 3-2013 đến khi bị bắt, bị cáo Hệ là người đại diện theo pháp luật, TGĐ công ty.

Tháng 11-2012, Tổng Công ty Thái Sơn quyết định rút 31% vốn cổ phần, đến tháng 10-2017 rút nốt 20% còn lại tại Công ty Thái Sơn. Từ năm 2011đến 2016, lợi dụng chức vụ chủ tịch HĐQT và TGĐ, Đinh Ngọc Hệ đã báo cáo không trung thực về hoạt động của công ty, mạo nhận chức năng, nhiệm vụ phục vụ kinh tế quốc phòng để xin được thi công các dự án, công trình trọng điểm quốc gia.

Bị cáo Út “trọc” tại tòa. Ảnh: TTXVN

Đặc biệt, thông qua ban TGĐ Tổng Công ty Thái Sơn, bị cáo Hệ đã đề nghị các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cho mua bằng vốn tự có và đăng ký sử dụng ô tô biển quân sự, ô tô biển xanh 80A, trong đó có nhiều xe chỉ huy có giá trị lớn.

Bị cáo đã trực tiếp hoặc chỉ đạo Trần Văn Lâm ký các hợp đồng thế chấp 29/38 xe biển quân sự, biển xanh 80A cho các ngân hàng; cho thuê ba xe biển quân sự, hai xe biển xanh 80A, thu được hơn 6 tỉ đồng. Ngoài ra, bị cáo còn giao xe biển quân sự, xe biển xanh 80A cho nhiều đối tượng ngoài xã hội sử dụng trái quy định.

Cáo trạng xác định trừ hai xe được sử dụng theo tiêu chuẩn, một xe điều về Tổng Công ty Thái Sơn và năm xe rơmoóc sử dụng đúng mục đích phục vụ sản xuất, kinh doanh thì việc đăng ký, sau đó cho thuê, thế chấp xe biển quân sự, biển xanh 80A nhưng không phải nộp thuế trước bạ là hơn 3 tỉ đồng.

Hợp thức hơn 20.000 lít xăng kém chất lượng

Cuối năm 2012, Công ty Thái Sơn ký hợp đồng hợp tác kinh doanh, thực chất là thuê đất của Lữ đoàn 434, Quân đoàn 4 để cho Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà thuê lại kinh doanh xăng dầu. Đinh Ngọc Hệ đã ký quyết định thành lập Chi nhánh Công ty Thái Sơn tại Bình Dương và bổ nhiệm Trần Xuân Sơn làm giám đốc. Việc thành lập chi nhánh là để xin cấp phép xây dựng, giấy phép kinh doanh xăng dầu giúp Công ty Hải Hà mà không liên quan đến nhiệm vụ kinh tế quốc phòng.

Tháng 7-2014, Công ty Hải Hà bị Đội kiểm tra liên ngành tỉnh Bình Dương phát hiện hơn 20.000 lít xăng tồn kho không đạt tiêu chuẩn chất lượng nên đã niêm phong cột bơm và yêu cầu cung cấp tài liệu giải trình. Trần Xuân Sơn thông báo sự việc cho Trần Văn Lâm, Lâm báo cáo cho Đinh Ngọc Hệ.

Sau đó, bị cáo Hệ liên lạc với ông Lê Thanh Cung (khi đó là chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương), đồng thời chỉ đạo Trần Văn Lâm làm văn bản mạo nhận hoạt động kinh doanh xăng dầu của cửa hàng xăng dầu Thái Sơn chủ yếu phục vụ nhiệm vụ kinh tế quốc phòng gửi cho ông Cung để xin không bị xử phạt.

Mặt khác, Hệ liên lạc và đặt vấn đề với ông Bùi Văn Tiệp để được giúp đỡ. Hệ chỉ đạo Lâm làm hợp đồng gửi xăng, mang đến gặp Bùi Văn Tiệp để bị cáo này ký hợp đồng gửi xăng giả kèm theo hai giấy giới thiệu mạo người của sư đoàn, nhận số xăng kém chất lượng trên là của Sư đoàn 367 gửi, không phải là xăng kinh doanh để trốn tránh việc xử phạt.

Căn cứ hợp đồng gửi xăng, tài liệu do Trần Văn Lâm, Trần Xuân Sơn cung cấp và bút phê ý kiến của ông Lê Thanh Cung, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương tin tưởng đây là xăng dầu đơn vị quân đội gửi nên không truy xét đến cùng, không xử phạt hành chính đối với số xăng kém chất lượng nêu trên trong khi mức phải xử phạt là hơn 1,4 tỉ đồng.

Tại tòa, hầu hết các bị cáo đều thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố. Riêng bị cáo Hệ khẳng định mình bị vu khống. “Lời khai các bị cáo hoàn toàn không có chứng cứ và vu khống. Sự việc ở Bình Dương bị cáo không biết nên không chỉ đạo gì. Việc sử dụng xe biển số quân sự và biển xanh 80A, tất cả đều không như vậy. Khi thành lập công ty, bị cáo từ bên kỹ thuật về nên không biết kinh doanh, chỉ biết ngoại giao” - bị cáo Hệ nói.

Bị cáo nói mua bằng giả vì dân trí thấp?

Năm 2000, Hệ mua của một đối tượng không rõ lai lịch một bảng điểm và một bằng tốt nghiệp ĐH Kinh tế quốc dân giả với giá 2,5 triệu đồng. Bị cáo sử dụng tấm bằng này kê khai trong lý lịch cá nhân để được chứng nhận, làm đơn đề nghị bổ nhiệm từ quân nhân chuyên nghiệp sang sĩ quan, khai lý lịch xin vào Đảng, làm thủ tục nâng lương…

Tại tòa, đại diện VKS nhiều lần xoáy sâu vào việc mua bằng giả của bị cáo. Ông Hệ khai được một số anh em xã hội “mách nước” chỉ cần nộp tiền và sẽ có người đi học thay rồi có bằng. Về việc không đi học mà lại có bằng, bị cáo lập luận do “dân trí của bị cáo thấp” nên thấy vậy là đúng. Khi nhận được bằng gốc, bị cáo đã nộp cho Công ty ADCC. Việc truy tố về sử dụng tài liệu giả là quá khắc nghiệt vì ban đầu không biết nhưng sau biết thì không sử dụng nữa.

HĐXX hỏi tại sao bị cáo khẳng định từ năm 2005 không sử dụng bằng giả nữa nhưng hồ sơ cho thấy những năm 2007, 2010 và 2012 có những giấy chứng thực từ bằng bản chính? Trả lời, bị cáo nói: “Không biết”. HĐXX tiếp tục đặt nghi ngờ rằng bị cáo có thể nói rằng lý lịch là nhờ người viết nhưng bằng ĐH thì không thể đưa bằng không có thật đi công chứng được. Trong khi tài liệu thể hiện ngày giờ có người mang bản sao y đến xác thực… Đáp lại các câu hỏi, bị cáo Hệ giữ nguyên quan điểm: “Đã nộp bằng cho Công ty ADCC từ năm 2005” và “không biết” hoặc “không làm việc đó”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm