Út 'trọc': Cáo trạng chỉ đúng có 1 điểm duy nhất

Chiều 15-12, TAND TP.HCM tiếp tục xét hỏi vụ bị cáo Đinh La Thăng (cựu bộ trưởng Bộ GTVT) hầu toà về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

HĐXX tiến hành hỏi bị cáo Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”, cựu phó tổng giám đốc Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng) bị truy tố về hành vi lừa đảo cùng 12 đồng phạm. Ngoài ra, Hệ còn bị truy tố về lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

Bị cáo Út "trọc". Ảnh: HOÀNG GIANG

Hệ là người được xét hỏi sau loạt cấp dưới của mình. Vừa lên bục khai báo, bị cáo này xin chủ toạ cho một phút trình bày nhưng bị chủ toạ bác vì đây là phần tòa hỏi, bị cáo trả lời.

Trước đó, tại cơ quan điều tra, Hệ không hợp tác khai báo, không thừa nhận hành vi phạm tội, phủ nhận vai trò chủ yếu trong việc thực hiện hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản.

Vừa mở lời xin lỗi tiếp theo thì bị cáo Út "trọc" đã bị tòa cắt và yêu cầu tập trung trả lời. Út "trọc" cho rằng toàn bộ cáo trạng chỉ đúng một điểm là bị cáo Vũ Thị Hoan là cháu của mình.

Cụ thể, bị cáo thừa nhận việc các công ty được nhắc đến trong cáo buộc là của mình. Bị cáo Hệ nhờ cháu gái là Hoan làm giám đốc công ty Yên Khánh. Hoan là con gái của chị bị cáo, mọi cái quản lý điều hành không tham gia.

Bị cáo Hệ khẳng định mọi việc tại công ty cháu phải nghe chỉ đạo từ bị cáo Phạm Văn Diệt (người được xác định là trực tiếp cùng Út "trọc" đến Công ty Cửu Long để tiếp cận tham gia mua quyền thu phí cao tốc TPHCM – Trung Lương) và ban pháp chế. Tương tự công ty Khánh An, bị cáo Hệ nói nhờ con của vợ cũ đứng tên.

Ông Đinh La Thăng trong ngày hầu toà thứ 2. Ảnh: HOÀNG GIANG

Về quá trình đấu thầu mua quyền thu phí cao tốc Trung Lương - TP.HCM, bị cáo Hệ cho là coi trên VTV biết Tổng công ty Cửu Long tổ chức bán đấu giá quyền thu phí với giá khởi điểm 2004 tỉ đồng. Từ đó, bị cáo tìm hiểu để tham gia và nói Diệt thực hiện. Bị cáo không thông qua ông Thăng. Bị cáo cũng cho rằng chỉ đến Tổng công ty Cửu Long một lần cùng Diệt và cho Diệt toàn quyết quyết định nhưng phải đúng quy định pháp luật.

Trong khi quá trình điều tra, công an xác định được ông Thăng và Út "trọc" có liên lạc trao đổi với nhau 22 cuộc gọi trong tháng 10, 11 năm 2013, 50 cuộc gọi, 35 tin nhắn trong năm 2016. Ông Thăng và Dương Tuấn Minh (cựu tổng giám đốc công ty Cửu Long) có liên lạc với nhau ba cuộc gọi trong tháng 2-2012. Còn Út "trọc" và Dương Minh Tuấn đã liên lạc với nhau 24 cuộc gọi trong thời gian năm 2016-2017. Từ tháng 6-2016 đến 7-2017, Út "trọc" đã liên hệ với các nhân viên công ty Yên Khánh 1981 cuộc gọi, 2103 tin nhắn.

Bị cáo cho là bản thân có mua một căn biệt thự thông qua giới thiệu hoàn toàn không có việc trục lợi gì. Út "trọc" cho rằng căn biệt thư được mua ở thời điểm giá nhà xuống thấp và bị cáo đã mua giá cao so với mặt bằng chung.

Hồ sơ án thể hiện ngoài lừa đảo chiếm đoạt 725 tỉ đồng từ tiền thu phí tuyến đường cao tốc TPHCM–Trung Lương thì Út “trọc” dùng quyền hạn để mua biệt thự giá rẻ tại 164 Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân, Hà Nội) do công ty Licogi 13 làm chủ đầu tư.

Tháng 9-2013, Út “trọc” đã gặp ông Phạm Văn Thăng (tổng giám đốc công ty Licogi 13) đặt vấn đề mua một căn biệt thự đang được công ty rao bán. Út “trọc” nói với ông Thăng nếu bán cho mình căn biệt thự này với giá 15 tỉ (thực giá 18 tỉ năm 2013) thì sẽ bố trí cho công ty Licogi 13 tham gia thi công một số dự án.

Trước đó, HĐXX cũng xét hỏi đối với bị cáo Nguyễn Xuân Hiền, giám đốc Công ty Xuân Phi (bán phần mềm cắt giảm doanh thu cho Công ty Yên Khánh). Theo đó, Hiền cho rằng nội dung cáo trạng không đúng với một số diễn biến hành vi của mình. Hiền cho rằng khi Công ty Yên Khánh đặt vấn đề mua phần mềm thì Hiền chỉ biết đây là phần mềm thu phí chứ không biết Công ty Yên Khánh mua để gian dối, làm giảm doanh thu thu phí.

Bị cáo Hiền cho rằng khi Tô Phước Hùng (kế toán trưởng Công ty Yên Khánh) đặt vấn đề viết phần mềm để thay đổi seri cho vé, bị cáo chỉ tiếp nhận yêu cầu chứ không tham gia bàn bạc, không đưa ra giải pháp giảm doanh thu. Bị cáo là người kinh doanh, có người đặt yêu cầu thì làm.

"Bị cáo hoàn toàn không biết được việc sử dụng phần mềm cho mục đích gian dối" - Hiền khai. Đồng thời, bị cáo Hoàng Tô Hạnh Vân (nhân viên viết phần mềm Công ty Xuân Phi) cũng khẳng định sếp giao viết phần mềm thì viết chứ không biết mục đích sử dụng của Công ty Yên Khánh đối với phần mềm này.

Từ việc viết phần mềm, cài đặt xâm nhập vào phần mềm của Bộ GTVT để làm giảm số liệu doanh thu, các bị cáo lừa đảo chiếm đoạt 725 tỉ đồng tiền thu phí. Kết quả điều tra xác định tiền thu phí thực tế từ tháng 1-2014 đến tháng 12-2018 của bốn trạm trên tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương là hơn 3.266 tỉ đồng nhưng bị điều chỉnh xuống còn 2.541 tỉ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm