Tuyên án vụ phá rừng lớn nhất tỉnh Bình Định

Ngày 22-10, TAND tỉnh Bình Định xử sơ thẩm vụ án hủy hoại rừng xảy ra tại xã An Hưng, huyện An Lão (Bình Định). Đây là vụ phá rừng được cơ quan chức năng tỉnh Bình Định xác định có quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại tỉnh này.

Chín bị cáo bị phạt tổng cộng 81 năm tù về tội hủy hoại rừng. Ảnh: TẤN LỘC

Giám đốc cầm đầu phá rừng quy mô lớn

Tòa tuyên phạt chín bị cáo tổng cộng 81 năm tù cùng cùng tội hủy hoại rừng. Trong đó, bị cáo được xác định chủ mưu trong vụ phá rừng này là Lê Văn Thiệt (56 tuổi, nguyên chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư - kinh doanh tổng hợp Thương Thảo), bị phạt 12 năm tù. Nguyễn Văn Ri, đội trưởng đội xe máy Công ty Thương Thảo bị phạt 11 năm tù. Tòa xác định Thiệt và Ri phạm tội với tình tiết hủy hoại diện tích rừng đặc biệt lớn.

Bị cáo Lê Văn Thiệt bị phạt 12 năm tù. Ảnh: TẤN LỘC

Các bị cáo còn lại gồm Lê Xuân Hậu 10 năm tù, Lê Hồng Đức chín năm tù. Có bốn bị cáo bị phạt mỗi bị cáo tám năm tù, gồm Võ Dần, Văn Ngọc Triển, Nguyễn Cứ, Nguyễn Nguyên Thực. Riêng bị cáo Phan Dễ có mức án phạt thấp nhất với bảy năm tù. Tất cả các bị cáo đều ngụ huyện Hoài Nhơn (Bình Định).

Bản án sơ thẩm xác định: Từ tháng 7-2015 đến 8-2017, chín bị cáo trên đã tổ chức phá rừng, trực tiếp phá rừng trái phép với tổng diện tích hơn 64 ha tại xã An Hưng, huyện An Lão. Trong đó, có gần 26 ha rừng có chức năng phòng hộ, hơn 38 ha rừng sản xuất. Cơ quan chức năng xác định tổng giá trị rừng bị thiệt hại gần 4,8 tỉ đồng.

Phần lớn thời gian xét hỏi, tòa chủ yếu tập trung làm rõ quá trình tổ chức phá rừng, vai trò cầm đầu của chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty Thương Thảo.

Theo đó, tháng 7-2017, Lê Văn Thiệt giao Nguyễn Văn Ri (đội trưởng đội xe máy của Công ty Thương Thảo) tổ chức phá rừng tại tiểu khu 1 thuộc xã An Hưng, huyện An Lão để trồng keo cho doanh nghiệp.

Ri thuê nhân công phá hơn 37,5 ha rừng sản xuất, gây thiệt hại 2.868 m3 gỗ, giá trị rừng bị thiệt hại gần 2 tỉ đồng. Lê Văn Thiệt tổ chức mở đường, lập lán trại nhân công, huy động nhiều phương tiện, thiết bị triệt hạ, phát dọn rừng. Sau đó, dùng xe vận chuyển số gỗ lớn về kho của Công ty Thương Thảo.

Các bị cáo cho rằng việc giám định diện tích rừng bị phá chưa chính xác. Ảnh: TẤN LỘC

Cùng thời điểm, nhiều người ở huyện Hoài Nhơn thuê người phát dọn rừng, trực tiếp phá rừng tại xã An Hưng với tổng diện tích 27 ha, gây thiệt hại hơn 2.650 m3 gỗ. Trong đó, nhóm các bị cáo Lê Hồng Đức, Lê Xuân Hậu, Võ Dần, Nguyễn Nguyên Thực góp tiền thuê nhân công phát thực bì 17,8 ha rừng có chức năng phòng hộ. Nhóm Văn Ngọc Triển, Nguyễn Cứ góp tiền thuê người phát hơn 6 ha rừng có chức năng phòng hộ và 0,7 ha rừng sản xuất. Riêng bị cáo Phan Dễ phát hơn 1,8 ha rừng có chức năng phòng hộ.

Vẫn không có mặt bị can khi giám định thiệt hại

Tại phiên tòa, hầu hết các bị cáo đều thừa nhận hành vi phá rừng của mình. Tuy nhiên, bị cáo Lê Văn Thiệt cho rằng năm 2013 Công ty Thương Thảo đã có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng huyện An Lão cho khai thác, trồng lại 250 ha rừng tại xã An Hưng. Trong thời gian chờ các cơ quan chức năng cấp phép, công ty này cử bảo vệ đến canh giữ khu vực rừng trên để tránh bị người khác khai thác, phát rẫy… Đến năm 2017, khi thấy nhiều người phát dọn, trồng rừng nên cũng tổ chức phát rừng để trồng keo.

Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Văn Ri cho rằng mình chỉ làm theo chỉ đạo của giám đốc. Phần lớn các bị cáo khác đều cho rằng từ năm 2015, 2016 nhiều người đã phát rừng trồng keo với diện tích lớn nhưng không bị cơ quan chức năng xử lý. Thấy vậy, họ cũng làm theo.

Đại diện VKSND tỉnh Bình Định cho rằng không cần thiết có mặt bị can khi giám định thiệt hại. Ảnh: TẤN LỘC

Trong phần tranh luận, các luật sư bào chữa cho các bị cáo đều đề nghị tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Lý do là tại phiên tòa ngày 24-7 phần lớn các bị cáo đều khiếu nại việc không được có mặt khi giám định diện tích rừng bị phá. Từ đó, các bị cáo cũng không đồng ý với diện tích rừng bị phá do cơ quan chức năng xác định và đề nghị giám định lại với sự có mặt của các bị cáo. HĐXX đã chấp nhận đề nghị này khi trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Tuy nhiên, khi điều tra bổ sung, cơ quan điều tra vẫn không đưa các bị cáo đến các khu rừng bị phá để chứng kiến việc giám định. Các luật sư cho rằng cơ quan điều tra chưa xác định chính xác vị trí rừng bị phá, việc định giá rừng bị phá chưa phù hợp do áp giá không đúng với thời điểm rừng bị phá…

Các cơ quan chức năng kiểm tra hiện trường rừng bị phá ở xã An Hưng, Ảnh: NL

Trong khi đó, đại diện VKSND tỉnh Bình Định tại phiên tòa cho rằng không phải vụ án nào cũng nhất thiết có mặt bị can khi giám định thiệt hại. Mặt khác, do diện tích rừng bị phá quá lớn nên cơ quan giám định chủ yếu sử dụng thiết bị định vị để đo vẽ, tính toán, xác định chứ không thể kiểm tra thực tế hết được. Cũng theo đại diện VKS, khi giám định lại kết quả không thay đổi. Kết quả điều tra bổ sung cũng không làm thay đổi bản chất nội dung vụ án. Do đó, VKSND tỉnh Bình Định vẫn giữ nguyên nội dung cáo trạng trước đây.  

Nhiều cán bộ kiểm lâm có dấu hiệu tội thiếu trách nhiệm

Tại phiên tòa, các luật sư kiến nghị làm rõ, xử lý trách nhiệm các cơ quan quản lý Nhà nước, các cán bộ liên quan vụ phá rừng ở xã An Hưng.

Theo đại diện VKSND tỉnh Bình Định, các cơ quan thẩm quyền đã và đang xử lý trách nhiệm của các cơ quan quản lý, bảo vệ rừng, các cá nhân liên quan.

VKS xác định một số cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện An Lão như Nguyễn Trọng Tài, Huỳnh Văn Tuấn đã không thực hiện việc tuần tra, kiểm soát tiểu khu 1 xã An Hưng để cho nhiều người phá rừng trái phép thời gian dài. Các cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Nhơn như Nguyễn Hữu Độ, Võ Đức Thắng đã không thực hiện nhiệm vụ chốt chặn tại chốt bảo vệ rừng ở xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn. Từ đó, Công ty Thương Thảo đưa gỗ, củi có nguồn gốc từ việc phá rừng trái phép tại xã An Hưng đến nhà máy dăm gỗ thuộc công ty này.

VKS khẳng định các cán bộ kiểm lâm trên có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Định đã xác lập tin báo về tội phạm, tách hành vi của các cán bộ kiểm lâm trên ra một vụ riêng để tiếp tục điều tra, xử lý sau. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm