Tuyên án sai lầm gây khó thi hành án

Trường hợp vụ việc phức tạp thì thời hạn trả lời không quá 30 ngày. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều thẩm phán trả lời rất chậm hoặc không trả lời cơ quan THADS.
Đó là hầu hết những ý kiến phát biểu của các cơ quan THADS tại hội thảo Thực tiễn và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động THADS tại Việt Nam diễn ra trong hai ngày 21 và 22-5 ở TP.HCM.
Theo luật sư Tưởng Duy Lượng (nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao) phát biểu: Một phán quyết đúng, chính xác, rõ ràng là điều kiện vô cùng quan trọng để việc thi hành phán quyết được thuận lợi. Ngược lại, nếu phán quyết dù đã có hiệu lực pháp luật nhưng đó là một phán quyết có sai lầm nghiêm trọng cơ quan THA đang đưa ra thi hành thì chánh án, viện trưởng VKS cấp có thẩm quyền ra quyết định yêu cầu tạm dừng việc THA hoặc có quyết định kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm. Như vậy việc tổ chức THA sẽ phải dừng lại, gây mất thời gian, tốn kém cho nhiều bên.
Do đó tòa án là phải nâng cao chất lượng của phán quyết. Cơ quan giám đốc thẩm phải kịp thời kiểm tra, sớm phát hiện sai lầm của phán quyết để hủy bỏ phán quyết trước khi cơ quan THA tổ chức thi hành phán quyết.
Tuy nhiên, để sai lầm nhanh chóng được sửa chữa thì Chấp hành viên cũng phải tích cực, nỗ lực nâng cao trình độ có khả năng phát hiện những sai lầm nghiêm trọng của phán quyết để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời kháng nghị.
Cũng theo ông Lượng, cơ quan THADS cũng phải khắc phục tình trạng đã diễn ra trên thực tế là phán quyết chỉ có thiếu sót nhỏ, sai lầm không nghiêm trọng nhưng chấp hành viên lại dừng việc THA, ban hành văn bản kiến nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Việc làm này dẫn đến việc THA bị kéo dài gây tốn kém cho các bên và Nhà nước.

Tuyên án sai lầm gây khó thi hành án ảnh 1
Theo Tổng cục THADS thì có rất nhiều trường hợp bản án tuyên không rõ ràng gây khó khăn trong việc tổ chức thi hành án. Ảnh: NGÂN NGA

Một vấn đề khác cũng được đưa ra bàn là hiện nay Luật THADS chưa có quy định cụ thể về việc hoãn THA hoặc tiếp tục xử lý tài sản bảo đảm có liên quan đến vụ án hình sự hoặc tranh chấp dân sự mà tài sản này không bị các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp ngăn chặn.

Ví dụ: Bản án, quyết định của tòa án đã tuyên về việc xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ. Đến khi cơ quan THADS tiến hành xử lý tài sản thì người phải THA (hoặc chủ sở hữu tài sản) đã thông đồng với người khác để khởi kiện ra tòa án yêu cầu giải quyết các tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm để kéo dài việc THA. Trên thực tế, việc tòa án giải quyết các tranh chấp đó cũng không làm thay đổi kết quả xét xử của các bản án, quyết định (liên quan đến xử lý tài sản thế chấp) đang có hiệu lực THA. Tuy nhiên, khi nhận đươc thông báo thụ lý nếu cơ quan THADS không ban hành quyết định hoãn THA theo điểm d khoản 1 Điều 48 Luật THADS sẽ đối diện với khiếu nại của đương sự hoặc kháng nghị của VKS.
Một số trường hợp tòa án tuyên xử lý tài sản thế chấp, theo đó tòa chỉ tuyên hết thời hạn mà người phải THA không thi hành thì ngân hàng có quyền phát mại tài sản để thu hồi nợ. Việc tòa tuyên như vậy dẫn đến không thống nhất cách hiểu về thẩm quyền xử lý tài sản giữa cơ quan THADS với tổ chức tín dụng.
Nhiều bản án, quyết định của tòa án có nội dung không rõ ràng dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Có bản án, quyết định còn tuyên chung chung như việc trả lãi được thực hiện theo hợp đồng tín dụng. Tuy nhiên, trong nội dung của hợp đồng tín dụng lại xác định cả khoản lãi phạt chậm thanh toán, sau đó tòa án lại có văn bản giải thích không bao gồm khoản tiền phạt do chậm thanh toán dẫn đến việc không thống nhất khi thanh toán tiền THA cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng.
Từ những lý do trên, Tổng cục THADS kiến nghị TAND Tối cao phối hợp với các cơ quan hữu quan sớm ban hành thông tư hướng dẫn áp dụng một số quy định về lãi suất, phạt vi phạm trong hợp đồng tín dụng để thống nhất trong xét xử và THA.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm