Từ vụ bia 'Sai Gon Viet Nam': Khi nào pháp nhân bị khởi tố?

Như PLO đã phản ánh Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khởi tố bị can đối với pháp nhân là Công ty CP tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Theo đó Công ty này vì có hành vi tổ chức sản xuất với quy mô và số lượng lớn các sản phẩm “nhái” thương hiệu bia Sài Gòn (đã được bảo hộ, thuộc sở hữu của Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO).

Nhiều bạn đọc thắc mắc khi nào pháp nhân thương mại sẽ bị khởi tố và phải chịu chế tài hình sự ra sao?

Theo luật sư (LS) Nguyễn Văn Dũ, Đoàn LS TP.HCM, BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) là Bộ luật đầu tiên quy định chủ thể thực hiện tội phạm và phải bị xử lý bằng chế tài hình sự là pháp nhân thương mại, ngoài chủ thể là cá nhân.

Sản phẩm có dấu hiệu "nhái" sản phẩm của Sabeco. Ảnh: CTV - TRÙNG KHÁNH

BLHS quy định một số tội danh do pháp nhân thương mại thực hiện, chủ yếu thuộc lĩnh vực kinh tế, môi trường, tài trợ khủng bố và rửa tiền. Khoản 1 Điều 74 và Điều 75 BLDS năm 2015 quy định rõ tiêu chí và khái niệm của pháp nhân thương mại. Theo đó, Sebeco là pháp nhân thương mại.

Mặt khác, Khoản 1 Điều 75 BLHS quy định điều kiện chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) của pháp nhân thương mại khi thực hiện hành vi phạm tội là: Phải nhân danh pháp nhân thương mại; vì lợi ích của pháp nhân thương mại; có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại và chưa hết thời hiệu truy cứu TNHS.

Đáng chú ý, khoản 2 Điều 75 BLHS còn nhấn mạnh rằng, việc pháp nhân thương mại chịu TNHS không loại trừ TNHS của cá nhân.

“Như vậy, khi có hành vi phạm tội xảy ra liên quan đến pháp nhân thương mại thì hoặc là pháp nhân thương mại phải chịu TNHS (nếu đủ điều kiện) hoặc cá nhân trong pháp nhân đó phải chịu TNHS (nếu không đủ điều kiện xử lý pháp nhân thương mại) hoặc cả pháp nhân và cá nhân trong pháp nhân đó đều phải chịu TNHS”- LS Văn Dũ nói.

Khi pháp nhân thương mại bị khởi tố thì việc tham gia tố tụng của pháp nhân đó thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân.

Chế tài xử lý pháp nhân thương mại phạm tội hoàn toàn khác với cá nhân phạm tội, đó là bằng các hình phạt như: Phạt tiền; Đình chỉ hoạt động có thời hạn; Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; Cấm huy động vốn.

LS Dũ nêu: “Trong vụ này, qua điều tra xác định việc ký kết, thực hiện đồng hợp tác sản xuất nhãn hiệu bia "Sai Gon Viet Nam" giữa Công ty CP tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam với ông Vũ Tuấn Châu - chủ cơ sở sản xuất bia BiVa, “nhái” sản phẩm bia Sài Gòn đã được bảo hộ của Sabeco và đã đủ yếu tố cấu thành tội Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (quy định tại Điều 226 BLHS). Do đó, pháp nhân thương mại là Công ty CP tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam bị khởi tố bị can”. 

Theo quy định của BLTTHS năm 2015, Cơ quan có thẩm quyền điều tra vụ án hình sự về các tội phạm do pháp nhân thực hiện là CQĐT nơi pháp nhân thực hiện tội phạm.

Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau thì Cơ quan có thẩm quyền điều tra là CQĐT nơi pháp nhân đó có trụ sở chính hoặc nơi có chi nhánh của pháp nhân đó thực hiện tội phạm.

Do đó, có thể xác định, nơi cơ sở sản xuất bia BiVa tại TP Bà Rịa sản xuất ra bia "Sai Gon Viet Nam" là nơi thực hiện tội phạm nên thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm