Tử tù kêu oan, được tòa Tối cao hủy án

Mới đây, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã xét xử giám đốc thẩm, hủy hai bản án sơ và phúc thẩm của TAND tỉnh Bắc Giang và Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội để điều tra lại. Trước đó, hai cấp tòa này đã kết án tử hình Vi Văn Phượng về tội giết người.

Phượng bị quy kết giết chính mẹ đẻ của mình nhưng liên tục kêu oan và cho rằng mình bị đánh đập, bức cung, dùng nhục hình nên phải nhận tội.

Hai cấp tòa đều tuyên án tử

Theo hồ sơ buộc tội, bà Nguyễn Thị Vui, mẹ của Vi Văn Phượng, bị mù lòa, sống với vợ chồng Phượng từ năm 2003, do vợ chồng Phượng chăm sóc, nuôi dưỡng. Do bức xúc chuyện mẹ nhiều lần đòi 1,5 chỉ vàng nên Phượng bực tức và nảy sinh ý định giết bà để trút gánh nặng gia đình. Hai ngày sau khi đã trả vàng, trong lúc chỉ có hai mẹ con, bà Vui hỏi: “Mày trả tao vàng giả à?”. Nghe thế Phượng càng thêm bức xúc nên càng quyết tâm thực hiện ý định giết mẹ.

Khoảng 11 giờ 15 ngày 5-10-2012, Phượng từ nhà người quen trở về. Thấy bà Vui nằm ngủ trên giường, Phượng đi thẳng vào góc buồng lấy con dao quắm tra cán gỗ ra tấn công nạn nhân.

Sau đó, Phượng mang dao dựng vào vị trí cũ trong góc buồng và cởi chiếc áo phông trắng đang mặc vắt lên thang gỗ dựng trong buồng. Phượng đi ra ngoài hiên lấy áo sơmi cộc tay màu xanh thẫm mặc vào người rồi suy nghĩ khoảng 5-7 phút. Xác định bà Vui đã chết, Phượng gọi điện thoại báo công an bà Vui bị người khác giết. Tiếp đó, Phượng gọi báo cho trưởng thôn, chú họ và các con biết tin bà Vui đã chết.

Đến ngày 18-10-2012, Phượng bị bắt khẩn cấp. Giám định pháp y kết luận: Bà Vui chết do sốc mất máu, do vết thương cổ trái đứt động mạch cảnh gốc trái.

Tháng 2-2013, VKSND tỉnh Bắc Giang truy tố Phượng về tội giết người theo điểm đ, điểm n khoản 1 Điều 93 BLHS.

Tháng 4-2013, TAND tỉnh Bắc Giang xử sơ thẩm vụ án này. Tại tòa, Phượng phản cung cho rằng do bị các điều tra viên ép cung và dọa bắt hết con cái vào tù nên phải nhận tội. Tuy nhiên, tòa cho rằng đây là lời khai gian dối nên đã xử bị cáo với mức án cao nhất: Tử hình.

Sau đó, Phượng kháng cáo kêu oan.

Tháng 8-2013, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã bác kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên quyết định về tội danh và hình phạt của bản án sơ thẩm đối với Phượng.

Bị cáo Vi Văn Phượng tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: vksbacgiang.gov.vn

Hủy án, giao Bộ Công an điều tra lại

Sau khi Quốc hội vào cuộc giám sát, vụ án được viện trưởng VKSND Tối cao kháng nghị. Mới đây, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xử giám đốc thẩm đã tuyên hủy cả hai bản án sơ và phúc thẩm để điều tra lại. Theo Hội đồng thẩm phán , tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm kết án Phượng tử hình về tội giết người là chưa có căn cứ vững chắc; còn rất nhiều vấn đề mâu thuẫn, thiếu sót nên phải hủy án để điều tra lại.

Cụ thể, tang vật vụ án là con dao mũi quắm nhưng phần quắm ở đầu dao chưa được mô tả rõ. CQĐT chưa lấy được dấu vân tay trên chuôi con dao gây án để xác định có phải Phượng đã cầm chính con dao đó chém bà Vui không; chưa có căn cứ vững chắc để khẳng định bị cáo hay người khác dùng con dao này để giết bà Vui.

Hội đồng thẩm phán  cho rằng động cơ giết mẹ của bị cáo là chưa thuyết phục, vì bị cáo được hàng xóm, bạn bè đánh giá là sống tình cảm, có hiếu với mẹ. Mặc dù bà Vui bị mù lòa nhiều năm nhưng Phượng vẫn chăm sóc, không ngược đãi mẹ. Việc vay vàng của bị cáo đã trả trước ngày bà Vui chết mấy ngày. Cần phải làm rõ động cơ, mục đích gây án. Cần làm rõ mối quan hệ của Phượng xem có mâu thuẫn, thù hằn với ai không vì không có dấu hiệu của việc giết người, cướp tài sản; làm rõ bà Vui và vợ chồng Phượng có mâu thuẫn, tranh chấp đất đai với vợ, con người anh thứ hai (đã chết) của bị cáo không…

Đặc biệt, Hội đồng thẩm phán cho rằng cần làm rõ có sự đánh đập, bức cung, dùng nhục hình đối với bị cáo hay không. Bởi tại tòa Phượng đều khai do bị điều tra viên dọa bắt con trai bị cáo nên bị cáo đã nhận tội giết mẹ; bị cáo khai bị các điều tra viên đánh nhiều, các lời khai là do điều tra viên viết sẵn…

Ngoài ra, CQĐT chưa xác định được thời gian chết chính xác của nạn nhân. Nếu căn cứ vào kết luận giám định thì thời gian chết của nạn nhân không phù hợp với thời gian mà Phượng khai nhận đã thực hiện hành vi phạm tội như CQĐT đã kết luận. Cần yêu cầu cơ quan giám định phải giải thích rõ về cơ chế chết, cơ chế hình thành vết thương của nạn nhân. cần trưng cầu giám định tâm thần đối với bị cáo để xác định bị cáo có bệnh tâm thần hay một bệnh khác gây mất năng lực điều khiển hành vi khi gây án hay không…

Cuối cùng, Hội đồng thẩm phán cho rằng theo Nghị quyết 96/2015/QH13 của Quốc hội, cần giao cho CQĐT của Bộ Công an giải quyết vụ án để đảm bảo việc điều tra lại toàn diện, khách quan, không để xảy ra oan, sai.

Quốc hội vào cuộc, vụ án được lật lại

Sau phiên tòa phúc thẩm, Phượng vẫn liên tục kêu oan. Đến tháng 5-2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát về tình hình án oan, sai trong tố tụng hình sự. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy tòa án hai cấp quá tin vào lời nhận tội của bị can, chưa chú trọng phát hiện, thu thập, củng cố chứng cứ khác còn nhiều mâu thuẫn, chưa đủ chứng cứ vững chắc để kết tội bị cáo...

Căn cứ kết quả giám sát, Quốc hội khóa 13 đã ban hành Nghị quyết 96/2015/QH13 yêu cầu chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao giải quyết dứt điểm đơn khiếu nại, kêu oan, nhất là đơn kêu oan của người bị kết án có mức hình phạt tù 20 năm trở lên, tù chung thân, tử hình. Theo đó, nếu có căn cứ pháp luật thì phải xem xét theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, đảm bảo không oan, sai.

Tháng 8-2016, viện trưởng VKSND Tối cao đã kháng nghị giám đốc thẩm bản án phúc thẩm, đề nghị xét xử theo hướng hủy bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm để điều tra lại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm