Từ năm 18 tuổi, bị cáo ngồi tù nhiều hơn ở ngoài

Mới đây, TAND TP.HCM xử sơ thẩm đã tuyên phạt Hoàng Xuân Hưởng (sinh năm 1964, tại Quảng Bình) tám năm tù về tội lưu hành tiền giả.

Hưởng còn có các tên gọi khác Hoàng Xuân Cường, Nguyễn Xuân Hường, Hoàng Duy Hưởng, làm nghề buôn bán tự do. Từ năm 1982, Hưởng đã bị bắt về tội trộm cắp tài sản tại Hà Nội.

Một năm sau, khi vừa chấp hành xong hình phạt, Hưởng thêm một lần bị phạt án tù cùng tội danh trên. Đến năm 1992, người này bị bắt tại Khánh Hòa cũng vì tội trộm cắp, sau đó thì trốn trại. Năm 1999, tại quận 1 (TP.HCM), Hưởng lại bị bắt về tội trộm cắp.

Ba tháng sau khi chấp hành xong hình phạt, Công an TP Đà Lạt, Lâm Đồng bắt Hưởng về tội trộm cắp tài sản và tội sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận tài liệu cơ quan nhà nước.

Hưởng bị tuyên phạt năm năm tù; chấp hành án đến tháng 7-2005 xong quay trở lại Hà Nội và bị phạt tù về tội trộm cắp tài sản và trốn khỏi nơi giam giữ.

Bị cáo Hưởng đang nghe tòa tuyên án. Ảnh: HY

Đến năm 2006, Hưởng lại bị TAND huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) xử phạt 4 năm tù về tội trốn khỏi nơi giam giữ. Tổng hợp với các bản án, Hưởng phải ngồi tù đến cuối năm 2016.

Chưa đầy ba năm sau, ngày 8-7-2019, Hưởng bị Công an TP.HCM bắt tạm giam. Tại cơ quan điều tra, Hưởng không hợp tác khai báo, không thành khẩn còn có thái độ hung hãn rồi tự sát đập đầu vào tường, tự đánh vào đầu mình và trả lời không đúng các nội dung câu hỏi của cán bộ điều tra. Đồng thời, Hưởng còn thường xuyên thay đổi lời khai, khai báo gian dối và che giấu những mối quan hệ có liên quan trong vụ án nhằm mục đích che giấu nguồn tiền giả.

Cáo trạng xác định sáng 8-7-2019, Hưởng đến phòng giao dịch của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) (phường Thạnh Lộc, quận 12) để chuyển tiền vào tài khoản cho 1 người tại Hưng Yên 240 triệu đồng. Qua kiểm tra, nhân viên ngân hàng phát hiện được trong 2 cọc tiền có 30 tờ tiền giả tương ứng với 15 triệu đồng nên đã báo công an lập biên bản bắt người phạm tội quả tang. Công an kiểm tra trong ví của Hưởng còn có một tờ tiền giả cùng số seri với số tiền giả trên.

Quá trình điều tra, Hưởng khai tối hôm trước nhận điện thoại của người bạn (không rõ lai lịch) hẹn gặp trước cửa khu vực trường đại học tại đường Hà Huy Giáp, quận 12 có việc nhờ. Tại đây, bạn nhờ Hưởng chuyển tiền giùm cho người nhà vì bận công việc mà đã làm mất chứng minh nhân dân. Sau khi nhận tiền xong, Hưởng bỏ tiền vào túi và đón xe ôm về ngủ tại một sạp bán hàng trong chợ đầu mối Thủ Đức. Sáng hôm sau, Hưởng ra ngân hàng gửi tiền.

Bị cáo này không thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Bị cáo cho rằng 30 tờ tiền giả là của người nhờ gửi giùm nhưng không giải thích được vì sao trong ví lại có một tờ tiền giả. Công an cũng xác minh số điện thoại người bạn mà bị cáo khai thì kết quả cho thấy người này không phải tên như bị cáo khai, không quen biết Hưởng, cũng như nhật ký cuộc gọi, tin nhắn cũng không thể hiện việc liên hệ với Hưởng... Qua đối chiếu, kiểm tra nhiều nguồn, cơ quan tố tụng khẳng định việc Hưởng khai số tiền giả của người khác và không biết tiền giả là không có căn cứ.

Sau khi tòa tuyên án, bước vào xe bít bùng, bị cáo Hưởng kêu gào không muốn ngồi tù.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm