Từ đấu tranh của Báo Pháp Luật TP.HCM: Ba công dân được đình chỉ điều tra

Mới đây, ngày 13-10, Công an huyện Châu Thành (Long An) đã ra quyết định đình chỉ điều tra bị can cho anh Đặng Ngọc Thanh, một thuyền trưởng lái sà lan, với lý do hành vi của anh không cấu thành tội phạm. Như vậy sau bảy tháng bị tạm giam, anh Thanh có thể trở về với công việc lái tàu của mình.

Trước đó, các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Phước cũng đã đình chỉ điều tra bị can hai công dân vô tội. Đây là những động thái tích cực của cơ quan tố tụng các địa phương sau khi báo Pháp Luật TP.HCM kiên trì phản ánh và phân tích hành vi của ba công dân này không phải là tội phạm.

Giao sà lan cho chủ, vẫn còn bị khởi tố

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, ông Phạm Thanh Sang hùn tiền với một người khác mua sà lan. Cả hai thống nhất giao sà lan cho ông Sang khai thác, sử dụng. Sau đó, ông Sang thuê anh Đặng Ngọc Thanh làm thuyền trưởng với tiền công mỗi tháng 17 triệu đồng. Ông Sang giao khoán cho Thanh toàn quyền thuê người đi trên sà lan.

Cáo trạng của VKSND huyện Châu Thành cho rằng ngày 30-4-2013, Thanh lái sà lan đi từ TP.HCM về sông Vàm Cỏ (đoạn ngang huyện Châu Thành, Long An). Lúc này trên sà lan còn có ông Sang và Võ Văn Quốc. Thanh giao lại sà lan cho Quốc (không có bằng lái) điều khiển sà lan để về nhà dự đám giỗ.

Sau đó, ông Sang và Quốc chạy đến tỉnh Vĩnh Long lấy cát rồi quay về TP.HCM để đi tiếp chuyến hàng thứ hai. Tối 1-5, ông Sang điều khiển sà lan từ TP.HCM đến tỉnh Long An thì giao lại cho Quốc. Do không chú ý quan sát, Quốc đã đụng chìm một chiếc ghe chạy cùng chiều làm cho cả ba mẹ con trên chiếc ghe này tử vong (trong đó có một cháu bé một tuổi, một cháu bé hơn ba tuổi).

Sau đó, Thanh và Quốc bị khởi tố, truy tố. Trong đó, Quốc bị truy tố tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy, Thanh bị truy tố tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường thủy.

Vợ chồng anh Thanh lặn lội từ Bến Tre lên Sài Gòn để cảm ơn báo Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: N.NGA

Ông Trần Văn Đề với quyết định đình chỉ sau hai năm kêu cứu. Ảnh: N.ĐỨC

Đình chỉ điều tra vì không có tội

Xử sơ thẩm ngày 26-8-2014, TAND huyện Châu Thành (Long An) đã tuyên phạt Võ Văn Quốc tám năm tù, Đặng Ngọc Thanh bảy năm tù.

Điều đáng chú ý là tòa còn yêu cầu VKS phải khởi tố thêm ông Phạm Thanh Sang (chủ sà lan gây tai nạn) về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường thủy, dù trước đó VKS đã từng nhiều lần cho rằng ông Sang không phạm tội.

Về phần Thanh, tại tòa anh một mực khẳng định mình đã giao sà lan lại cho ông Sang chứ không phải Quốc, vì ông Sang là chủ.

Cũng tại phiên tòa này, luật sư của gia đình nạn nhân đã yêu cầu HĐXX phải dừng phiên tòa để thay đổi kiểm sát viên Trương Văn Vũ, người giữ quyền công tố. Theo luật sư, trước giờ xử, ông Vũ đã ngồi uống cà phê với ông Sang tại một quán cà phê cách tòa án vài căn. Đây là bằng chứng cho thấy có thể ông Vũ sẽ không khách quan khi thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, HĐXX không chấp nhận đề nghị này. Lý do, tòa “xét thấy việc kiểm sát viên ngồi uống cà phê với đương sự Sang là không đúng quy định của pháp luật nhưng việc này không làm thay đổi nội dung vụ án”.

Sau khi Pháp Luật TP.HCM có bài phản ánh, phân tích, Ban Nội chính Tỉnh ủy Long An đã yêu cầu VKSND tỉnh Long An và VKSND huyện Châu Thành làm rõ những vấn đề báo nêu. Sau đó, VKSND tỉnh Long An có công văn trả lời Ban Nội chính là đã tiến hành kiểm điểm kiểm sát viên Vũ, đồng thời ra văn bản chấn chỉnh cán bộ trong ngành trong khi giao tiếp với các đương sự.

Ngày 11-11-2014, TAND tỉnh Long An đã hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại do vi phạm tố tụng nghiêm trọng và có dấu hiệu bỏ lọt hành vi phạm tội của chủ sà lan. Đến ngày 13-10, Công an huyện Châu Thành ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với Thanh vì hành vi của anh không cấu thành tội phạm. (Vụ án vi phạm giao thông đường thủy dẫn đến chết người hiện cơ quan tố tụng huyện Châu Thành, Long An vẫn đang được tiến hành)

Anh Thanh nói: “Tôi được đình chỉ điều tra nhưng vẫn chưa lấy được bằng lái nên không thể quay lại với nghề lái sà lan để mưu sinh. Sắp tới, tôi sẽ làm đơn yêu cầu TAND huyện Châu Thành xin lỗi, bồi thường oan để trả lại công bằng, danh dự cho tôi. Bà con lối xóm chỉ biết tôi bị bắt chứ đâu có hiểu tôi bị oan”.

Hình sự hóa và… gợi ý trả nợ

Hẳn bạn đọc còn nhớ trong vệt bàiĐiều tra viên sốt sắng gọi người nhà bị can trả nợ” mà báo Pháp Luật TP.HCM từng có nhiều bài phân tích, phản ánh. Mới đây, Công an tỉnh Bình Phước đã ra quyết định đình chỉ bị can đối với bà Trần Thị Búp (51 tuổi, ngụ xã Bình Tân, huyện Bù Gia Mập).

Theo đó, bà Búp bị Công an huyện Bù Gia Mập khởi tố vào tháng 2-2015 về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nhưng bà liên tục kêu oan. Sau bảy tháng điều tra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Phước kết luận “hành vi của bà Trần Thị Búp không cấu thành tội phạm” nên đã quyết định đình chỉ bị can đối với bà.

Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, tháng 8-2014, bà Búp có làm ăn với bà B. Trong quá trình kinh doanh, bà B. có mượn của bà Búp hơn 4 tỉ đồng. Sau nhiều lần trả, đến ngày 30-1-2015, bà B. còn nợ bà Búp tổng cộng 1,85 tỉ đồng. Đến ngày 1-2, bà Búp mua của bà B. hai container hạt điều trị giá hơn 1,6 tỉ đồng. Sau khi nhận hạt điều, bà Búp thanh toán và còn nợ lại bà B. 886 triệu đồng. Lấy lý do bà B. còn nợ mình 1,85 tỉ đồng, bà Búp cấn tiền để trừ bớt nợ. Sau đó giữa bà Búp và bà B. nhiều lần gặp gỡ để thống nhất nợ nần nhưng hai bên không thỏa thuận được nên bà B. dọa tố cáo sự việc lên công an.

Chiều 12-2 (ngày 24 tết), cơ quan điều tra Công an huyện Bù Gia Mập bắt tạm giam bà Búp về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Quá trình bà Búp bị bắt giam có cán bộ điều tra “gợi ý” bà Búp trả nợ…

Sau nhiều phân tích của Pháp Luật TP.HCM, VKS tỉnh, công an tỉnh đã rút hồ sơ từ huyện lên tỉnh để làm rõ. Cuối cùng, công an tỉnh đã đình chỉ như đã nói.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt nên mới đình chỉ

Trước đó, ngày 20-4, VKSND huyện Chơn Thành đã đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với ông Trần Văn Đề. Quyết định đình chỉ nêu rõ: Hành vi của ông Đề không cấu thành tội không chấp hành án.

Ông Đề là nhân vật trong vệt bài “Khởi tố, bắt người không cần thiết”Pháp Luật TP.HCM từng có nhiều bài phân tích cho rằng việc cơ quan tố tụng huyện Chơn Thành khởi tố, truy tố ông là hình sự hóa vì ông không có tội.

Ông Đề có tranh chấp dân sự, án sơ thẩm của TAND huyện Chơn Thành tuyên ông phải tách thửa diện tích hơn 3,5 ha cho người hàng xóm, ngược lại người này phải trả lại tiền phần diện tích dư (hơn 0,5 ha) cho ông. Tuy nhiên, bản án phúc thẩm tháng 7-2011 lại chỉ tuyên ông Đề phải tách thửa mà không nhắc gì đến nghĩa vụ của bên kia. Vì thế, ông Đề làm đơn yêu cầu được giám đốc thẩm. Ông đề nghị với Chi cục Thi hành án (THA) dân sự huyện Chơn Thành là chờ kết quả trả lời của TAND Tối cao thì ông sẽ THA ngay.

Chi cục THA dân sự huyện Chơn Thành không chấp nhận và ra quyết định cưỡng chế, đồng thời ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với vợ chồng ông Đề. Tiếp đó, lấy lý do ông Đề không chấp hành quyết định cưỡng chế, Chi cục THA chuyển hồ sơ cho công an. Về phía ông Đề, sau khi có trả lời của TAND Tối cao, ông đến gặp THA và công an xin tự nguyện THA nhưng không được chấp nhận.

Ngày 18-3-2013, ông Đề bị khởi tố, bắt giam về tội không chấp hành án theo Điều 304 BLHS. Gần hai tháng sau, ông được cho tại ngoại.

Về vụ án này, lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy Bình Phước cho biết: “Vụ án ông Trần Văn Đề được đình chỉ là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng sau khi báo Pháp Luật TP.HCM có nhiều vệt bài phân tích pháp lý. Đã có 19 văn bản từ Ban Nội chính Trung ương, VKSND Tối cao, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy và VKS tỉnh chỉ đạo theo hướng đình chỉ vụ án nhưng VKS huyện vẫn không làm. Mãi đến tháng 4-2015, VKS huyện mới nhận sai và đình chỉ vụ án”.

Bình Phước yêu cầu kiểm điểm vì làm oan

Ngày 19-10, một lãnh đạo VKSND tỉnh Bình Phước cho biết VKS tỉnh này đã có văn bản yêu cầu lãnh đạo VKSND huyện Bù Gia Mập và VKSND huyện Chơn Thành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các cá nhân từ lãnh đạo đến kiểm sát viên liên quan đến hai vụ án oan mà báo Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh. “Sau khi các cá nhân liên quan tự kiểm điểm trách nhiệm, tùy theo mức độ, VKS tỉnh sẽ xem xét xử lý” - vị lãnh đạo này cho biết.

Với vụ án liên quan đến bà Trần Thị Búp ở Bù Gia Mập, các cán bộ liên quan đang được công an tỉnh xem xét trách nhiệm. Hiện Công an tỉnh Bình Phước đã điều động phó Công an huyện Bù Gia Mập - người ra quyết định bắt khẩn cấp bà Búp - sang làm nhiệm vụ khác.

Trước đó, ngày 17-3, lãnh đạo Bộ Công an cũng đã có văn bản chỉ đạo giám đốc Công an tỉnh Bình Phước làm rõ, xử lý và báo cáo lãnh đạo Bộ Công an vụ việc trên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm