Từ chối chuyển giao người bị phạt tù có dấu hiệu bị tra tấn

Để chuẩn bị cho phiên trình bày và bảo vệ Báo cáo quốc gia lần thứ nhất của Việt Nam (VN) về thực thi Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (gọi tắt là Công ước chống tra tấn) tại Genève (Thụy Sĩ) sắp tới, ngày 12-10, tại Hội trường nhà khách Phương Nam (quận 1, TP.HCM), Bộ Công an đã tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến về nội dung này.

Tại hội thảo, Trung tướng, GS-TS Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an), trình bày tóm tắt hồ sơ bảo vệ, giới thiệu những nỗ lực thực thi công ước và quá trình xây dựng dự thảo báo cáo.

Từ chối dẫn độ nếu đã hoặc có thể bị tra tấn

Theo Trung tướng Anh, về việc trục xuất, trao trả, dẫn độ, VN đã và sẽ tiếp tục đưa nội dung “từ chối tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ hoặc chuyển giao người bị kết án phạt tù nếu có căn cứ cho rằng người đó đã hoặc có thể bị tra tấn” vào các điều ước quốc tế song phương mà VN đang đề xuất ký kết với các quốc gia. Đưa nội dung “cam kết không tra tấn và sử dụng các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo” trong các yêu cầu dẫn độ và yêu cầu chuyển giao giữa VN và các nước, đồng thời coi đây là một nguyên tắc bắt buộc.

Về việc bố trí giam giữ và đối xử với người bị bắt, tạm giữ, tạm giam hay phạt tù, Trung tướng Anh cho rằng VN đã thực hiện việc giam, giữ bố trí theo khu vực và phân loại theo giới tính, độ tuổi, quốc tịch, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Đối với phạm nhân, người bị tạm giữ, tạm giam thuộc nhóm yếu thế (phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng, trẻ dưới 18 tuổi, người bị mắc bệnh hiểm nghèo, người khuyết tật…) thì được hưởng các chế độ chăm sóc ưu đãi hơn, phù hợp với giới tính, sức khỏe, độ tuổi. Những người bị tạm giữ, tạm giam hoặc phạm nhân là người nước ngoài thì được cho phép thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự.

Trung tướng Anh kể đoàn công tác của ông từng đến Hà Lan thăm buồng hỏi cung. “Buồng hỏi cung của họ như buồng karaoke, không thoát âm ra ngoài, có hệ thống ngoại vi, thiết bị bảo vệ, lưu trữ…, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hơn nữa. Kể cả chế độ, chính sách đối với người bị giữ, tạm giam cũng là một thách thức đối với chúng ta” - ông Anh nói.

Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: YẾN CHÂU

Báo cáo cũng nêu rõ quyết tâm của VN trong việc triển khai triệt để và có hiệu quả các nội dung của công ước. VN đã thiết lập các cơ quan hoặc cơ chế độc lập để kiểm tra, giám sát hành vi của cán bộ chịu trách nhiệm thẩm vấn và canh giữ người bị giam, giữ; kiểm tra, giám sát các trại giam và cơ sở giam giữ. Các cơ sở giam giữ còn chủ động phát hiện, ngăn chặn và loại trừ các hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm của người bị giam giữ. Theo quy định của pháp luật VN, cán bộ chịu trách nhiệm quản lý người bị giam giữ trong các cơ sở giam giữ phải chịu sự giám sát của các cơ quan, người có thẩm quyền sau: Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc VN và đặc biệt là VKSND các cấp…

Ông Bùi Đình Tiến, Trường ĐH An ninh nhân dân phía Nam, cho rằng báo cáo rất công phu, tuy nhiên phần khái niệm tra tấn cần nêu cả BLHS 1985 để cho thấy trước khi tham gia công ước chúng ta đã có những chuẩn pháp lý về chống tra tấn.

Khó thực hiện tiêu chuẩn giam giữ của Liên Hiệp Quốc

Ông Trần Đăng Tuấn, Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân VI, đặt vấn đề: Một số tiêu chuẩn của Liên Hiệp Quốc ở VN rất khó thực hiện. Ví dụ chính sách đối với người tạm giữ, tạm giam, về chế độ ăn trong một tháng (17 kg gạo tẻ loại thường, 0,8 kg thịt, 0,7 kg cá, 15 kg rau, quần áo, điện, nước) còn hơn cả chế độ của một người dân bình thường ở nước ta. Rồi khi ốm đau được chăm sóc, điều trị bằng thuốc men…, so với mặt bằng chung của nước ta là hơn hẳn. Một vấn đề cần quan tâm khi thực thi công ước là sinh hoạt về tôn giáo thực hiện trong trại giam, nhà tạm giữ rất khó thực hiện. Chế độ đối với người chuyển giới, người không rõ về giới tính, cơ quan nào xác định giới tính?

Đại diện Hội Phụ nữ TP.HCM, bà Trần Thị Bích Vân, băn khoăn về chế độ giam giữ đối với người đồng tính, người đã chuyển giới và đối với phạm nhân nữ có con nhỏ theo.

Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh tại hội thảo. Ảnh: YẾN CHÂU

Trả lời những nội dung trên, Trung tướng Anh cho biết Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam đã tiến một bước rất dài khi đã phân loại giam giữ không chỉ về giới tính mà kể cả đối với những người mắc bệnh hiểm nghèo. Nhưng đối với trẻ em theo mẹ thì chưa thể khắc phục được vì không có một cơ sở bảo trợ nào, gia đình nào trông các em. Trẻ em dưới 36 tháng tuổi thì theo mẹ, nhưng mới đây đã được sửa đổi là theo bố hoặc mẹ vì trên thực tế trại giam đã có trường hợp theo bố. Trẻ em theo mẹ sẽ được tăng diện tích phòng lên 4 m2 (phạm nhân bình thường được 2 m2/người) và được đảm bảo các điều kiện về việc chăm sóc con. Đó là những điều kiện cần thiết nhất, tối thiểu nhất mà cơ quan chức năng đã cố gắng đáp ứng

Về bồi thường cho các nạn nhân của hành vi tra tấn, báo cáo khẳng định Nhà nước VN có các quy định về bồi thường và phục hồi danh dự cho nạn nhân được luật hóa trong hiến pháp, pháp luật và chính sách quốc gia. Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự đã làm oan, gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự, quyền lợi cho người bị oan, người bị thiệt hại.

Trong quá trình thực thi nhiệm vụ của cán bộ công quyền, nếu có vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc đạo đức, nghề nghiệp, bao gồm các hành vi liên quan đến tra tấn thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm phải chịu những chế tài khác nhau về xử lý kỷ luật, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo các quy định của BLHS.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm