Trường hợp nào được ra ngoài đi công chứng?

Ngày 15-8, chủ tịch UBND TP.HCM ký Văn bản khẩn 2718 về tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội toàn TP theo tinh thần Chỉ thị 16/2020 của Thủ tướng đến hết ngày 15-9 với nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó” để quyết liệt kiểm soát dịch bệnh COVID-19.

Theo chỉ đạo này, UBND TP.HCM cho phép một số nhóm đối tượng được hoạt động, trong đó có các tổ chức hành nghề công chứng.

Công chứng di chúc, hợp đồng, giao dịch thiết yếu, cấp bách

Nhằm tiếp tục triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, liên quan đến hoạt động công chứng, Sở Tư pháp TP.HCM có văn bản gửi trưởng các tổ chức hành nghề công chứng, đề nghị:

- Hạn chế tối đa hoạt động trực tiếp, chuyển sang làm việc trực tuyến, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận yêu cầu hồ sơ (hộp thư điện tử, trang thông tin điện tử...). 

Người dân giao dịch tại Phòng công chứng số 3 TP.HCM. Ảnh: PCC

- Sắp xếp nhân sự làm việc hợp lý, hoạt động luân phiên… để thực hiện công chứng hợp đồng, giao dịch thiết yếu, cấp bách của người dân, doanh nghiệp (di chúc; hợp đồng về biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ để vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh; văn bản sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, cấp bản sao văn bản công chứng...).

- Căn cứ tình hình của địa phương nơi làm việc và hoạt động của đơn vị, trưởng tổ chức hành nghề công chứng chủ động lựa chọn thủ tục hành chính đặc biệt, cấp bách theo quy định để tiếp nhận trực tiếp.

- Thông báo công khai việc tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính và danh mục thủ tục hành chính đặc biệt, cấp bách được tiếp nhận trực tiếp tại trụ sở, trên trang thông tin điện tử, các phần mềm ứng dụng trực tuyến khác của đơn vị (nếu có).

- Sắp xếp lịch hẹn giải quyết, trả kết quả hồ sơ hợp lý, tránh tập trung đông người.

- Thực hiện nghiêm quy định 5K và phối hợp với y tế địa phương tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người lao động…

- Người lao động sử dụng thẻ công tác (ghi rõ họ tên, đơn vị công tác, địa chỉ nơi cư trú, đóng giáp lai ảnh với thẻ), kết hợp với văn bản xác nhận hoặc phân công công tác để xuất trình khi lưu thông giữa trụ sở cơ quan và nơi cư trú…

Cách thức để đi qua chốt kiểm soát

Liên quan đến việc làm sao để người dân đi công chứng trong trường hợp cấp bách mà không bị các chốt kiểm soát ngăn chặn, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Hòa, Trưởng phòng Công chứng số 3 TP.HCM, cho biết: Hiện Phòng công chứng số 3 tiếp tục tạm ngưng tiếp nhận trực tiếp hồ sơ yêu cầu công chứng đến hết ngày 15-9.

Tuy nhiên, phòng sẽ nhận và giải quyết các hồ sơ thuộc trường hợp công chứng di chúc, hợp đồng về biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ (ngân hàng) và các trường hợp cấp bách, đặc biệt khác.

Khách hàng nộp hồ sơ và đăng ký số người trực tiếp thực hiện giao dịch bằng cách gửi yêu cầu và thông tin vào địa chỉ Zalo “Phòng công chứng số 3” (Zalo có số điện thoại 0813332793) hoặc fanpage: Phòng công chứng số 3 TP.HCM.

Theo ông Hòa, để người dân đi qua được các chốt kiểm soát, sau khi khách hàng đăng ký thực hiện các thủ tục trên, nếu có yêu cầu thì phòng sẽ cấp một phiếu hẹn để khách trình với các chốt.

“Do phiếu hẹn cũng chỉ được gửi qua tin nhắn Zalo nên việc xem xét chấp nhận còn tùy thuộc vào các chốt. Đây là phiếu hẹn tạm nhận hồ sơ qua email chứ không phải chính thức. Vậy nên không có gì chắc chắn các chốt sẽ cho người dân đi” - trưởng Phòng công chứng số 3 chia sẻ.

Phòng công chứng số 3 cũng đề nghị khách hàng khi có giao dịch thật sự cần thiết, cấp bách mới liên hệ công chứng nhằm đảm bảo chủ trương tăng cường giãn cách để phòng chống dịch, đồng thời giảm thiểu khối lượng công việc cho phòng khi chỉ bố trí tối đa 1/4 nhân sự làm việc trực tiếp tại trụ sở.

Còn tùy vào quyết định của các chốt kiểm soát

Hồ sơ thuộc trường hợp cấp bách, người dân gửi thông tin qua các phương tiện điện tử (email, Zalo, Viber...) thì Phòng công chứng số 1 sẽ cấp giấy hẹn đến chứng nhận hợp đồng, giao dịch.

Quá trình di chuyển đến trụ sở tổ chức công chứng, người dân xuất trình giấy hẹn để có thể đi qua chốt kiểm soát phòng chống dịch. Tuy nhiên, người dân có được cho phép đi hay không thì còn tùy vào quyết định của các chốt kiểm soát.

Ông NGUYỄN TRÍ HÒA, Phó Chủ tịch thường trực Hội Công chứng viên TP.HCM, Trưởng phòng Công chứng số 1 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm