Trọng tài có quyền kê biên tài sản tranh chấp

Trọng tài thương mại (TTTM) là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận và được tiến hành theo Luật TTTM. Vấn đề nhiều người quan tâm là trong tố tụng trọng tài các bên có quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (ADBPKCTT) là kê biên tài sản và một số vấn đề khác, hay không?

Pháp Luật TP.HCM trao đổi với TS Nguyễn Thị Kim Vinh, Chủ tịch Trung tâm TTTM Tài chính (FCCA).

Được kê biên tài sản

. Phóng viên: Một trong các bên muốn kê biên tài sản đang tranh chấp để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của họ thì trọng tài có thẩm quyền này hay không, thưa bà?

+ Bà Nguyễn Thị Kim Vinh: Căn cứ Điều 49 Luật TTTM năm 2010 quy định về thẩm quyền thì Hội đồng trọng tài (HĐTT) được ADBPKCTT. Theo yêu cầu của một trong các bên, HĐTT có thể áp dụng một hoặc một số BPKCTT đối với các bên tranh chấp, trong đó có biện pháp kê biên tài sản đang tranh chấp…

Lưu ý, trong quá trình giải quyết tranh chấp, nếu một trong các bên đã yêu cầu tòa án ADBPKCTT theo quy định pháp luật mà sau đó lại có đơn yêu cầu HĐTT áp dụng biện pháp này thì HĐTT phải từ chối.

Trước khi ADBPKCTT, HĐTT có quyền buộc bên yêu cầu ADBPKCTT thực hiện nghĩa vụ bảo đảm tài chính. Nếu HĐTT ADBPKCTT khác hoặc vượt quá yêu cầu ADBPKCTT của bên yêu cầu mà gây thiệt hại cho hai bên hoặc người thứ ba thì người bị thiệt hại có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường theo pháp luật về tố tụng dân sự.

. Vậy thủ tục yêu cầu ADBPKCTT kê biên tài sản ra sao, có cần phải làm đơn và nộp chi phí gì hay không, thưa bà?

+ Thủ tục ADBPKCTT được quy định tại Điều 50 Luật TTTM năm 2010. Cụ thể là bên yêu cầu (nguyên đơn, bị đơn) yêu cầu ADBPKCTT phải làm đơn gửi đến HĐTT. Đơn yêu cầu này phải có các nội dung chính là ngày, tháng, năm làm đơn; tên, địa chỉ của bên có yêu cầu, bị yêu cầu ADBPKCTT; tóm tắt nội dung tranh chấp; lý do cần phải ADBPKCTT; BPKCTT cần được áp dụng và các yêu cầu cụ thể.

TS Nguyễn Thị Kim Vinh, Chủ tịch Trung tâm TTTM tài chính. Ảnh: KP

Cần chú ý là kèm theo đơn yêu cầu ADBPKCTT, bên yêu cầu phải cung cấp cho HĐTT chứng cứ để chứng minh cho sự cần thiết phải ADBPKCTT đó.

Theo quyết định của HĐTT, bên yêu cầu ADBPKCTT phải gửi một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá do HĐTT ấn định. Khoản này phải tương ứng với giá trị thiệt hại có thể phát sinh do ADBPKCTT không đúng gây ra để bảo vệ lợi ích của bên bị yêu cầu. Khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá được gửi vào tài khoản phong tỏa tại ngân hàng do HĐTT quyết định.

Trong thời hạn ba ngày làm việc (kể từ ngày nhận đơn), ngay sau khi bên yêu cầu đã thực hiện biện pháp bảo đảm quy định thì HĐTT xem xét, ra quyết định ADBPKCTT.

Trường hợp không chấp nhận yêu cầu, HĐTT thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho bên yêu cầu biết. Việc thi hành quyết định ADBPKCTT của HĐTT được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

Tám vấn đề cần lưu ý

. Trước khi lựa chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp của mình thì các bên tranh chấp có cần lưu ý vấn đề gì hay không, thưa bà? Chẳng hạn như thời hiệu khởi kiện, thỏa thuận trọng tài, nói tiếng Việt hay nói tiếng nước ngoài (cần phải có phiên dịch) đối với những vụ kiện có yếu tố nước ngoài?

+ Khi chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp thì các bên cần lưu ý các vấn đề chủ yếu sau:

1. Thời hiệu khởi kiện là hai năm kể từ thời điểm quyền và lợi ích bị xâm phạm.

2. Thời điểm bắt đầu tố tụng trọng tài được tính từ khi trung tâm trọng tài nhận đơn khởi kiện.

3. Thỏa thuận trọng tài thể hiện bằng hình thức như văn bản, fax, thư điện tử…

4. Thỏa thuận trọng tài hoàn toàn độc lập với hợp đồng. Việc thay đổi, gia hạn, hủy bỏ hợp đồng, hợp đồng vô hiệu hoặc không thể thực hiện được không làm mất hiệu lực của thỏa thuận trọng tài.

5. Nếu một bên phát hiện có vi phạm Luật TTTM hoặc thỏa thuận trọng tài của các bên mà vẫn thực hiện tố tụng trọng tài và không phản đối với HĐTT, trung tâm trọng tài những vi phạm đó theo thời hạn quy định thì bị mất quyền phản đối.

6. Tranh chấp không có yếu tố nước ngoài thì ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài là tiếng Việt. Tranh chấp có yếu tố nước ngoài thì ngôn ngữ sử dụng do các bên thỏa thuận. Nếu các bên không có thỏa thuận thì ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài do HĐTT quyết định.

7. Địa điểm giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận, có thể ngoài lãnh thổ Việt Nam.

8. Luật áp dụng đối với tranh chấp không có yếu tố nước ngoài thì áp dụng Luật Việt Nam. Tranh chấp có yếu tố nước ngoài thì HĐTT áp dụng pháp luật do các bên lựa chọn; nếu các bên không có thỏa thuận về luật áp dụng thì HĐTT quyết định áp dụng pháp luật mà HĐTT cho là phù hợp nhất…

. Xin cám ơn bà.

Được sử dụng chuyên gia để giải quyết tranh chấp

Khi giải quyết tranh chấp, trọng tài cho phép các bên được sử dụng kinh nghiệm của các chuyên gia và điều này được thể hiện ở quyền lựa chọn trọng tài viên của các bên. HĐTT tự mình hoặc theo yêu cầu của một hoặc các bên, có quyền tham vấn ý kiến của các chuyên gia. Chi phí chuyên gia do bên yêu cầu tham vấn tạm ứng hoặc do HĐTT phân bổ.

Các bên có thể lựa chọn một HĐTT dựa trên trình độ, năng lực, sự hiểu biết vững vàng của họ về pháp luật thương mại quốc tế, về các lĩnh vực chuyên biệt như xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ, sở hữu trí tuệ, chứng khoán…

(Trích Điều 39, Điều 40, Điều 41, Điều 42 Luật TTTM năm 2010) 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vụ án ông Tô Hoài Dân: Phản cung toàn diện

Vụ án ông Tô Hoài Dân: Phản cung toàn diện

(PLO)- Cả 3 bị cáo trong vụ án lừa đảo liên quan ông Tô Hoài Dân ở Cà Mau đều phản cung, cho rằng mình không có chiếm đoạt của Nhà nước 7,3 tỉ đồng như cáo buộc.