Triệu tập ai đến phiên phúc thẩm CEO Trần Phương Bình?

Ngày 10-5, TAND Cấp cao tại TP.HCM dự kiến mở phiên xử phúc thẩm vụ ông Trần Phương Bình và các đồng phạm gây thiệt hại cho Ngân hàng TMCP Đông Á (đại án DAB giai đoạn 2).

Theo kế hoạch, phiên xử kéo dài đến ngày 19-5. Chủ tọa phiên toà là thẩm phán Lê Thành Văn, Chánh toà Hình sự.

Phiên tòa được mở vì có kháng cáo của bị cáo trong vụ án và Người có nghĩa vụ quyền lợi liên quan.

Trong phiên xử này, HĐXX triệu tập UBND tỉnh Lâm Đồng, Công ty TNHH Ba Son, Công ty cổ phần phát triển đầu tư Vĩnh Thái cùng 12 đơn vị, cá nhân khác tham gia phiên tòa với tư cách người có nghĩa vụ quyền lợi liên quan.

Ông Trần Phương Bình (cạnh cảnh sát dẫn giải) cùng các đồng phạm. Ảnh: H.YẾN

Cuối tháng 11-2020, TAND TP.HCM nhận định hành vi của bị cáo Bình và đồng phạm gây ra là đặc biệt nghiêm trọng, trong thời gian ngắn đã gây thiệt hại số tiền lớn cho DAB.

Trong đó, ông Bình là người có vai trò chủ mưu, cầm đầu trong hàng loạt vi phạm dẫn đến thiệt hại vô cùng lớn.

Cụ thể là việc vi phạm cho vay không đúng quy định đối với bốn nhóm khách hàng lớn gây thiệt hại số tiền 8.800 tỉ đồng.

Ngoài ra, bị cáo Bình còn lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt của DAB 75,6 tỉ đồng để có tiền sử dụng vào mục đích cá nhân và trả lãi cho các khoản vay trước đó.

Cạnh đó, HĐXX xác định hành vi của bị cáo Bình và đồng phạm có dấu hiệu của tội cố ý làm trái quy định Nhà nước trong quản lý kinh tế, tuy nhiên áp dụng theo luật mới nên không truy cứu.

Hành vi của bị cáo Bình và các đồng phạm là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng DongABank bị lỗ lũy kế hơn 31.000 tỉ đồng; vốn chủ sở hữu bị âm 25.000 tỉ đồng và tổng tài sản thực của ngân hàng chỉ còn 47.000 tỉ đồng.

Trong đó, bị cáo Bình chỉ đạo toàn bộ hoạt động vay với nhiều sai phạm, có bàn bạc với các nhóm khách hàng gồm Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần vốn Thái Thịnh (TTC) Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty M&C Phùng Ngọc Khánh...

Bị cáo Bình là người giữ vị trí cao nhất trong vụ án nên phải chịu trách nhiệm hình sự nặng hơn các bị cáo khác. Mặt khác, trong giai đoạn 1 của vụ án bị cáo đã từng bị tuyên phạt mức án tù chung thân. 

Tuy nhiên cũng ghi nhận những đóng góp của bị cáo Bình đối với sự phát triển của DAB và xã hội...

Từ đó, toà xử phạt bị cáo Bình mức án tù chung thân về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và 20 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tổng hợp hình phạt chung bị cáo phải chấp hành là tù chung thân.

Bị cáo Bình phải bồi thường về số tiền đã chiếm đoạt và thiệt hại cho DAB, cấm đảm nhiệm chức vụ trong lĩnh vực ngân hàng năm năm sau khi chấp hành xong hình phạt tù.

Bị cáo Phùng Ngọc Khánh (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty M&C) là đối tác cho vay có bàn bạc thông đồng với bị cáo Bình trong việc cho vay sai quy định. Vai trò của bị cáo Khánh chỉ sau bị cáo Bình trong việc cho vay sai quy định.

HĐXX tuyên phạt bị cáo Khánh 18 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Các bị cáo khác được xác định là đồng phạm giúp sức cho bị cáo Bình, HĐXX tuyên phạt mức án từ hai năm án treo đến bảy năm tù giam. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...