Tranh luận căng thẳng vụ giám đốc kêu oan

Trước đó, phần tranh luận tại tòa diễn ra khá căng thẳng. Đại diện VKS giữ nguyên quan điểm buộc tội, đề nghị HĐXX phạt Luật 14-16 năm tù. Luật sư (LS) của bị cáo lại cho rằng VKS đã bỏ qua nhiều yếu tố cơ bản trong chứng minh tội phạm.

Theo LS này, VKS không nêu được ý thức chiếm đoạt của bị cáo xuất hiện từ khi nào, đây là yếu tố không thể thiếu để cấu thành tội lừa đảo. “VKS chỉ bám vào căn cứ duy nhất là giấy đỏ không mang tên Luật để quy kết Luật phạm tội là thiếu căn cứ. Trong khi từ đầu người bị hại đã nhận đất, rào chắn kiên cố, trồng cây suốt hơn hai năm không ai tranh chấp. Tại tòa, người bị hại khai chỉ đòi tiền thôi, không tố giác, HĐXX hỏi người bị hại nghĩ mình có bị lừa không thì người bị hại trả lời không biết” - LS nói.

Cũng theo LS bào chữa cho ông Luật, việc chứng minh bà Phan Thị Nguyệt (đứng tên trên giấy đỏ, hiện không rõ ở đâu - NV) đứng tên giùm lô đất cho Luật có ý nghĩa quyết định là bị cáo phạm tội hay không nhưng cơ quan điều tra, VKS đều không quan tâm. Trong khi đó, lời khai các nhân chứng cho thấy có chuyện này...

Bị cáo Luật tại tòa. Ảnh: T.VÂN

Đối đáp, đại diện VKS nói VKS chỉ tập trung chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo, không cần phải nghiên cứu tổng thể các quan hệ kinh tế. Giấy đỏ mang tên bà Nguyệt có cơ sở pháp lý cao nhất, chưa bị bác bỏ bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Luật không đứng tên trên giấy đỏ thì không có quyền định đoạt lô đất.

Tại tòa, Luật trình bày khi bị tạm giam, cán bộ điều tra và kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa nhiều lần khuyên Luật “nhận tội đi vì bà Nguyệt đã bỏ trốn, đổ hết cho bị cáo rồi, không chống lại nổi đâu”. “Kiểm sát viên hứa sẽ đề nghị cho bị cáo mức án bảy năm tù thôi, khi bị cáo ra tù sẽ giúp đỡ làm ăn lại. Người bị hại cũng nói nếu bị cáo nhận tội sẽ xóa hết nợ cho bị cáo. Họ nói giờ đã ở tù bốn năm rồi, thêm ba năm nữa cũng nhanh thôi, ra tù là xóa hết nợ, coi như một bài học tin người. Bị cáo trả lời có chết trong tù cũng chịu chứ nhất quyết không nhận tội vì bị oan” - Luật khai.

“Sau bốn năm bị tạm giam, gia sản phần lớn bị bà Nguyệt bán hết. Giờ cả nhà phải đi ở trọ, vợ bị cáo tâm thần bấn loạn, sức khỏe suy kiệt, con bị cáo thì bỏ học…” - Luật trình bày thêm.

Về nội dung Luật khai được khuyên nhận tội, đại diện VKS không tranh luận. Sau phiên xử, trao đổi với PV, đại diện VKS trả lời đó chỉ là lời nói một phía của Luật...

Kêu oan bị hình sự hóa

Từ đơn tố cáo của ông Nguyễn Công Hữu, tháng 6-2014, Luật bị khởi tố, bắt tạm giam, truy tố về tội lừa đảo… Theo VKSND tỉnh Bình Dương, khi chuyển nhượng 1/2 lô đất diện tích hơn 15.000 m2 tại huyện Tân Uyên cho ông Hữu, Luật nói đất của Luật, nhờ vợ chồng bà Nguyệt đứng tên giùm, Luật sẽ sang tên cho ông Hữu. Tuy nhiên, Luật không cho ông Hữu biết việc vợ chồng bà Nguyệt ủy quyền cho Luật toàn quyền định đoạt, tìm người bán đất. Sau khi nhận tiền, Luật tiêu xài hết, không sang tên đất cho ông Hữu.

Tại các phiên xử, Luật kêu oan rằng đất Luật mua của người khác với giá 4,1 tỉ đồng. Không đủ tiền mua đất, Luật vay của bà Nguyệt 2 tỉ đồng. Để đảm bảo khoản vay, bà Nguyệt yêu cầu đứng tên trên hợp đồng chuyển nhượng có công chứng và đứng tên trên giấy đỏ. Thỏa thuận này không lập thành văn bản nhưng hai bên có trao đổi qua email. Bà Nguyệt cũng làm giấy ủy quyền cho Luật toàn quyền định đoạt, tìm người bán đất nhằm có tiền trả cho bà. Luật đã nhiều lần thương lượng việc trả nợ nhưng chưa thành nên việc sang tên đất cho ông Hữu mới bị chậm trễ...

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm