Tranh cãi vụ 'nàng dâu không chia vàng': Vàng của ai?

Vụ án cũng khá đơn giản, hai vợ chồng đều thuận tình ly hôn, tuy nhiên có tranh chấp về việc chia số vàng cưới. Anh chồng cho rằng trong ngày lễ ăn hỏi, cha mẹ anh có cho vợ chồng anh ba cây vàng (30 chỉ) gồm một đôi bông tai một chỉ, còn lại là lắc, vòng, kiềng, dây chuyền. Anh yêu cầu chia đôi số tài sản này. Tòa sơ thẩm đồng ý.

Tuy nhiên, chị vợ cương quyết không đồng ý, kháng cáo. Chị cho rằng cha mẹ chồng có cho ba cây vàng nhưng đó là tài sản riêng của chị vì tại thời điểm lễ hỏi, đại diện nhà trai nói số vàng đó là "cho cô dâu". Hơn nữa, thời điểm làm lễ hỏi, chị và chồng chưa đăng ký kết hôn nên về pháp luật anh chị chưa phải là vợ chồng. Do vậy, số vàng có trước thời kỳ hôn nhân nên là tài sản riêng của chị.

Xử phúc thẩm, HĐXX đã nhận định: Số vàng 30 chỉ mà gia đình nhà trai cho cô dâu trong ngày lễ đính hôn được xem là tài sản chung của vợ chồng. Bởi lẽ theo phong tục, tập quán đã có từ trước đến nay, kể từ ngày làm lễ đính hôn trở về sau, mặc dù có đăng ký kết hôn theo quy định pháp luật hay chưa thì mặc nhiên cô dâu và chú rể được mọi người công nhận là vợ chồng. Như vậy kể từ đám hỏi, anh chị đã là vợ chồng nên tài sản tranh chấp mặc dù nói là cho cô dâu nhưng là tài sản cha mẹ cho chung hai vợ chồng để cùng nhau xây dựng hạnh phúc gia đình về sau. Cấp sơ thẩm xác định tài sản là tài sản chung của vợ chồng và chia đôi là có căn cứ, đúng quy định pháp luật… Do đó, tòa bác kháng cáo của chị này.

Tuy nhiên có một số ý kiến không đồng tình với tòa phúc thẩm. Một bạn đọc nêu ý kiến: Tòa phải xử theo luật chứ không thể theo phong tục, tòa cũng không thể nói "mặc nhiên" là vợ chồng dù có đăng ký kết hôn hay chưa, bởi theo luật hôn nhân gia đình mới nhất pháp luật chỉ công nhận là vợ chồng nếu có đăng ký kết hôn. Căn cứ chị P. nói số vàng đó là của riêng vì khi đám hỏi đàng trai nói rõ cho cô dâu là có cơ sở, tòa không nên suy diễn thêm. Lời nói cũng là một bằng chứng như hợp đồng giao kết, khi thành vợ chồng người vợ muốn nhập số tài sản là quà tặng riêng của mình vào khối tài sản chung là do ý chí người vợ. Vì vậy cả hai tòa sơ và phúc thẩm cho rằng đó là tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân là chưa chính xác.

Cũng có ý kiến đồng tình với HĐXX tòa phúc thẩm, cho rằng số vàng đó là của gia đình người chồng, khi cho nói theo cách thương dâu... Nhưng thật sự đó là cho cả con trai, vì có ai lại tự mang tiền, vàng cho người dưng? 

Ý kiến bạn thế nào về trường hợp này. PLO hoan nghênh mọi ý kiến đóng góp của các bạn. Ý kiến xin gửi vào mục Bạn đọc bình luận bên dưới bài.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm