Tranh cãi vụ cô gái đâm chết người tình vì đòi 'yêu'

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc kháng nghị này của VKS là thiếu cơ sở, không phù hợp với quy định của pháp luật. 

Theo hồ sơ, Trần Kim Ngân quen biết anh Lương Địch Lân qua Zalo. Hơn hai tháng sau, anh này nhắn tin rủ Ngân đi chơi.

Tối 30-11-2016, anh Lân chở Ngân đến bãi đất trống ở quận 2 (TP.HCM) nói chuyện.

Do Ngân không đồng ý cho Lân quan hệ tình dục nên bị Lân dùng dao khống chế. Trong lúc giằng co, lưỡi dao đã đâm trúng bụng Lân. Lợi dụng Lân bị thương, Ngân cắn vào tay của Lân và giật lấy con dao rồi quay người bỏ chạy được vài bước thì bị Lân kéo lại. Ngân quay lại đâm làm anh này tử vong. Ngân bị truy tố về tội giết người với khung hình phạt 7-15 năm tù.

Trong phiên tòa sơ thẩm, đại diện VKSND TP.HCM giữ quyền công tố đề nghị xử phạt Trần Kim Ngân từ 7 đến 8 năm tù về tội giết người nhưng TAND cùng cấp chỉ tuyên phạt bị cáo Ngân chín tháng 16 ngày tù (bằng thời gian tạm giam, bị cáo được trả tự do sau phiên xử) về tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.

Không đồng tình, ngày 17-10 VKSND TP.HCM đã kháng nghị, yêu cầu cấp phúc thẩm xử theo hướng tăng hình phạt và đổi tội danh từ giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh sang tội giết người đối với Ngân (SN 1994).

co-gai-giet-ban-trai

Theo các chuyên gia, hành vi Ngân đâm chết nạn nhân không có dấu hiệu của tội giết người.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về tội danh, luật sư (LS) Nguyễn Văn Hồng và LS Nguyễn Thành Công (Đoàn LS TP.HCM) đều cho rằng VKSND TP.HCM kháng nghị cấp phúc thẩm thay đổi sang tội danh giết người là chưa phù hợp với hành vi phạm tội của bị cáo Ngân.

Bởi theo các LS, anh Lân và bị cáo mới quen nhau trong thời gian ngắn, hẹn nhau đi chơi nhưng bị hại Lân lại có hành vi dùng dao khống chế để đòi quan hệ tình dục trái ý muốn của bị cáo Ngân. Một cô gái trẻ, trong hoàn cảnh như vậy thì sự phản kháng là cần thiết và pháp luật vẫn cho bị cáo được quyền phản kháng trong phạm vi cho phép.

Tuy nhiên, khi Ngân đã giật được dao và bỏ chạy nhưng lại bị kéo lại, tức bị cáo đang đứng trước lựa chọn phải có hành động để giải thoát cho mình. Chính lúc này tinh thần Ngân đang bị kích động mạnh nên mới quay ra đâm nạn nhân để bỏ chạy.

Hành vi đâm nạn nhân dẫn đến tử vong thỏa mãn dấu hiệu của tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.

Do đó, tòa án cấp sơ thẩm xử bị cáo Ngân là thấu tình đạt lý, tạo được sự đồng thuận của dư luận cũng như đảm bảo tính đúng đắn của pháp luật hình sự.

Đồng tình, LS Nguyễn Hồng Hà (Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Khánh Hòa) phân tích thêm, theo Điều 95 BLHS quy định: “Người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.

Ngoài ra, Nghị quyết số 04/NQ-HĐTP ngày 29-11-1986, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cũng hướng dẫn: Tình trạng tinh thần bị kích động mạnh là tình trạng người phạm tội không hoàn toàn tự chủ, tự kiềm chế được hành vi phạm tội của mình. Nói chung, sự kích động mạnh đó phải là tức thời do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân gây nên sự phản ứng dẫn tới hành vi giết người.

Đối chiếu với vụ án này, hành vi bị cáo Ngân đâm nạn nhân dẫn đến tử vong là hành động tức thời do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân gây ra (đòi quan hệ trái ý muốn của Ngân). Do đó, phải xác định Ngân đâm nạn nhân trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh.

"Việc tòa sơ thẩm chuyển sang tội nhẹ hơn so với tội giết người là phù hợp với thực tiễn và hướng dẫn của TAND Tối cao. Do vậy theo tôi, kháng nghị của VKSND TP.HCM rất khó để TAND Cấp cao tại TP.HCM chấp nhận" - LS Hà nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm