Tranh cãi về việc thế nào là "người cô đơn"

Một người già yếu cô đơn nhận người 31 tuổi làm con nuôi. 17 năm sau, cháu ruột của cụ kiện yêu cầu hủy quyết định vì khi nhận con nuôi, cụ không có tên trong danh sách người cô đơn ở địa phương.

Tuy nhiên, tòa cho rằng không có tên trong danh sách này không có nghĩa là không phải người cô đơn tại thời điểm nhận con nuôi...

71 tuổi nhận con nuôi 31 tuổi

Năm 1988, cụ Nguyễn Thị Huệ (sinh năm 1928) gặp bà Lê Thị Bé Âu (sinh năm 1968, ở Lai Vung, Đồng Tháp, khi đó mới 20 tuổi) khi làm công quả trong chùa. Một năm sau, cụ Huệ đưa bà Âu về ở chung nhà với cụ ở phường 1, TP Vũng Tàu, Bà Rịa-Vũng Tàu.

Cụ Huệ không chồng, không con nên nhận bà Bé Âu làm con nuôi. Tháng 5-1999, UBND xã Tân Hòa (huyện Lai Vung, Đồng Tháp) ra quyết định công nhận nuôi con nuôi giữa cụ Huệ - khi đó 71 tuổi và bà Âu - khi đó 31 tuổi.

Quyết định ghi nhận: Cụ Huệ có đơn xin nhận con nuôi, cha mẹ bà Âu có giấy thỏa thuận cho con làm con nuôi; hai bên có các quyền và nghĩa vụ của mẹ con theo pháp luật về hôn nhân và gia đình...

Tháng 7-1999, bà Âu nhập hộ khẩu vào nhà cụ Huệ. Hai mẹ con chung sống với nhau được 16 năm, đến tháng 8-2015 thì cụ Huệ mất. Quá trình chung sống, cụ Huệ đã truyền nghề làm bánh bò cho con gái nuôi. Hai mẹ con sống bằng nghề làm bánh bò bỏ mối ở các chợ.

Tháng 1-2016, một người cháu ruột của cụ Huệ đã khởi kiện UBND xã Tân Hòa ra TAND huyện Lai Vung, yêu cầu tòa hủy quyết định công nhận nuôi con nuôi.

Theo người khởi kiện, quyết định này trái với Điều 36 Nghị định 83/1998 về đăng ký hộ tịch và Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986. Tại thời điểm nhận nuôi con nuôi, bà Bé Âu đã 31 tuổi, không phải trẻ em; còn cụ Huệ thì không phải người già cô đơn do không có xác nhận của địa phương về hoàn cảnh người già cô đơn.

Người khởi kiện cung cấp văn bản do một cán bộ công an phường đã nghỉ hưu xác nhận rằng: Thời gian năm 1999 đến 2001, khi ông làm cảnh sát khu vực thì hộ cụ Huệ có hai người em ruột của cụ tạm trú. Người khởi kiện cũng nộp một văn bản trả lời của UBND phường 1, TP Vũng Tàu rằng vào thời điểm năm 1999, cụ Huệ không có tên trong danh sách thuộc đối tượng người cô đơn tại phường.

Bên bị kiện - UBND xã Tân Hòa, huyện Lai Vung, Đồng Tháp cho rằng xã đã xét đơn xin nhận trẻ làm con nuôi và giấy thỏa thuận cho trẻ làm con nuôi để ra quyết định công nhận nuôi con nuôi. Dựa vào độ tuổi và hộ khẩu thì từ thời điểm năm 1999, trong gia đình cụ Huệ ở TP Vũng Tàu chỉ có cụ Huệ và bà Bé Âu, ngoài ra không còn ai. Các giấy tờ, thủ tục có liên quan để ra quyết định này đã qua nhiều năm nên bị thất lạc. Tuy nhiên, hiện vẫn còn sổ lưu đăng ký nhận nuôi con nuôi vào năm 1999 tại UBND xã Tân Hòa.

Phải chứng minh không là người già cô đơn

Tháng 9-2016, xét xử sơ thẩm, HĐXX TAND huyện Lai Vung nhận định: Từ năm 1998 đến nay, bà Bé Âu vẫn sống tại nhà cụ Huệ, hiện là người thờ cúng cụ Huệ. Từ thời điểm năm 1999, trong gia đình cụ Huệ chỉ có cụ Huệ và bà Bé Âu, ngoài ra không còn ai. Giấy xác nhận của cảnh sát khu vực và văn bản trả lời của phường không phải là chứng cứ như lời trình bày của người khởi kiện cũng như phát biểu của kiểm sát viên.

Tòa đã yêu cầu người khởi kiện bổ sung chứng cứ nội dung xác nhận vào thời điểm năm 1999, cụ Huệ không phải người già yếu cô đơn, có xác nhận của UBND phường, xác nhận thời điểm từ đầu năm 1999 đến cuối 1999 hộ khẩu của cụ Huệ bao gồm những ai, có xác nhận của công an phường nơi cụ Huệ sinh sống. Tuy nhiên, người khởi kiện không cung cấp được chứng cứ chứng minh cụ Huệ không phải người cô đơn, do đó yêu cầu hủy quyết định nuôi con nuôi là không có căn cứ.

VKSND huyện Lai Vung kháng nghị, cho rằng căn cứ vào xác nhận của phường và xác nhận của nguyên cảnh sát khu vực thì có cơ sở chứng minh cụ Huệ không phải người già yếu cô đơn tại thời điểm nhận nuôi con nuôi. Người khởi kiện cũng đã cung cấp được xác nhận của phường 1, TP Vũng Tàu là cụ Huệ không có tên trong danh sách người già yếu cô đơn tại địa phương…

Tại phiên tòa phúc thẩm mới đây, đại diện VKSND tỉnh Đồng Tháp xét thấy kháng nghị của viện trưởng VKSND huyện Lai Vung không có căn cứ vững chắc nên đã rút kháng nghị, đề nghị HĐXX phúc thẩm y án sơ thẩm. VKS phúc thẩm cho rằng xác nhận của phường về việc cụ Huệ không có tên trong danh sách người cô đơn mục đích là để quản lý và hỗ trợ chính sách người già ở địa phương, còn việc thực hiện các thủ tục hành chính để nhận nuôi con nuôi chưa có quy định ràng buộc phải có tên trong danh sách hay không.

TAND tỉnh Đồng Tháp đã đồng tình với quan điểm của VKS cùng cấp. Theo HĐXX, việc nhận nuôi con nuôi, cụ Huệ trực tiếp ký tên vào sổ, xã còn lưu giữ. Hồ sơ tuy bị thất lạc nhưng phù hợp nguyện vọng cụ Huệ. Xác nhận của nguyên cảnh sát khu vực không đảm bảo tính chính xác là có hai người em của cụ Huệ tạm trú cùng cụ Huệ, không có tài liệu, chứng cứ để chứng minh, không thể làm căn cứ để giải quyết vụ án. Nếu hai người em có tạm trú cũng không xác định được cụ Huệ không phải là người không cô đơn. Thủ tục xã còn thiếu sót so với quy định nhưng phù hợp hoàn cảnh và đúng nguyện vọng, có sổ lưu để quản lý.

Người từ 15 tuổi trở xuống mới được nhận làm con nuôi. Trong trường hợp làm con nuôi người già yếu cô đơn thì con nuôi có thể trên 15 tuổi.

Về thủ tục đăng ký nhận nuôi con nuôi, người xin nhận nuôi con nuôi phải nộp đơn xin nhận nuôi con nuôi, giấy thỏa thuận về việc đồng ý cho trẻ em làm con nuôi của cha, mẹ đẻ…

Trong trường hợp người xin nhận con nuôi già yếu, cô đơn, thì đơn phải có xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú về hoàn cảnh đặc biệt đó.

Giấy thỏa thuận của cha, mẹ đẻ về việc đồng ý cho trẻ em làm con nuôi phải có xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú của cha, mẹ trẻ em đó.

Trích Điều 35 Luật HN&GĐ 1986 và Điều 36 Nghị định 83/1998  về đăng ký hộ tịch 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm