Tranh cãi về thời hiệu khởi kiện chia di sản

Ngày 6-2, tại buổi tọa đàm về dự thảo BLDS (sửa đổi) do Bộ Tư pháp và dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG) của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp tổ chức, vấn đề thời hiệu khởi kiện về chia di sản, xác định người có quyền thừa kế đã được các đại biểu đưa ra thảo luận.

Cần có thời hiệu khởi kiện cụ thể?

BLDS hiện hành quy định thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế. Theo nhiều chuyên gia, thực tế đang tồn tại một bất cập là có nhiều tài sản thừa kế bị tranh chấp nhưng do hết thời hiệu khởi kiện nên bị “treo” và người thừa kế tài sản không thể đăng ký quyền sở hữu.

Dự thảo BLDS sửa đổi đã đưa ra phương án quy định thời hạn yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này mà không có yêu cầu chia di sản thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Nếu không có yêu cầu chia và không có người thừa kế đang quản lý di sản thì xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu cho người quản lý ngay tình, liên tục, công khai; nếu việc chiếm hữu không có căn cứ pháp luật, không ngay tình thì di sản thuộc về Nhà nước.

Nhiều chuyên gia, trong đó có nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên đồng tình với dự thảo vì cần phải quy định một thời hiệu khởi kiện cụ thể để đảm bảo sự ổn định về mặt xã hội trước các tranh chấp về di sản, mặt khác dự thảo cũng đã đề ra được phương án giải quyết hậu quả rất rõ ràng khi thời hiệu khởi kiện đã hết.

Hay được khởi kiện bất cứ lúc nào?

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những ý kiến không đồng tình cho rằng không nên áp dụng thời hiệu đối với yêu cầu chia di sản.

Theo Thẩm phán Nguyễn Công Phú (TAND TP.HCM), BLDS hiện hành đang gộp chung hai loại tranh chấp là tranh chấp chia di sản và tranh chấp về việc xác định người có quyền thừa kế vào cùng một thời hiệu khởi kiện 10 năm là chưa hợp lý, cần phải tách ra. Thực tiễn thì nhiều tòa án cũng nhầm lẫn giữa tranh chấp về quyền thừa kế và tranh chấp di sản, chia tài sản chung.

Từ đó, ông Phú đề xuất dự thảo nên quy định rõ trường hợp tranh chấp về việc xác định một người có quyền thừa kế hay không thì thời hiệu khởi kiện là 10 năm (giữ nguyên như hiện nay). Trường hợp tranh chấp chia di sản thừa kế hoặc chia tài sản chung (bản chất như nhau) thì không có thời hiệu, những người thừa kế muốn chia lúc nào thì chia, không thống nhất thì có quyền khởi kiện.

Bên cạnh đó, ông Phú cũng góp ý là dự thảo nên quy định theo hướng nếu hết thời hiệu khởi kiện 10 năm, người thừa kế đang quản lý di sản có quyền làm thủ tục để công nhận của mình. Nhưng nếu không phải là người thừa kế mà chỉ là người chiếm hữu liên tục, ngay tình thì phải 30 năm mới được công nhận quyền sở hữu. Nếu có người đã mất quyền thừa kế tranh chấp thì tòa sẽ không thụ lý, giải quyết...

Địa vị pháp lý của hộ gia đình ra sao?

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia cũng cho ý kiến về việc xác định địa vị pháp lý của hộ gia đình. Vấn đề bất cập là hiện nay theo kết quả khảo sát 747 thẩm phán, chuyên gia pháp luật và cán bộ UBND cấp xã, phần lớn cho biết họ gặp khó khăn trong việc phân biệt đâu là giao dịch của hộ gia đình, đâu là giao dịch của cá nhân chủ hộ. Thực tiễn tố tụng cũng cho thấy hầu như không có nguyên đơn hoặc bị đơn là hộ gia đình trong giải quyết các vụ, việc dân sự.

Dự thảo BLDS đưa ra phương án sửa đổi là không xem hộ gia đình là chủ thể của quan hệ dân sự mà chỉ là thực thể pháp lý, đồng thời bổ sung các quy định về thành viên đại diện hộ gia đình, trách nhiệm của các thành viên trong hộ gia đình.

Trong khi đó, các chuyên gia đề xuất tới ba phương án: Thứ nhất là giữ nguyên như quy định hiện hành. Thứ hai là coi hộ gia đình là một chủ thể và phải có quy định cụ thể, xác định cụ thể thành viên và cơ chế pháp lý cụ thể hóa vai trò của chủ hộ. Thứ ba là thay đổi cơ chế điều chỉnh: Trước đây thì thành viên hộ gia đình phải chịu trách nhiệm liên đới bằng toàn bộ tài sản riêng của họ, giờ đổi thành khi hộ gia đình tham gia giao dịch dân sự thì thành viên nào tham gia sẽ chịu trách nhiệm cá nhân. Phương án này cần được xử lý về mặt kỹ thuật để không gây xáo trộn xã hội như: Những quy định mới về hộ gia đình sẽ chỉ áp dụng cho những hộ gia đình nào hình thành sau khi bộ luật này có hiệu lực. Riêng những hộ gia đình đang hiện hữu thì phải xây dựng chính sách pháp luật riêng, do Quốc hội ra nghị quyết điều chỉnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm