Trả hồ sơ vụ 'không là cha vẫn bị tội'

Luật sư đề nghị khởi tố vụ án làm sai lệch hồ sơ

Bị cáo Bùi Văn Sơn ra xe về trại tạm giam để làm thủ tục tại ngoại. Ảnh: N.ĐỨC

Cáo trạng của VKSND huyện An Phú quy kết bị cáo Sơn nhiều lần giao cấu với em bé bán vé số HTTL lúc em này trong độ tuổi từ 13 đến dưới 16. Theo đó, vào tháng 2-2012, khi thấy L. mang thai, gia đình em đã làm đơn tố cáo ông Sơn là người đã dụ dỗ, cưỡng ép quan hệ khiến L. sinh con trước 16 tuổi. Mặc dù kết quả giám định cả ba lần đều cho thấy ông Sơn không phải là cha của cháu bé con nạn nhân L. nhưng ông vẫn bị khởi tố và truy tố.

Tại tòa, sau khi HĐXX công bố phần thủ tục, luật sư (LS) Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn LS TP.HCM, bào chữa cho bị cáo Sơn) tiếp tục có ý kiến về việc kiểm sát viên không có thẩm quyền để thực hành quyền công tố. LS Hiệp phân tích: Không có quyết định ủy nhiệm của viện trưởng VKSND tỉnh An Giang mà phó viện trưởng VKS tỉnh An Giang lại phân công kiểm sát viên (vụ án ban đầu VKS tỉnh An Giang thụ lý). Tương tự, VKS huyện An Phú cũng không có quyết định ủy nhiệm của viện trưởng phân công kiểm sát viên thực hành quyền công tố. Từ đó LS Hiệp đề nghị phải thay đổi kiểm sát viên có thẩm quyền để thực hành quyền công tố.

Trước đó, phiên tòa ngày 1-2, đại diện VKS viện dẫn quyết định ban hành quy chế nội bộ thì phó viện trưởng được quyền ký các quyết định nêu trên mà không cần có viện trưởng ký. Tại phiên tòa lần này, đại diện VKS huyện An Phú đã đưa ra các quyết định ủy nhiệm của viện trưởng VKS tỉnh cho HĐXX. Tuy nhiên, LS Hiệp cho rằng việc đưa các quyết định này sau khi vụ án đã đưa ra xét xử là một cách hợp thức hóa hồ sơ, vi phạm tố tụng nghiêm trọng… LS Hiệp yêu cầu HĐXX xem xét khởi tố vụ án làm sai lệch hồ sơ vụ án ngay tại tòa.

Cả LS Hiệp và đại diện VKS tranh luận nảy lửa vấn đề này. HĐXX cho rằng đây chỉ là phần thủ tục hành chính và xét thấy phải tiếp tục phiên xử để làm rõ các tình tiết vụ án.

“Không cần giám định ADN bị cáo nữa”

Tại tòa, bị can Sơn liên tục kêu oan vì cho rằng ông không hề giao cấu với em L.

LS Võ Đức Toàn (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại L.) đề nghị trưng cầu giám định lại lần thứ tư để xác định ai là cha đứa bé, bởi các lần giám định trước không đúng thủ tục. Đại diện VKS cho rằng không cần trưng cầu giám định vì đã ba lần giám định ADN không xác định ông Sơn có quan hệ huyết thống với con của L. VKS cũng cho rằng việc truy tố ông Sơn tội giao cấu là căn cứ vào lời khai của bị hại và các chứng cứ liên quan như hiện trường, lời khai của nhân chứng nên không cần thiết trưng cầu giám định lại.

Bào chữa, LS Hiệp cho rằng các chứng cứ, nhân chứng của VKS đưa ra thiếu thuyết phục, lời khai của bị hại, nhân chứng còn nhiều mâu thuẫn. “Không có bất kỳ chứng cứ nào chứng minh ông Sơn có hành vi giao cấu với L. nên không thể quy kết ông Sơn phạm tội được. Đề nghị HĐXX tuyên ông Sơn không phạm tội” - LS Hiệp nói.

Trả hồ sơ để làm rõ nhiều vấn đề

Chiều tối 26-2, sau khi nghị án, chủ tọa phiên tòa công bố quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn, cho bị cáo Sơn được tại ngoại ngay tại tòa. Sau đó, tòa tuyên bố trả hồ sơ cho VKS cùng cấp để điều tra bổ sung nhiều vấn đề.

Thứ nhất, bị hại chỉ khai có quan hệ duy nhất với ông Sơn. Tuy nhiên, kết quả ba lần giám định, ông Sơn không phải là cha của cháu bé con của L. nên có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Thứ hai, cần làm rõ lời khai của bị hại về các vết tích trên đùi, mông của ông Sơn. Thực tế tại biên bản xem xét dấu vết trên đùi, mông ông Sơn có chấm tròn nâu đen nhưng lời khai của L. thì vết tròn nâu đỏ. Thứ ba, lời khai của người làm chứng, bị cáo, bị hại có mâu thuẫn về thời gian nhưng chưa được đối chất. Thứ tư, cần làm rõ cách thức, động tác khi bị cáo và bị hại giao cấu, lần nào đồng ý và không đồng ý…

Phiên tòa kết thúc trong tiếng vỗ tay của đông đảo người dân dự tòa khi ông Sơn được đưa ra xe về trại tạm giam để làm các thủ tục tại ngoại ngay trong tối cùng ngày.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm