Trả hồ sơ vụ 'đại gia' hầu tòa vì kinh doanh BĐS thua lỗ

Ngày 29-5, TAND TP Đà Nẵng tiếp tục phiên xử sơ thẩm bị cáo Hứa Thị Mộng Hoa (SN 1967, trú quận Hải Châu) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Các bị cáo Thái Trần Thông (SN 1975, cựu Giám đốc ngân hàng SeABank Đà Nẵng); Nguyễn Ẩn (SN 1982, cựu nhân viên SeABank Đà Nẵng) và Hoàng Hiếu Trung (SN 1983, cựu chuyên viên khách hàng thuộc SeABank Đà Nẵng), bị truy tố về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng.

Các bị cáo tại tòa.

Chưa thể làm rõ chứng cứ mới

Kết thúc nghị án, HĐXX xét thấy vụ án xuất hiện một số nội dung, chứng cứ mới chưa thể làm rõ ngay tại tòa nên đã tuyên trả hồ sơ cho VKSND TP Đà Nẵng để điều tra bổ sung.

Theo HĐXX, tại tòa, bị cáo Hoa cho rằng ngân hàng xử lý tài sản thế chấp là các bất động sản, sổ tiết kiệm có dấu hiệu lừa dối, cưỡng ép, vi phạm những cam kết thỏa thuận trước đó với bị cáo. Sau khi xử lý được tài sản thế chấp thì đại diện phía ngân hàng đã hình sự hóa quan hệ kinh doanh thương mại.

Theo bị cáo, việc thiếu hụt hàng hóa là do bị thất thoát hàng trong quá trình vận chuyển ở TP Hồ Chí Minh, giá trị là 47 tỉ đồng. Việc này bị cáo đã báo cáo với đại diện SeABank Đà Nẵng là ông Thái Trần Thông, cơ quan chức năng tại TP Hồ Chí Minh nhưng chưa được điều tra làm rõ.

Bị cáo Hoa cũng cho rằng việc ngân hàng tự tăng lãi suất, thu thêm các loại phí là không đúng với cam kết thỏa thuận ban đầu, vi phạm các quy định của ngân hàng Nhà nước, vi phạm quy định của pháp luật.

Bị cáo đã cung cấp nhiều tài liệu, chứng cứ mới liên quan đến khoản lãi và phí mà Công ty Gia Bảo trả cho ngân hàng cao hơn số tiền mà ngân hàng này cung cấp cho cơ quan điều tra.

Qua hồ sơ vụ án, HĐXX nhận thấy tài liệu ngân hàng cung cấp, tài liệu do cơ quan điều tra cung cấp liên quan đến tổng số tiền lãi, các khoản phí ngân hàng thu về là không trùng khớp, có mâu thuẫn. Do đó, cần phải điều tra làm rõ số tiền lãi và các loại phí mà Công ty Gia Bảo đã trả cho ngân hàng chính xác là bao nhiêu.

Các luật sư thống nhất đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung của đại diện VKS và cho rằng có dấu hiệu hình sự hóa quan hệ dân sự kinh doanh thương mại trong vụ án này, cần phải được điều tra, làm rõ.

Ngoài ra, luật sư còn đề nghị điều tra thêm việc xử lý tang chứng, thu lãi và phí tín dụng cao hơn thỏa thuận ban đầu của ngân hàng có vi phạm quy định của ngân hàng Nhà nước, vi phạm quy định của pháp luật hay không.

Nhìn lại toàn bộ thông tin vụ án

Theo cáo trạng, bà Hoa là chủ tịch HĐTV kiêm giám đốc của Công ty TNHH Gia Bảo (trụ sở quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng), chuyên mua bán các mặt hàng điện thoại di động, sim số, thẻ cào điện thoại di động, linh kiện viễn thông…

Ngoài ra, bà còn là giám đốc Công ty TNHH Điện tử Viễn thông Nam An (trụ sở tại 22 Hoàng Diệu, Hải Châu, Đà Nẵng), thành lập tháng 11-2003 với ngành nghề kinh doanh tương tự. Đến tháng 12-2003, bà Hoa chuyển cho chồng là Huỳnh Nghiệp làm giám đốc.

Công ty TNHH Gia Bảo phát sinh quan hệ tín dụng với SeABank Đà Nẵng từ năm 2007, bắt đầu với hợp đồng tín dụng hạn mức 0003/HĐTD-HM ngày 14-2-2007, vay vốn ngắn hạn để kinh doanh mặt hàng sim số, thẻ cào, điện thoại di động.

Ngày 15-9-2007, bà Hoa đại diện Công ty TNHH Gia Bảo lập đơn xin vay vốn kèm phương án vay vốn gửi ngân hàng SeABank, đề nghị được vay 120 tỉ đồng để bổ sung vốn kinh doanh. Ngày 20-11-2007, SeABank Đà Nẵng đã ký hợp đồng với hạn mức tín dụng cấp cho công ty này số tiền nói trên.

Tài sản đảm bảo cho nợ vay là bất động sản, hàng hóa tồn kho luân chuyển và hàng hóa hình thành từ vốn vay. Thời hạn vay của mỗi khế ước là ba tháng.

Từ ngày 27-11-2007 đến 27-11-2008, SeABank đã giải ngân cho Công ty Gia Bảo theo 66 khế ước với tổng số tiền là hơn 485,0 tỉ đồng. Ngày 24-12-2008, Công ty này phát sinh nợ quá hạn và không thể trả được nợ đã vay. Số tiền gốc vốn vay ngân hàng SeABank không thu hồi được là hơn 55,2 tỉ đồng (chưa kể lãi).

Ngân hàng đã có đơn tố cáo đến Cơ quan điều tra đề nghị điều tra, xử lý ngay sau đó.

Trong vụ án này, ông Thông và các cán bộ ngân hàng SeABank được xác định là có nhiều sai phạm trong việc thuê thủ kho độc lập; kiểm tra, định giá tài sản đảm bảo liên quan đến hàng tồn kho của Công ty Gia Bảo thế chấp cho SeABank.

Ngoài ra là sai phạm trong việc thu thập hồ sơ xác định quyền sở hữu tài sản và đăng ký giao dịch đảm bảo đối với hàng hóa tồn kho luân chuyển thế chấp cho SeABank; theo dõi, kiểm tra kho hàng cũng như kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay của Công ty Gia Bảo. 

Cáo trạng xác định vì những sai phạm trên đã tạo điều kiện cho bà Hoa lợi dụng nâng khống giá trị hàng hóa tồn kho làm tài sản đảm bảo, ngân hàng không kiểm tra cũng như không quản lý được món vay, hay nói cách khác,  SeABank Đà Nẵng cho vay mà không có tài sản đảm bảo, vi phạm quy định của pháp luật về điều kiện cấp tín dụng.

Tại các phiên xử, bị cáo Hoa kêu oan và nói rằng nội dung cáo trạng không đúng sự thật. Còn các bị cáo khác cho rằng họ không phạm tội vì chỉ làm đúng theo chức trách, nhiệm vụ được giao.

Bắt 3 cán bộ, lãnh đạo Ngân hàng SeABank
Bắt 3 cán bộ, lãnh đạo Ngân hàng SeABank
(PLO)- Ngày 5-11, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam bốn tháng đối với ba cán bộ, lãnh đạo Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Nam Á (SeABank Chi nhánh Đà Nẵng).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm