TPHCM phân công trách nhiệm quản lý công trình xây dựng

Theo đó, Sở Xây dựng là cơ quan đầu mối giúp UBND TP thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, có trách nhiệm: Thực hiện quản lý nhà nước về chất lượng công trình dân dụng, công trình sản xuất vật liệu xây dựng, công trình công nghiệp nhẹ; công trình cột ăng ten; tháp thu, phát sóng truyền thanh/truyền hình; nhà để ô tô; nhà tang lễ; cơ sở hỏa táng…

UBND quận/huyện thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn đối với công trình nhà ở riêng lẻ, các công trình do UBND quận/huyện hoặc UBND phường/xã/thị trấn trực thuộc phê duyệt dự án đầu tư, phê duyệt báo cáo kinh tế-kỹ thuật hoặc cấp phép xây dựng.

Giao phòng chuyên môn trực thuộc có chức năng quản lý xây dựng: Kiểm tra công tác nghiệm thu công trình nhà ở riêng lẻ từ bảy tầng trở lên do UBND quận/huyện cấp giấy phép xây dựng; các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước và vốn nhà nước ngoài ngân sách do UBND quận/huyện hoặc UBND phường/xã/thị trấn phê duyệt dự án đầu tư, phê duyệt báo cáo kinh tế-kỹ thuật (trừ công trình đường dây, trạm biến áp có cấp điện áp từ 35 KV trở xuống và công trình vốn nhà nước ngoài ngân sách cấp IV); công trình vốn khác thuộc loại công trình có ảnh hưởng lớn đến an toàn cộng đồng, có ảnh hưởng lớn đến môi trường do UBND quận/huyện cấp phép xây dựng.

Kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn lao động trong thi công xây dựng các công trình nhà ở riêng lẻ trên địa bàn; chủ trì thực hiện việc xử lý đối với công trình trên địa bàn có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho khai thác sử dụng; có trách nhiệm thông báo và thẩm quyền xử lý đối với công trình cấp III, IV hết hạn sử dụng có nhu cầu sử dụng tiếp trên địa bàn.

UBND phường/xã/thị trấn tiếp nhận thông báo khởi công của chủ đầu tư đối với các công trình xây dựng trên địa bàn; thông báo cho UBND quận/huyện về các công trình trên địa bàn có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho khai thác sử dụng; thực hiện các công tác được phần công trong xử lý đối với các công trình trên địa bàn có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho khai thác sử dụng...

Các ban quản lý khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao thực hiện công tác quản lý về chất lượng các công trình xây dựng trong địa giới quản lý…

Sở Xây dựng là cơ quan đầu mối giúp UBND TP thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, đối với các sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, TP.HCM giao trách nhiệm như sau:

Sở Công Thương: Công trình công nghiệp, trừ công trình sản xuất vật liệu xây dựng và công trình công nghiệp nhẹ.

Sở GTVT: Công trình giao thông (kể cả công trình giao thông thuộc dự án nhà ở); công trình hạ tầng kỹ thuật; công trình tường chắn (kè) trên các tuyến sông, kênh rạch có chức năng giao thông thủy và thoát nước đô thị.

Sở NN&PTNT: Công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Sở TN&MT: Công trình xử lý chất thải rắn.

Các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước và vốn nhà nước ngoài ngân sách chỉ được quyết toán hợp đồng thi công xây dựng khi có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành công trình hoặc đồng ý cho nghiệm thu đưa vào sử dụng của cơ quan có thẩm quyền.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm